List sách

10 sách hay về di truyền học nên đọc

10 sách hay về di truyền học. Khuyên đọc quyển GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại, Câu Chuyện Di Truyền, và Di Truyền Học: Minh Họa Sinh Động Bằng Tranh – Dẫn Nhập Ngắn Về Khoa Học.

Câu Chuyện Di Truyền

Câu Chuyện Di Truyền

Bạn gặp vấn đề khi cố gắng tìm hiểu mã di truyền? Gene trội và đột biến khiến bạn cảm thấy rối trí? Protein hình thành như thế nào? DNA là gì?

Hãy cùng Larry Gonick và Mark Wheelis lội qua di truyền học Mendel, sinh học phân tử, và những điều cơ bản của kỹ thuật di truyền. Với hình minh họa rõ ràng và ngộ nghĩnh, di truyền học trở nên đơn giản và gần gũi hơn.

Di Truyền Học: Minh Họa Sinh Động Bằng Tranh – Dẫn Nhập Ngắn Về Khoa Học

Di Truyền Học: Minh Họa Sinh Động Bằng Tranh – Dẫn Nhập Ngắn Về Khoa Học

Di truyền học là mấu chốt để hiểu được sự sống. Mỗi cá thể đều khác nhau. Nhưng tất cả đều sinh ra trên cùng một hành tinh và thường dưới những điều kiện như nhau, tại sao mỗi cá thể trong quần thể lại có thể là độc nhất? Di truyền học ngày nay đã hiểu được cơ chế của quá trình mỗi cá thể hình thành.

Từ khám phá về DNA cho tới những bệnh di truyền cần những phương pháp điều trị đột phá, cuốn sách này giới thiệu tổng quan về di truyền học, cung cấp cho độc giả những góc nhìn đặc biệt về ngành di truyền học hiện đại.

Dẫn nhập ngắn về khoa học là lựa chọn sáng suốt nhất cho bất kỳ ai muốn truy cập nhanh và hiệu quả vào kho kiến thức khổng lồ. Khai thác thông tin khoa học khách quan từ những nguồn xác tín và sử dụng phong cách truyện tranh hài hước, bộ sách độc đáo này sẽ mở ra con đường sáng rõ nhất để tìm đến những ý tưởng khoa học đột phá của nhân loại.

Di Truyền Học Biểu Sinh: Minh Họa Sinh Động Bằng Tranh

Di Truyền Học Biểu Sinh: Minh Họa Sinh Động Bằng Tranh

Dẫn nhập ngắn về khoa học là lựa chọn sáng suốt nhất cho bất kỳ ai muốn truy cập nhanh và hiệu quả vào kho kiến thức khổng lồ. Khai thác thông tin khoa học khách quan từ những nguồn xác tín và sử dụng phong cách truyện tranh hài hước, bộ sách độc đáo này sẽ mở ra con đường sáng rõ nhất để tìm đến những ý tưởng khoa học đột phá của nhân loại.

Di truyền học biểu sinh là ngành khoa học lý giải nguyên nhân, cách thức giúp chúng ta thừa hưởng một số đặc điểm chung, quá trình phát triển của bệnh tật, sự lão hóa và quá trình phát tiến hóa của con người cũng như các loài khác.

Trong cuốn sách này, bạn sẽ được quan sát những cặp sinh đôi cùng trứng để thấy tác động của di truyền học biểu sinh từ môi trường và trải nghiệm xung quanh. Bạn sẽ hiểu cơ chế kích hoạt và bất hoạt một số gen nhất định ở các giai đoạn phát triển phôi và cách các nhà khoa học đảo ngược quá trình chuyên biệt hóa tế bào để tạo ra những con cóc nhân bản vô tính từ một tế bào ruột.

Con Nhà Tông – Sự Ảnh Hưởng Của Gen Lên Học Lực Và Thành Tựu

Con Nhà Tông – Sự Ảnh Hưởng Của Gen Lên Học Lực Và Thành Tựu

Được xuất bản lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2014, cuốn sách của Tiến sĩ Kathryn Asbury thuộc Đại học York, UK (Người chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của môi trường gia đình và nhà trường lên thành tích học tập, hành vi, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em) và Tiến sĩ Robert Plomin – Giáo sư ngành Di truyền học Hành vi tại Đại học King London, (Người sáng lập chương trình Twins Early Development Study – TEDS, đã xuất bản hơn 500 bài nghiên cứu và nhiều cuốn sách về di truyền học hành vi) đã mở mang tầm nhìn của toàn thế giới về cách gen gây ảnh hưởng, chứ không quyết định lên quá trình học tập của trẻ em.

Được thừa nhận bởi rất nhiều giáo sư trong ngành tâm lý học và di truyền học, đây là cuốn sách đáng đọc dành cho phụ huynh, giáo viên, và các nhà hoạch định chính sách. Thậm chí giáo sư Steven Pinker, Giáo sư ngành Tâm lý học, Đại học Harvard đã hết lời khen ngợi rằng: “Những hiểu biết về gen (được trình bày trong cuốn sách này) là cần thiết đối với chính sách giáo dục, giúp tạo ra những ngôi trường giảng dạy hiệu quả hơn và có tính nhân văn hơn. Có lẽ đây là cuốn sách quan trọng nhất đối với việc xây dựng hệ thống giáo dục trong kỷ nguyên mới”.

Nếu bạn đồng quan điểm rằng mọi trẻ em đều có phẩm chất, tài năng và tính cách khác nhau và một hệ thống giáo dục dựa trên tính di truyền sẽ trân trọng và khuyến khích sự đa dạng, giúp mỗi học sinh trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình và đều có thể đóng góp cho xã hội, đây là cuốn sách phải đọc dành cho bạn.

GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại

GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại

GEN là một khái niệm trừu tượng, một thông điệp, một điều bí ẩn, một “bóng ma ẩn mình trong cỗ máy sinh học.”

Cuốn sách của Siddhartha Mukherjee là câu chuyện về sự sinh thành, phát triển, và tương lai của Gen – đơn vị cơ bản của di truyền, đơn vị cơ sở của tất cả thông tin sinh học, và là một trong những ý niệm có sức tác động nguy hiểm và lợi hại nhất trong lịch sử khoa học.

Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại được sắp xếp cả theo thứ tự niên đại lẫn chủ đề mà đường cong chính yếu là lịch sử. Mukherjee bắt đầu dẫn dắt từ khu vườn trồng đậu của Mendel, trong một tu viện hẻo lánh ở Moravia vào năm 1864, nơi Gen được khám phá rồi nhanh chóng bị quên lãng. Được kể song song với câu chuyện này là học thuyết tiến hóa của Darwin. Gen đã mê hoặc các nhà cải cách Anh và Mỹ, những người nuôi hy vọng thao túng di truyền học người để tăng tốc quá trình tiến hóa và giải phóng nhân loại..

Có những câu chuyện lồng trong mỗi câu chuyện, nhưng cuốn sách này còn là một câu chuyện rất cá nhân – một lịch sử riêng tư. Tác giả dẫn giải từ chính những bi kịch gia đình với một số thành viên của nhiều thế hệ mắc phải những bệnh trạng tâm thần khó hiểu, đây cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách, đặt ra những trăn trở về khả năng tiến xa đến đâu của loài người trong hành trình từ phòng thí nghiệm khoa học di truyền ra với thực tế..

“Gen cung cấp một nguyên tắc tổ chức cho sinh học hiện đại – và nó trêu ngươi chúng ta với triển vọng kiểm soát chính cơ thể và số mệnh của chúng ta. Bàng bạc trong suốt chiều dài lịch sử gen là “cuộc tìm kiếm tuổi trẻ vĩnh cửu, là huyền thoại Faust về sự đảo ngược mệnh số, là niềm mơ mộng trăm năm sự toàn hảo của con người.” In hằn không kém phần rõ nét là nỗi khao khát giải đoán cuốn “cẩm nang” của chính cuộc đời chúng ta.”

Gen Vị Kỷ

Gen Vị Kỷ

Gen vị kỷ là cuốn sách đầu tay của Richard Dawkins, được công bố năm 1976, và cũng nổi tiếng nhất trong số các công trình khoa học của ông.

Không chỉ sử dụng rất tài tình hình ảnh so sánh và phép nhân cách hóa để giải thích khoa học, Richard còn sáng tạo ra thuật ngữ “gen vị kỷ” để chứng minh gen là trung tâm của thuyết tiến hóa. Thế giới của gen vị kỷ có những cuộc chạy đua khốc liệt, sự lừa dối và bóc lột không khoan nhượng, và tồn tại cả chủ nghĩa vị tha.

Gen vị kỷ giúp xóa đi nhiều ngộ nhận trước đó trong giới khoa học về các vấn đề liên quan đến gen và tiến hóa. Richard định nghĩa được sự tồn tại của con người thông qua mọi hoạt động của gen, những hoạt động “lạ hơn viễn tưởng”.

Công trình được xây dựng dựa trên lý thuyết chính của George C. Williams về chọn lọc tự nhiên. Thuật ngữ “gen vị kỷ” thể hiện quan điểm mới về động lực của tiến hóa, trái ngược với quan điểm tiến hóa tập trung chủ yếu vào cá thể sinh vật và các nhóm. Từ quan điểm lấy gen làm trung tâm, Richard Dawkins cho rằng tính vị kỷ có thể chính là mô hình của văn hóa nhân loại.

Tế Bào Gốc: Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học

Tế Bào Gốc: Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học

Cuốn sách giúp cho bạn đọc có một cái nhìn bao quát đối với tế bào gốc từ lịch sử phát minh, đến cấu trúc tế bào, cơ chế phân tử, đến bộ gene và di truyền ngoài bộ gene (di truyền ngoại mã).

Điều đặc biệt ấn tượng là tất cả những kiến thức cơ bản này được diễn giải thật dễ hiểu bằng ngôn ngữ phổ thông, chứ không hàn lâm như trong giới nghiên cứu. Để chuyển tải các khái niệm trừu tượng khó hiểu của thế giới sinh học vi mô đến với người đọc, tác giả đã sử dụng các biện pháp so sánh tương đồng rất tài tình đến nỗi những người có kiến thức trong lĩnh vực, còn thấy hết sức độc đáo thú vị.

Ví dụ: để diễn tả độ phân tán và mất kiểm soát của tế bào gốc khi được đưa vào cơ thể bệnh nhân, tác giả so sánh với hình ảnh hàng triệu con cá hồi bơi vào đại dương mênh mông. Giống như cá hồi, những tế bào gốc đi đâu về đâu trong cơ thể con người, hiện nay chúng ta chưa biết hết được. Còn tệ hơn cả cá hồi, vốn luôn “biết” đường để quay về đúng vị trí chúng đã được sinh ra để thực hiện quá trình sinh sản rồi chết đi, tế bào gốc thì không. Vì vậy, một khi chúng gây tác dụng không mong muốn, thì chúng ta “lực bất tòng tâm”. Cả hai mặt triển vọng và nguy cơ của các liệu pháp tế bào gốc đều được tác giả trình bày và phân tích với nhiều bằng chứng khoa học xác đáng.

Với sự dẫn dắt của tác giả qua góc nhìn rất khách quan, bạn sẽ thu thập nhiều kiến thức đa chiều để tự đánh giá và định hướng cho chính mình và người thân khi muốn tìm một liệu pháp tế bào gốc khả thi nhằm cải thiện sức khỏe hay chất lượng cuộc sống. Thậm chí nếu không đủ thời gian để đi hết chiều dài cuốn sách thì bạn vẫn có thể sử dụng nó như một nguồn tư liệu để tra cứu và tìm tòi sâu hơn khi cần. Vì vậy, ngoài việc chuyển ngữ và chú giải nội dung của cuốn sách, nhóm dịch còn tạo ra một danh sách các thuật ngữ chuyên ngành Việt-Anh phổ biến, thông dụng để bạn đọc có thể tham khảo. Trong đó chúng tôi có đề xuất một vài từ tiếng Việt mới cho những thuật ngữ tiếng Anh mới hoặc vốn ít được sử dụng trong tiếng Việt. Danh sách các từ này nằm ở mục phụ lục của cuốn sách.

DNA : Hành Trình Khám Phá Cấu Trúc Chuỗi Xoắn Kép

DNA : Hành Trình Khám Phá Cấu Trúc Chuỗi Xoắn Kép

Đây là tự truyện của James Watson – người đồng khám phá ra cấu trúc xoắn kép của DNA

Nếu bạn tò mò về khám phá được coi là vĩ đại nhất thế kỷ 20 được phát hiện như thế nào, nếu bạn tò mò về trung tâm học thuật của thế giới những năm 1940-50, một trong những nơi giành nhiều giải Nobel Sinh Y học nhất, đây chắc chắn là cuốn sách dành cho bạn.

“Được xuất bản vào năm 2012 để đánh dấu 50 năm kể từ khi giải Nobel được trao cho Watson và Crick về công trình khám phá cấu trúc DNA, một ấn bản với chú thích và minh họa của cuốn sách kinh điển này mang đến những hiểu biết mới về mối quan hệ cá nhân giữa James Watson, Frances Crick, Maurice Wilkins, Rosalind Franklin. Những câu chuyện liên quan được người trong cuộc thuật lại đầy chi tiết, giúp khắc họa chân dung các nhà khoa học cũng như đời sống, suy tư hay cảm xúc của họ trong quá trình làm việc nghiên cứu..

Bảy Nàng Con Gái Của Eva

Bảy Nàng Con Gái Của Eva

Câu chuyện mở đầu bằng một sự kiện rất “giật gân”: Ngày 19/9/1991, hai nhà leo núi người Đức phát hiện dưới lớp băng của một ngọn núi thuộc rặng Alps một thi hài đàn ông đã đông cứng. Bên cạnh ông ta là một chiếc rìu kiểu cổ. Một thời gian sau, giới khoa học khám phá ra rằng thi hài ấy không phải của một nhà leo núi nào mất tích cách đó vài năm hay vài chục năm, mà là của một người tiền sử, sống cách chúng ta hơn 5.000 năm. Và còn giật gân hơn nữa là việc tìm ra hậu duệ của “Người Băng”, đó là một phụ nữ đang sống ở Dorset (miền nam nước Anh) ngày nay, cô Marie Mosely.

Sự ly kỳ chưa dừng lại ở đó. Các sự kiện lần lượt được kể tiếp theo trong câu chuyện sẽ dẫn chúng ta tới một kết luận choáng váng: “Gần như mọi người có nguồn gốc châu Âu, cho dù họ có sống ở đâu trên thế giới đi nữa, đều có thể truy theo dòng mẹ đến một trong số bảy người phụ nữ”, được coi như bảy bà “tổ mẫu” của Âu châu.

Người tìm ra cô gái Marie Mosely hậu duệ của “Người Băng” là GS Bryan Sykes. Ông cũng là người đặt tên cho bảy bà thị tổ của châu Âu. Dĩ nhiên, ông là một nhà khoa học nổi tiếng. Ông còn là phóng viên của hãng ITN, và là người viết nên cuốn sách Bảy Nàng Con Gái Của Eva.

Bảy Nàng Con Gái Của Eva sau phần mở đầu gây chú ý, đã tiếp tục với đầy ắp những tình tiết, những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn. Bryan Sykes đã kể lại, với một văn phong vui nhộn, hài hước, quá trình các nhà nghiên cứu phỏng đoán, làm thí nghiệm, phân tích … để đi tới những khám phá, phát hiện rất có giá trị, nhưng tưởng như quá sức hiểu với đại đa số công chúng..

Cuộc Đời Bất Tử Của Henrietta Lacks

Cuộc Đời Bất Tử Của Henrietta Lacks

Cuốn sách kể câu chuyện về tế bào HeLa của một người phụ nữ da màu đã qua đời vì căn bệnh ung thư. Nhưng những tế bào được lấy từ Henrietta Lacks năm 1951 đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành y học.

Nhờ tế bào HeLa: Người ta đã tìm ra vaccine phòng bệnh bại liệt, tạo ra kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, đẩy mạnh nghiên cứu gene. Các nhà khoa học cũng đã hiểu biết rõ hơn về cơ chế phân chia của tế bào, về hoạt động của các căn bệnh ung thư..

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button