List sách

15 sách hay về ăn dặm nên đọc

15 sách hay về ăn dặm. Khuyên đọc quyển Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy, Ăn dặm kiểu Nhật và Ăn dặm không nước mắt.

Ăn Dặm Không Nước Mắt

Ăn Dặm Không Nước Mắt

Thế nào là ăn dặm không nước mắt? Là khi con không khóc vì bị ép ăn và mẹ không khóc vì con bỏ bữa. Là khi con hào hứng trước mỗi bữa ăn và mẹ hạnh phúc thấy con ăn hết phần đồ ăn mẹ làm.

Cuốn sách Ăn dặm không nước mắt của mẹ Xoài, một người mẹ Việt nuôi con ở Nhật hẳn sẽ mang đến nhiều gợi ý. Học hỏi các bà mẹ Nhật, mẹ Xoài đã cố gắng tập cho bé Xoài thói quen ăn uống tự giác, tập trung. Mẹ Xoài cũng tôn trọng sở thích, nhu cầu và mong muốn của bé. Còn để khiến bé háu ăn và ăn được nhiều hơn, mẹ Xoài đã chế biến các món ăn thật ngon lành, đa dạng, trang trí vô cùng đẹp mắt để bé chỉ nhìn thôi đã thèm.

Mẹ Xoài và bé Xoài đã trải qua một thời kì ăn dặm nhẹ nhàng, thoải mái. Và mẹ Xoài nghĩ, biết đâu những kinh nghiệm của mình có thể giúp ích cho những mẹ Việt đang và sắp sửa cho con ăn dặm…

Phương Pháp Ăn Dặm Bé Chỉ Huy

Phương Pháp Ăn Dặm Bé Chỉ Huy

Nếu bạn đã quen với hình ảnh các bé được mẹ dùng muỗng đút thức ăn nghiền nhuyễn vào miệng, bé nhè ra và mẹ lại vét vào cho đến khi nào bé nuốt thì thôi, thì BLW sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác. Với phương pháp này, sẽ không có chuyện đút muỗng hay nghiền nhuyễn, mà ba mẹ sẽ cung cấp cho bé những thức ăn có hình dạng và kích cỡ phù hợp để bé có thể cầm lấy và tự đút cho mình bằng các ngón tay, tự chọn thức ăn, tự quyết định ăn bao nhiêu và ăn với tốc độ như thế nào. Rất có thể nhiều mẹ sẽ lo lắng bé ăn như thế nhỡ bị hóc thì sao.

Thực ra, bé cũng như người lớn, dễ bị hóc hay nghẹn hơn khi có người đút cho, bởi về cơ bản đó là kiểu ăn thụ động – bé không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào. Khi bé tự cho thức ăn vào miệng thì bé cũng nhận thức là mình đang ăn và sẽ điều khiển lưỡi, hàm, môi, họng một cách phù hợp. Nếu thức ăn to quá thì bé sẽ nhè ra. Tất nhiên, việc bé bị ọe vào thời gian đầu là hoàn toàn có thể. Nhưng ọe chỉ là một phản ứng của bé khi không chấp nhận đồ ăn. Sau vài lần ọe thì bé cũng hình thành ý thức và kỹ năng để biết ăn bao nhiêu, ăn như thế nào cho khỏi ọe. Thất bại là mẹ thành công mà.

Đã áp dụng phương pháp BLW thì mẹ phải tin tưởng bé. Tất cả những em bé khỏe mạnh đều có thể làm điều đó từ 6 tháng tuổi, khi bé đã có thể ngồi khá vững và hệ tiêu hóa cũng như miễn dịch đã đủ trưởng thành giúp bé hấp thụ các thức ăn khác ngoài sữa. Bé không cần được đút muỗng, bé chỉ cần được tạo cơ hội để tự ăn mà thôi. BLW sẽ giúp bé ăn uống một cách thoải mái, tự lập và rèn luyện kỹ năng ăn cho bé, cụ thể là:- Cho phép bé khám phá mùi vị và cảm giác về độ thô mịn;- Khuyến khích sự độc lập và tự tin;- Giúp bé phát triển các kỹ năng nhai và phối hợp giữa mắt và tay- Làm cho bữa ăn của bé bớt áp lực.

Ăn Dặm Không Phải Là Cuộc Chiến

Ăn Dặm Không Phải Là Cuộc Chiến

Chắc hẳn các bạn đã biết đến sự có mặt của cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, một cuốn cẩm nang để bé ăn ngon miệng, dạy bé nghe lời, một cuốn sách giúp bạn hiểu con mình hơn của nhóm tác giả Đỗ Liên Hương (Mẹ Ong Bông), Nguyễn Thanh Hương (mẹ BuBu), Nguyễn Thu Hà. Và giờ đây, cuốn sách Ăn dặm không phải là cuộc chiến được viết nối tiếp theo thành công của cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”. Như tựa đề bộc lộ, cuốn sách này nhấn mạnh vào chủ đề ăn uống lành mạnh và chủ động cho trẻ em từ lứa tuổi bắt đầu tập ăn dặm, đồng thời cung cấp các thông tin dinh dưỡng cơ bản thiết yếu, các thực đơn gợi ý, các công thức nấu ăn và các mẹo nhỏ để bữa ăn cân bằng và hấp dẫn. Đây là cuốn sách giúp cha mẹ gợi mở và xây dựng mối quan hệ lành mạnh của trẻ em với ẩm thực – một hoạt động không thể thiếu hàng ngày.

Cuốn sách trang bị các thông tin khoa học để cha mẹ hiểu trẻ ăn bao nhiêu là đủ? Thế nào là bình thường? và cái gì sẽ giúp ham thích và có thể có thể chủ động tự ăn uống? Những trạng thái tâm lý và thể chất của trẻ em theo mỗi lứa tuổi và những hiểu nhầm thường gặp của cha mẹ với những thay đổi này? Cuốn sách đưa ra những gợi ý về cách chế biến bữa ăn gia đình lành mạnh, đủ dinh dưỡng. Hướng dẫn cha mẹ lên thực đơn cân bằng theo tuần cho gia đình, đồng thời kèm theo các thực đơn mẫu.

Ngoài ra, cuốn sách còn là tổng hợp những lời tâm sự của nhiều ông bố, bà mẹ trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam đã áp dụng cách cho bé ăn uống chủ động và tích cực: những kinh nghiệm áp dụng và biến hóa theo từng gia đình, những khó khăn và thành công của quá trình kiên trì và tôn trọng nhu cầu của trẻ.

Ăn Dặm Kiểu Nhật

Ăn Dặm Kiểu Nhật

Bạn đã làm cha mẹ. Và bạn có lúng túng với bước đầu cho bé yêu ăn dặm?

Giai đoạn ăn dặm có vai trò là giai đoạn chuẩn bị để trẻ chuyển từ bú mẹ, uống sữa ngoài sang “nhai nát và nuốt”. Điều quan trọng của giai đoạn này không chỉ là cho trẻ ăn và theo dõi đảm bảo sự phát triển của trẻ mà còn phải theo dõi chức năng ăn và lôi kéo hợp lý sự ham thích ăn của trẻ, làm cho trẻ tự lập. Để làm được những việc đó, thống nhất quan điểm là rất quan trọng, phải thống nhất về việc lựa chọn thực phẩm, lượng ăn, cách ăn, những người lớn xung quanh giúp đỡ như thế nào. Tuy nhiên việc ăn dặm là việc hàng ngày. Bạn có đang băn khoăn trăn trở nên cho trẻ ăn gì, ăn bao nhiêu, ăn như thế nào không. Trong giai đoạn lần đầu tiên bé tiếp xúc với thức ăn, nếu mọi người xung quanh bé quá nhạy cảm, lo lắng về bữa ăn dặm của trẻ, lo lắng đó sẽ truyền sang bé và thường làm mất đi không khí của bữa ăn vốn dĩ là vui vẻ.

Chính vì thế, đúng như tiêu đề của cuốn sách, tôi giới thiệu những công thức nấu ăn đơn giản mà ai cũng có thể làm được trong thời gian ngắn bởi nó “đơn giản”, “dễ làm” và những công thức nấu ăn phong phú sáng tạo ví dụ như chia từ thức ăn của người lớn, thực đơn sử dụng baby food … Ngoài ra còn nói rất cẩn thận về những thực phẩm cần phải cân nhắc khi trẻ bị ốm, dị ứng thực phẩm. Hơn nữa, cuốn sách cũng có cả những công thức nấu ăn khi bị dị ứng để bữa ăn dặm không trở nên nhàm chán..

Sổ Tay Ăn Dặm Của Mẹ

Sổ Tay Ăn Dặm Của Mẹ

“Trong quá trình khám chữa bệnh, tôi gặp nhiều trường hợp các em bé bị suy dinh dưỡng, còi xương không phải vì gia đình không có điều kiện mà do… quá có điều kiện. Tôi gặp những em bé khá bụ bẫm nhưng bố mẹ vẫn đưa đi khám vì thấy con không tăng cân và cho là con biếng ăn. Trong khi đó cũng có những trường hợp bố mẹ nói rằng con ăn rất được nhưng thực ra khẩu phần dinh dưỡng lại không đủ hoặc không cân đối. Nhưng biếng ăn là câu chuyện tôi gặp nhiều nhất. Chưa bao giờ câu chuyện cho bé ăn gì và ăn như thế nào lại khiến các bố mẹ lo lắng nhiều như vậy.

Chính vì thế tôi viết cuốn sách Sổ tay ăn dặm của mẹ này với hi vọng có thể giải đáp được phần lớn thắc mắc của các bà mẹ khi cho con ăn dặm. Sách được trình bày dưới dạng hỏi đáp ngắn gọn, cô đọng để mẹ nắm được những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng cho bé trong độ tuổi ăn dặm, giải đáp thắc mắc về thói quen ăn uống và tiêu hóa của bé, hay là cách chăm sóc bữa ăn cho bé khi bé bị bệnh, cách chế biến và bảo quản thực phẩm khoa học.”

Cẩm Nang Ăn Dặm Bé Tự Chỉ Huy Của Mẹ Việt – Quẳng Cái Cân Đi Mà Khôn Lớn

Cẩm Nang Ăn Dặm Bé Tự Chỉ Huy Của Mẹ Việt – Quẳng Cái Cân Đi Mà Khôn Lớn

Chắc hẳn không ít những bà mẹ bỉm sữa cũng từng lo lắng khi em bé của bạn chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm với hàng tá những câu hỏi như: Khi nào thì bắt đầu? Bắt đầu như thế nào? Cháo hay bột? Nấu với gì? Tỷ lệ ra sao? Ăn bao nhiêu là đủ?

Không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta – những bà mẹ hiện đại còn hết sức ám ảnh với những bữa ăn dặm đầy nước mắt, đổ mồ hôi từ không ít những tấm gương xung quanh.

Đó là những em bé rong ruổi trên xe đẩy với bát cháo bên cạnh, cứ mỗi lần bé ô a gì đó, người nhà lại tranh thủ đút tọt một miếng vô miệng.

Đó là những em bé ngồi dán mắt vào chiếc ti vi đang phát những quảng cáo nhảy nhót hoặc điện thoại bật hoạt hình vui nhộn, mở miệng một cách vô thức để đón nhận đồ ăn.

Là những em bé giãy giụa trên tay mẹ, phun phì phì thìa cháo, nước mắt rơi lã chã, miệng gào thét không ngớt chỉ với mong muốn duy nhất là bữa ăn chấm dứt.

Đúng thật chẳng khác nào một cuộc chiến!

Cho đến một ngày, tôi bắt gặp hình ảnh một em bé xinh tươi ngồi ngoan ngoãn trong chiếc ghế ăn dặm, say mê gặm những thanh cà rốt, nhai ngấu nghiến những mẩu bánh mì, mút chùn chụt miếng thịt luộc, rồi còn cả gặm ngô, ăn chuối lê táo Điều làm tôi mê mẩn, xem đi xem lại những đoạn băng ghi lại bữa ăn của em chính là sự vụng về nhưng lại rất khéo léo của một cô bé mới có 6 tháng tuổi khi điều khiển những miếng thức ăn đưa lên miệng; rồi cả chiếc miệng xinh nhai móm mém mà mãi sau này tôi mới biết khi đó bé chưa hề có một chiếc răng nào; và ánh mắt mỗi khi bé ngẩng lên nhìn mẹ, trong đó ánh lên niềm vui thích, sự hào hứng với bữa ăn, thứ mà tôi gần như chưa từng thấy ở bất cứ em bé ăn dặm kiểu truyền thống nào..

Thực Đơn Cho Bé Ăn Dặm

Thực Đơn Cho Bé Ăn Dặm

Cuốn sách gồm những nội dung chính như sau:

  • Phần 1: Những điều cần biết khi cho bé ăn dặm
  • Phần 2: Phương pháp chế biến các món bột
  • Phần 3: Phương pháp chế biến các món cháo
  • Phần 4: Phương pháp chế biến các món canh
  • Phần 5: Phương pháp chế biến các món xúp – nui
  • Phần 6: Phương pháp chế biến một số thức ăn, thức uống khác.

Các Món Cháo Ăn Dặm

Các Món Cháo Ăn Dặm

Cuốn sách Các Món Cháo Ăn Dặm của khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng II sẽ giúp các bạn có nhiều chọn lựa khi chế biến món ăn dặm cho đứa con thân yêu. Do khoa Dinh dưỡng tích lũy rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ em.

Mỗi tháng họ tư vấn và điều trị cho hàng ngàn trường hợp trẻ bị thiếu dinh dưỡng và rối loạn dinh dưỡng do không ăn uống theo một chế độ hợp lý. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây luôn trăn trở làm sao để mọi phụ huynh đều biết cách nuôi con tốt và mọi trẻ em đều được nuôi dưỡng hợp lý để phát triển toàn diện cả thể xác lẫn tinh thần.

Cuốn sách tập hợp kỳ công nghiên cứu, cân đong đo đếm tỉ mỉ lượng ca lo, chất đạm, chất béo, lượng can xi, sắt của từng loại thực phẩm để phối hợp chúng khi nấu nướng một cách hợp lý. Đặc biệt, trong thời kỳ ăn dặm, trẻ ăn gì và ăn như thế nào luôn được lưu ý nhất.

Món Ăn Dặm Cho Bé

Món Ăn Dặm Cho Bé

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Đó chính là lúc có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm và làm quen với thức ăn đặc.

Món ăn dặm cho bé sẽ giúp các bà mẹ nhận biết được thời điểm, những điều nên và không nên trong từng giai đoạn cho bé ăn dặm và thực đơn phong phú để bé có đầy đủ chất dinh dưỡng cho một cơ thể khỏe mạnh.

Thực Đơn Ăn Dặm Giúp Trẻ Nhanh Thích Nghi Với Bữa Ăn Gia Đình

Thực Đơn Ăn Dặm Giúp Trẻ Nhanh Thích Nghi Với Bữa Ăn Gia Đình

Trẻ biếng ăn, sợ thức ăn, đến bữa là chạy trốn hoặc ăn uống thiên lệch như chỉ ăn cơm với nước tương, không ăn được thịt cá, không chịu uống sữa hoặc ăn là những trường hợp thường xảy ra ở trẻ hiện nay. Tình trạng này dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, khiến cha mẹ lo lắng, hoang mang. Hơn nữa việc điều trị chứng biếng ăn cũng mất nhiều thờ gian , tiền bạc, công sức..

Tất Tần Tật Ăn Dặm Của Trẻ Từ 0 – 12 Tháng Tuổi

Tất Tần Tật Ăn Dặm Của Trẻ Từ 0 – 12 Tháng Tuổi

Ăn dặm đánh dấu một giai đoạn cực kỳ quan trọng của trẻ, chuyển từ bữa ăn toàn sữa sang bữa ăn có một phần thực phẩm. Ăn dặm đúng lúc và kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Chính vì vậy, việc nắm bắt các nguyên tắc, quy tắc để trẻ được ăn dặm đúng cách, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là vô cùng cần thiết.

  • Thức ăn nên dùng cho trẻ
  • Thức ăn nên tránh cho trẻ
  • Thực đơn ăn dặm cho trẻ

Tất tần tật những vấn đề cần thiết mà bạn cần biết để thiên thần nhỏ của bạn phát triển tốt nhất!

Ăn Dặm Không Áp Lực

Ăn Dặm Không Áp Lực

Vấn đề ăn uống của trẻ là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ, bởi nó tác động trực tiếp đến khả năng phát triển, chất lượng dinh dưỡng toàn diện và tình trạng sức khỏe của trẻ.

Rất nhiều gia đình phản ánh rằng, rất khó để lựa chọn thực phẩm trong thời kỳ ăn dặm, bởi phải vừa lo cho khả năng hấp thu của trẻ, vừa lo chế độ dinh dưỡng, lại còn phải suy xét xem trẻ có thích ăn hay không. Nhưng rất nhiều cha mẹ không biết rằng, cùng một loại nguyên liệu, nếu như không lựa chọn đúng thời điểm bổ sung thì rất có thể sẽ biến thành “bạn đồng hành xấu” của trẻ, thay vì cùng trẻ trở thành “đôi bạn cùng tiến”.

Để giúp các bậc cha mẹ không phải đi đường vòng, giúp trẻ mau ăn chóng lớn, ăn uống vui vẻ và không nhàm chán với các bữa ăn, dựa theo nhu cầu và đặc điểm phát triển trong từng giai đoạn của trẻ, “Ăn dặm không áp lực” sẽ đưa ra các phương án và lên lịch cụ thể cho các bữa ăn dặm theo từng tuần. Đặc biệt, trong mỗi thực đơn, tác giả – bác sĩ Lưu Trường Vỹ còn phân tích những giá trị dinh dưỡng có trong món ăn và lợi ích của nó với sự phát triển của bé yêu. Với kiến thức chuyên môn của mình, tác giả cũng giải đáp chi tiết từng vấn đề trong suốt quá trình chăm trẻ ăn dặm dành cho những người lần đầu làm cha mẹ.

Cuốn sách chắc chắn sẽ giúp giai đoạn ăn dặm của con bạn trở nên vui vé, bé hào hứng và chóng lớn, mạnh khỏe.

Kỷ Luật Bàn Ăn – Dinh Dưỡng Cân Bằng

Kỷ Luật Bàn Ăn – Dinh Dưỡng Cân Bằng

Chào mừng mẹ đến với hành trình mới đầy thú vị nhưng cũng không kém phần căng thẳng. Đã qua rồi cái thời kì nhàn hạ, cả ngày quanh đi quẩn lại với vài bình sữa, mỗi lần đến bữa mẹ chỉ thủng thỉnh vén áo cho ti hay cùng lắm là chuẩn bị một bình – một núm là xong một bữa ăn.

6 tháng đến như một cơn gió, cùng với bao hứng khởi của việc bắt đầu ăn dặm, đa dạng hóa thức ăn. Vài ngày đầu trôi đi thật êm đềm, thế nhưng rồi kì vọng của mẹ về em bé ngồi ăn ngoan từ đầu đến cuối bữa bị đập tan tành bởi cái hiện thực con biếng ăn, con gào khóc – đập phá, chạy khắp nhà, không chịu ăn, thậm chí kèm nôn ọe … Bây giờ phải làm sao?

Mẹ sẽ có hai sự lựa chọn. Một là, “ăn rong và ép ăn” với những hệ quả như: làm tiêu hóa kém hiệu quả; làm trẻ sợ hãi, cáu kỉnh, có thể gây ức chế thần kinh và ở nhiều trẻ những điều này gây ức chế tiêu hóa, nôn theo chủ ý, ăn uống lệch dinh dưỡng; làm mất thời gian và công sức của cha mẹ và gia đình; làm hỏng răng trong lâu dài. Do sợ nôn nên mẹ không đánh răng cho bé sau ăn, những hàm răng sữa cứ thế tạo tầng lớp mảng bám dày, mủn răng, sún răng.; mất cơ hội học tập và phát triển: Ép ăn lấy đi ở trẻ cơ hội được khám phá ẩm thực, học tập kĩ năng cử động tinh…

