3 sách hay về bác sĩ Yersin nên đọc
3 sách hay về bác sĩ Yersin. Khuyên đọc quyển Đốc – Tờ Năm: Câu Chuyện Kỳ Diệu Về Người Chống Lại Bệnh Dịch Hạch.
Yersin Quê Hương Phía Mặt Trời – Trần Phương Hạnh
Là người học trò giỏi của thầy Louis Pasteur, Yersin đã không ngừng nối tiếp và phát triển những công trình của thầy. Phần thưởng xứng đáng cho ông là được đề cử giữ chức Giám đốc danh dự Viện Pasteur, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện và là Ủy viên Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Y học. Tuy vậy, ông vẫn không màng danh lợi mà chỉ muốn sống cuộc sống bình thường, “phục vụ lợi ích cho mọi người”.
Cho đến nay, hình ảnh và những công trình của Yersin vẫn còn mãi trong lòng người dân Việt Nam.
MỤC LỤC:
- Thời niên thiếu
- Người học trò nhút nhát của Louis Pasteur và Émile Roux
- Những chuyến đi khảo sát ở miền Trung Đông Dương
- Cuộc săn tìm vi khuẩn dịch hạch
- Niềm say mê chăn nuôi, trồng trọt
- Thành lập Trường Y khoa Hà Nội
- Trở lại vùng đất yêu thương
- Những năm tháng cuối cùng
Đốc – Tờ Năm: Câu Chuyện Kỳ Diệu Về Người Chống Lại Bệnh Dịch Hạch
Cuốn sách kể về cuộc đời đặc biệt của Alexandre Yersin, Ông Năm: nhà vi trùng học nổi tiếng, thành viên Viện Pasteur ở tuổi 23, phát hiện ra khuẩn hạch năm 31 tuổi.
Năm 1890, Yersin dời châu Âu trên tàu của một công ty vận tải biển, với ước mơ khám phá những vùng đất xa xôi như Livingstone, hướng tới Đông Dương và những cao nguyên chưa được biết tới của vùng đất này.
Nhưng lý tưởng của nhà nghiên cứu vẫn luôn cháy trong ông.
Dịch hạch nổ ra ở Trung Quốc, năm 1894, ông tới Hồng Kông để nghiên cứu căn bệnh này.
Ở đây, giữa lúc dịch bệnh lan tràn khắp nơi, không được tiếp cận với bệnh viện và tử thi, ông đã tự mình phát hiện được khuẩn hạch mặc dù gặp phải sự đối đầu của giáo sư người Nhật Kitasato. Từ đó, Yersin nổi tiếng khắp thế giới.
Tuy vậy, ông cảm thấy mình không thích hợp với sự nổi tiếng. Ông muốn sống ở Nha Trang, nơi ông thành lập một viện Pasteur và sống đến những ngày cuối đời, không ngừng khám phá và làm giàu cho vùng đất ông sinh sống.
Trong cuốn tiểu sử đầy chất lãng mạn này, Élisabeth du Closel đã lần theo cuộc đời và những chuyến đi của Yersin cũng như những cuộc khẩu chiến làm chấn động thế giới khoa học, đồng thời làm sống lại Việt Nam thời kỳ đó một cách sinh động với đủ mọi sắc thái.
Yersin Dịch Hạch & Thổ Tả
Trong số những học trò và môn đệ của Louis Pasteur, bí ẩn nhất có lẽ là Alexandre Yersin, gốc Thụy Sỹ (sinh năm 1863 tại Morges) nhưng nhập quốc tịch Pháp vì nhu cầu nghiên cứu khoa học. Yersin vừa làm vừa học và sớm lên đường sang Đông Dương, nơi ông sống phần quan trọng nhất của đời mình, lánh chốn thị thành Paris ồn ã và xa khỏi chiến tranh. Ở Đông Dương, ông mở rộng nghiên cứu dịch tễ học, địa lý, thiên văn và khí tượng học. Quả là người trẻ luôn tò mò về mọi thứ, đặc biệt là Yersin. Vốn là một trong số các nhà nghiên cứu trẻ tuổi góp mặt ở Viện Pasteur thành lập năm 1887, Yersin có chí hướng phiêu lưu ngay từ khi ấy. “Đời mà không đi thì còn gì là đời nữa”, ông viết. Rất sớm, ông đã sang châu Á, trở thành thủy thủ, rồi nhà thám hiểm. Năm 1894, ông trở thành người phát hiện ra vi trùng dịch hạch; ông sống ở Nha Trang, Đông Dương, cách xa hẳn những cuộc chiến tranh, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy việc trồng cây cao su và cây ký ninh. Ông qua đời vào năm 1943, khi Đông Dương nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.
Là bạn của chính trị gia Doumer, Yersin là người khai sinh ra thành phố Đà Lạt (Việt Nam), sau đó ông chuyển đến sống ở Nha Trang, say sưa thực hiện các hoạt động nghiên cứu đa dạng của mình. Nuôi bò, trồng cây cao su, phong lan, ký ninh: đáng ra ông có thể giàu to nhưng toàn bộ tiền của được rót cho nghiên cứu và viện Pasteur được thành lập vào thời gian đó. Toàn tâm toàn ý với khoa học, ông sẽ không lấy vợ sinh con. Thỉnh thoảng có quay lại châu Âu, nhưng ông thường biết thông tin về các cuộc xung đột quốc tế và sự tàn bạo của chúng từ xa qua đài báo. Trước khi qua đời vào năm 1943, Yersin ý thức được, mà không thực sự thấy cay đắng, rằng tên tuổi mình sẽ không có được niềm vinh quang sau khi mất như người thầy Pasteur, và sẽ chủ yếu được gắn với việc tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch ở Hồng Kông năm 1894.
Để kể lại cuộc phiêu lưu khoa học cũng như cuộc đời của con người tuyệt diệu này, Patrick Deville đã lần theo dấu chân của Yersin trên khắp thế giới, ông cũng tham khảo thư từ và tài liệu được lưu trữ tại các Viện Pasteur. Nổi bật vì chất thơ lãng đãng xen kẽ tính triết lý sâu sắc, cuốn sách có thể coi như một bức chân dung đầy lý thú về một con người kỳ lạ đã chọn cuộc sống gần nửa thế kỷ ở xứ xở xa xôi bên bờ biển Đông.
Cuốn sách đã lọt vào chung khảo giải Goncourt và nhận giải thưởng Femina năm 2012, hai giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Ngoài ra nó còn nhận “Giải của Các giải văn học” (Le Prix des Prix littéraires) và “Giải tiểu thuyết” của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac).