List sách

10 sách hay về Tây Bắc nên đọc

10 sách hay về Tây Bắc. Khuyên đọc quyển Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe, Văn Học Trong Nhà Trường – Truyện Tây Bắc và Chim Én Liệng Trời Cao.

Văn Học Trong Nhà Trường – Truyện Tây Bắc

Văn Học Trong Nhà Trường – Truyện Tây Bắc

“Đọc Truyện Tây Bắc, chúng ta có cảm tưởng đó vừa là một bản cáo trạng, vừa là một khúc tình ca: cáo trạng đối với phong kiến miền núi và thực dân, tình ca ngợi khen cảnh đẹp, tập quán hay, tinh thần cách mạng, quan hệ giữa người và người Tây Bắc, như bản tình ca viết với một bút pháp trữ tình nồng đượm và nên thơ.

”Giáo sư HUỲNH LÝ“

Truyện Vợ chồng A Phủ cũng như tập Truyện Tây Bắc nói chung bộc lộ rõ nét phong cách của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ LÊ TIẾN DŨNG

“Câu chuyện Vợ chồng A Phủ là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy tôi đi công tác từ Tà Sùa sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Sùa, tôi gặp một cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp Tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng Mười Một âm lịch, trước tết Nguyên Đán của ta một tháng. Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn Tết từ bản này sang bản khác. Ăn Tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phải đưa vợ chạy trốn đi nơi khác. Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về đời sống người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết”

Nhà văn TÔ HOÀI

Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe

Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe

Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này.

Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một số cán bộ cách mạng thực hiện cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối.

Mục đích của những người cách mạng là đập tan bè lũ phản động Việt gian Quốc dân Đảng, thiết lập chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuốn sách được viết năm 1970, sau rất nhiều năm tháng tác giả làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Chim Én Liệng Trời Cao

Chim Én Liệng Trời Cao

Một tình yêu thắm thiết giữa những con người chung một lí tưởng. Một bức tranh nhiều màu sắc về cuộc kháng chiến chống Pháp trên một địa bàn miền núi với nhiều tình huống kì lạ, hiếm thấy và gần như là chưa được biết tới. Đặc biệt là hình ảnh sống động tươi đẹp một thiếu niên trong cuộc kháng chiến chín năm, một câu chuyện còn hiếm hoi trong văn chương hiện đại. Đó là những yếu tố thẩm mĩ tạo nên sức hấp dẫn riêng của cuốn sách này.

Atlat Nhận Dạng Các Loài Dơi Ở Vùng Tây Bắc Việt Nam

Atlat Nhận Dạng Các Loài Dơi Ở Vùng Tây Bắc Việt Nam

Theo hệ thống phân vùng địa lý sinh vật hiện hành, Việt Nam có 5 vùng cơ bản: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ (Lê Vũ Khôi và Nguyễn Nghĩa Thìn, 2001). Trong đó, vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, một phần phía tây tỉnh Lào Cai, Hòa Bình và phần rừng núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa, phần phía tây bắc cùa tỉnh Nghệ An.

Khu vực Tây Bắc có địa hình đa dạng, bị chia cắt mạnh, có các hệ sinh thái khác nhau (núi đất, núi đá vôi, rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ thống hang động rộng lớn, ), là nơi sinh sống thuận lợi cho nhiều loài động vật nói chung và các loài dơi nói riêng. Sau khi xuất bản lần thứ nhất năm 2017, nhóm tác giả nhận thấy cần tái bản với một số thông tin bổ sung sau quá trình kiểm kê lại bộ mẫu nghiên cứu với đóng góp của tất cả tác giả trong công tác định loại. Đến năm 2020, đã có 78 loài dơi thuộc 28 giống, 8 họ được ghi nhận ở khu vực này [1-4, 6-12, 18, 19, 22],

Nội dung cuốn sách trình bày kết quả nghiên cứu của các tác giả cùng với thông tin tổng họp từ những tài liệu đã công bố từ năm 2015 – 2020 ở 3 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; bao gồm 64 loài dơi thuộc 28 giống, 8 họ. Trong đó có 45 loài dơi phát hiện được ở vùng Tây Bắc có mẫu vật hiện được bảo quản tại Khoa Nông – Lâm thuộc trường Đại học Tây Bắc và Phòng Bảo tàng Động vật thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Vừ A Dính

Vừ A Dính

Vừ A Dính là một thiếu niên dân tộc Mông. Lớn lên trong những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, cậu bé Vừ A Dính đã hăng hái sản xuất, đánh giặc.

Vừ A Dính đã hy sinh vô cùng anh dũng. Hình ảnh cậu bé gắn bó với cây đào thắm đỏ của quê hương.

Khám phá Việt Nam – Vùng đất Tây Bắc

Khám phá Việt Nam – Vùng đất Tây Bắc

Từ Điện Biên, Yên Bái đến Lào Cai, có thể nói du khách chưa bao giờ thôi trầm trồ về kho tàng thiên nhiên mỹ miều cùng nét đẹp truyền thống độc đáo tại các tỉnh thành nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam. Tán thưởng thôi vẫn là chưa đủ, cùng kiểm tra xem bạn tường tận bao nhiêu trong số các sự thật thú vị về vùng văn hóa Tây Bắc nhé.

  • Hệ thống sông ngòi ở Tây Bắc bố trí rộng khắp, chảy qua các dãy cao nguyên đá vôi tạo thành mỹ cảnh thiên nhiên hết sức ấn tượng. Nói đến vùng văn hóa Tây Bắc, người ta thường nghĩ ngay đến sông Đà – từng được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả là “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Không quá lời nếu bảo rằng sông Đà là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp phóng khoáng, đầy sức sống và có phần khó đoán của thiên nhiên Tây Bắc.
  • Nếu người Kinh có Lễ Tình Nhân – Valentine – thì các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc lại thường trao nhau lời hứa hẹn trăm năm vào Chợ Tình. Đây là hoạt động truyền thống nổi tiếng vào mùa xuân, khi người người nhà nhà háo hức mua sắm quần áo mời, buôn bán, mua sắm, dạo phố và nói chuyện yêu đương vào lúc đất trời đương độ đẹp nhất. Ở Sapa, du khách có thể tham gia chợ tình vào thứ Bảy hàng tuần, thường diễn ra tại Nhà Thờ Đá gần Quảng Trường Trung Tâm.
  • Trang phục truyền thống là nét đẹp văn hóa được nhiều du khách yêu thích khi vi vu Tây Bắc. Đừng nghĩ rằng phải quần là áo lượt, phục sức sặc sỡ thì mới “ra chất” đồng bào. Trên thực tế, trang phục của người dân Tây Bắc rất đa dạng về thiết kế, sắc màu lẫn chất liệu. Nếu người H’Mông yêu thích màu đỏ, xanh, vàng, tím cùng họa tiết dệt tay tỉ mỉ thì người Tày lại cực kỳ tối giản cùng sắc đen và kiềng bạc. Người Dao Đỏ lại “hớp hồn” du khách bằng thiết kế đầy cảm hứng từ đất, trời, chim muông.
  • Người Si La dùng mũ (nón) để phân biệt tình trạng hôn nhân của phụ nữ; đã kết hôn thì đội mũ đen, còn độc thân thì chọn mũ trắng.
  • Đồng bào Dao tin rằng vạn vật trên đời đều sở hữu linh hồn; họ thường dùng mặt nạ thần linh, quỷ dữ trong dịp lễ hội để đánh đuổi năng lượng tà ma.
  • Người Nùng Dín cho rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Vậy nên họ thường vấn khăn thành hình múi trên đầu giống như sừng trâu, một phần tạo nên nét độc đáo cho trang phục dân tộc, một phần cầu nguyện cho mùa màng bội thu.
  • Thắng cố là một trong những nổi tiếng nhất, được chế biến từ thịt ngựa, mỡ ngựa, nội tạng ngựa cùng một í phân non của ngựa. Thịt ngựa dai mềm kết hợp cùng các loại gia vị độc đáo như thảo quả, quế, địa điền, lá chanh nướng đã tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng cho đặc sản này.
  • Ngày nay, để phù hợp với khẩu vị của du khách, thắng cố có thêm biến tấu từ bò, dê, heo và bỏ qua nguyên liệu phân non. Hầu hết thắng cố được bán theo phần ăn lớn nhưng bạn cũng có thể mua bát (chén) lẻ ở Chợ Sapa đấy.
  • Mèn mén cũng là đặc sản đại diện cho ẩm thực vùng cao Tây Bắc. Được chế biến từ nguyên liệu chính là bắp ngô, mèn mén có vị thơm ngọt tự nhiên, thường được ăn cùng với thắng cố và ớt nướng.

Miền Tây – Tô Hoài

Miền Tây – Tô Hoài

Tô Hoài đã dành cho cuốn tiểu thuyết những nét vẽ chân thật và sinh động nhất, với hình ảnh những người con đất Phiềng Sa tình nghĩa đã sống qua hết những vất vả, đau thương, đấu tranh và dựng xây.

Khai thác nhiều tư liệu lịch sử, chính trị, quân sự, tác phẩm đã tạo nên những bức tranh đối lập xưa và nay trong cuộc sống, số phận con người Phiềng Sa.

Ở đó, hình ảnh con người chưa bao giờ được tác giả tạo nên bằng bút pháp lí tưởng hóa, mà họ luôn chân thật và gần gũi, mang đầy đủ mặt tốt và mặt xấu của một con người bình thường trong đời sống. Chính vì thế, họ đã sống rất lâu và vững bền trong trái tim rất nhiều độc giả Việt.

Đi Giữa Mùa Mây

Đi Giữa Mùa Mây

Bạn muốn một lần bước đi trong mây, giữa khung cảnh núi rừng mơ màng, như trong câu chuyện cổ tích?

Bạn muốn ngắm mùa hoa tam giác mạch đẹp mê mải, mùa hoa cải vàng rực, mùa hoa dại nở tràn thung lũng?

Bạn mơ được thưởng thức những món ăn đặc sắc bản địa, đượm mùi vị miền cao?

Qua lời kể dịu dàng lãng đãng như mây trời, “Đi giữa mùa mây” mời bạn đọc dạo bước vào một vùng đất vừa quen vừa lạ. Quen, vì vẫn tràn đầy khung cảnh, văn hóa, con người Tây Bắc, khơi gợi cảm hứng khám phá. Lạ, vì tất cả những điều ấy đều được nhìn qua lăng kính độc đáo, đầy ắp yêu thương của tác giả Nguyễn Hạnh Hà My.

Hẹn Nhau Mùa Tam Giác Mạch

Hẹn Nhau Mùa Tam Giác Mạch

Cuốn sách ghi lại hành trình phượt của một cô gái trẻ trên đường đến với những cung đường phía Bắc Việt Nam, với cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp giản dị và đầy thơ mộng, cùng những địa điểm khác xuyên suốt miền núi phía Bắc.

Trải dài khắp những cung đường là nắng, là gió, là mồ hôi, là nước mắt, là biết bao cố gắng và nỗ lực chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân. Ở đó không chỉ có gió sượt vai, hoa thơm, cảnh đẹp, mà còn là những con đường gập ghềnh, hiểm trở, một bên là vực thẳm, sông sâu. Và trên tất cả, hành trình ấy trở nên đáng nhớ khi có Tình yêu. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình đồng bào, là tình yêu với thiên nhiên, với Tổ quốc.

Một số trích dẫn:

“Tây Bắc – vùng đất đã để lại quá nhiều thương nhớ trong tôi.

Tôi không nhớ đôi chân mình đã dừng lại ở bao ngả, ánh mắt mình đã luyến lưu bao mảnh nắng chao nghiêng trên những cung đường, nụ cười mình đã rạng rỡ với bao người vùng cao, đôi tay mình đã chan chứa ngần nào niềm đồng cảm tha thiết.

Tôi chỉ biết rằng, một phần tâm hồn mình đã ở lại với Tây Bắc rồi.”

“Và mây đan thành gối. Giấc ngủ giữa biển trời bao la miên viễn ấy, say sưa tựa như húp một ngụm rượu ngô rồi lăn ra đánh một giấc nồng nàn.”

“Những phút nghỉ ngơi trên cung đường lúc nào cũng mộng mị và đầy đắm say. Lấy mây làm gối, lấy thảm cỏ ven đường làm tấm đệm kê lưng. Lấy gió trời làm quạt, dìu dịu ru giấc ngủ. Và tiếng chim hót, tiếng cây rừng hòa âm gọi lá làm bản nhạc dịu dàng ru êm. Giấc ngủ ấy hiền lành đến lạ.”

“Giữa bạt ngàn núi đá âm u xám ngoét đó, sa mộc xuất hiện, mạnh mẽ, liều lĩnh, cứng cỏi vươn mình, trở thành sắc xanh hiếm hoi nơi cao nguyên đá.”

“Đôi khi yêu thương không phải là những lời nói ngọt ngào, là hứa hẹn thề xa, là lãng mạn viển vông; mà chỉ là tin và thương. Đủ tin và thương, chắc người ta có thể sống vì nhau, hi sinh cho nhau đến vậy.”

Đặc Trưng Văn Hóa Vùng Tây Bắc

Đặc Trưng Văn Hóa Vùng Tây Bắc

Về cơ bản, vùng Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái, nổi tiếng với điệu múa xòe tiêu biểu là điệu múa xòe hoa rất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Mường là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như H’Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng,… Ai đã từng qua Tây Bắc không thể quên được hình ảnh những cô gái Thái với những bộ váy áo thật rực rỡ đặc trưng cho Tây Bắc…

Bằng lối tiếp cận đơn giản, dễ hiểu, quyển sách này sẽ giúp bạn đọc có một cảm nhận xuyên suốt về văn hóa vùng Tây Bắc.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button