Hai là, “ăn chủ động và kỷ luật bàn ăn” với những ảnh hưởng tích cực như: rèn kỹ năng phối hợp của tay – mắt – miệng; tăng sự tự tin, khi con xoay xở qua khó khăn, và đạt được điều mình muốn: cho được thức ăn vào miệng, cầm được chiếc thìa, ăn được bằng nĩa, thìa, hay đũa; tính tự lập tự chủ được nuôi dưỡng: con ăn cho chính bản thân mình, và con làm được; hệ tiêu hóa có cơ hội được hoàn thiện, quá trình tiêu hóa là toàn diện. Phản ứng sinh hóa trong tiêu hóa là tự nhiên và hiệu quả; và cuối cùng là con ăn đủ chất, cân bằng và dinh dưỡng tốt nhất để phát triển tối đa theo khả năng tiềm tàng của chính mình.

Đến đây chắc hẳn cha mẹ đã biết mình nên chọn theo hướng nào rồi, nhưng đâu sẽ là chỉ dẫn khi đứa trẻ: không chịu ngồi vào bàn; ngậm thức ăn trong miệng; ăn rất ít; ăn lệch; hoặc uống rất ít nước… Thì tất cả những vấn đề đó đã được tác giả Hachun Lyonnet (Hà Chũn) hệ thống lại và chia sẻ trong cuốn sách Kỷ luật bàn ăn – Dinh dưỡng cân bằng với hình thức vô cùng tươi mới và khoa học..

Giờ Ăn Vui Vẻ Cho Bé Khỏe Mẹ Nhàn

Giờ Ăn Vui Vẻ Cho Bé Khỏe Mẹ Nhàn

Ăn dặm là một cộc mốc quan trọng khi trẻ bắt đầu làm quen với những loại thức ăn rắn ngoài sữa công thức và sữa mẹ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không biết bao nhiêu lần đã phải khổ sở, lo lắng, bực dọc khi con không muốn ăn, không vui thích với việc ăn.

Nhiều phụ huynh cũng đã làm đủ mọi cách, “cứng rắn” thì có: ép ăn, dọa ăn, la mắng để ăn, cầm roi để ăn; hay “mềm mỏng” hơn thì có: xem ti vi để ăn, cầm điện thoại để ăn, cho con chạy vòng vòng để ăn… chỉ với mong muốn đút cho con ăn được vài thìa cơm. Nhưng những biện pháp đó đều sai lầm trong việc nuôi dạy con, không những không tốt, mà còn gây hại cho trẻ sau này.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ khi thấy con mình nhỏ con hơn, gầy hơn những trẻ khác thì có cảm giác lo lắng, buồn rầu. Tuy nhiên, việc to con hay nhỏ con phụ thuộc nhiều vào gen trội hay gen lặn. Do đó, đừng so sánh con mình với con người khác, mà hãy cố gắng làm đúng theo lời khuyên của khoa học, đó là: thư giãn cho mình, thoải mái cho con, hạnh phúc cho con và hãy bỏ qua những áp lực không cần thiết.

Giờ ăn vui vẻ – Bé khỏe mẹ nhàn cùng bạn tìm hiểu và chọn lựa những giải pháp đơn giản mà hiệu quả để các thiên thần nhỏ của chúng ta luôn ngoan ngoãn tham gia bữa ăn, làm cho bữa ăn, giờ ăn trở thành những giây phút vui tươi, hạnh phúc của cha mẹ và con cái. Giúp trẻ phát triển khỏe mạnh từ bên ngoài lẫn bên trong và thắt chặt tình yêu thương trong mỗi bữa cơm gia đình.

Cẩm Nang Cho Bé Thời Kỳ Ăn Dặm

Cẩm Nang Cho Bé Thời Kỳ Ăn Dặm

Chăm sóc con yêu luôn là hạnh phúc thiêng liêng của các bà mẹ. Vì vậy, ngay từ những bữa ăn đầu đời mẹ đã luôn cố gắng để con có được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết…

Hiểu được nỗi lòng đó là cuốn sách Cẩm nang cho bé thời kỳ ăn dặm đã ra đời. Đây sẽ là cẩm nang thân thiết với các bà mẹ, nhất là những mẹ trẻ lần đầu nuôi con.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button