List sách

17 sách hay về Huế nên đọc

17 sách hay về Huế. Khuyên đọc quyển Huế – Triều Nguyễn: một cái nhìn, Món ngon xứ Huế và Nghệ thuật Huế.

Huế Và Triều Nguyễn

Huế Và Triều Nguyễn

Huế là mảnh đất nằm giữa miền Trung, là thủ phủ của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi kinh thành Phú Xuân của vương triều Quang Trung. Từ năm 1802 đến năm 1945, Phú Xuân – Huế trở thành kinh đô của vương triều Nguyễn, kinh đô của một quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Biển Đông như lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Huế gắn liền với triều Nguyễn bởi nơi đây còn lưu dấu nhiều thành lũy, cung đình, các giá trị văn hóa của triều Nguyễn. Cũng chính từ những giá trị đó, cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế lại được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể thế giới. Hiện nay, Huế được biết đến là một thành phố di sản nổi tiếng, một trung tâm du lịch hấp dẫn cả trong và ngoài nước.

Nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn từ lâu đã được các nhà nghiên cứu đặt ra và đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và đánh giá về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn lại hết sức khác nhau, thậm chí lên án gay gắt và “phủ định sạch trơn” mọi thành tựu của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Năm 2008, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng tổ chức đã đánh giá lại “công và tội” của triều Nguyễn; phân tích một cách khách quan, trung thực, công bằng những thành tựu và hạn chế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta.

Để giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về vùng đất Huế và vương triều Nguyễn. Cuốn sách tập hợp hơn 20 công trình nghiên cứu, gồm các bài viết, bài phát biểu, giới thiệu của GS. Phan Huy Lê về Huế và triều Nguyễn. Huế đã gắn bó với Giáo sư từ ngay sau khi đất nước thống nhất. Cho đến nay, trong kho tàng hơn 400 công trình nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư đã dành một dung lượng lớn để nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn. Đặc biệt, với cương vị là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông đã đề xuất nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn để có cái nhìn toàn diện hơn, công bằng hơn đối với triều Nguyễn. Cuốn sách này sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm điều đó. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Nghiên Cứu Triều Nguyễn Và Huế Xưa

Nghiên Cứu Triều Nguyễn Và Huế Xưa

Nghiên cứu con người Huế không chỉ để phục vụ xứ Huế mà thực sự còn phục vụ quốc gia và phần nào phục vụ quốc tế. Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế là của Việt Nam, của danh nhân thế giới chứ không riêng gì của Huế.

Bố cục tập sách chia làm 3 phần:

  • Phần I: Văn hóa du lịch
  • Phần 2: Kiến thức lịch sử
  • Phần 3: Giao lưu tranh luận.

Nghệ Thuật Huế

Nghệ Thuật Huế

Với những bài phân tích tỉ mỉ cùng hơn 200 phụ bản sinh động, Nghệ thuật Huế là một nguồn tư liệu quý giá, lột tả các đặc tính của nền mỹ thuật bản địa vốn có nội dung phong phú cùng hệ thống biểu tượng, nhưng vẫn hạn chế về năng lực tả thực bởi các ràng buộc về quy ước trong văn hóa và nghệ thuật truyền thống, cũng như bởi tư duy khuôn mẫu của những nghệ nhân không một lần dám bước ra ngoài lệ thường.

Góc nhìn của Léopold Michel Cadière là sự kết hợp từ đôi mắt lý tính, quy củ của một nhà nghiên cứu phương Tây với tâm hồn của một người yêu và hiểu Việt Nam; do đó, những bài miêu tả, phân tích vừa mang tính trung lập, vừa xen lẫn phần nào tiếc nuối cho một nền nghệ thuật và cho những nghệ nhân vô danh lẽ ra đã có thể phát triển hơn nữa; thêm vào đó là sự thông hiểu bối cảnh xã hội bản xứ và nỗ lực tìm tòi những đặc điểm riêng của Huế. Cuốn sách không chỉ kể cho độc giả nghe câu chuyện của những biểu tượng mà còn đem lại những giá trị nghiên cứu, tham khảo mang tính khách quan và đầy nhân văn.

Tiểu Vùng Văn Hóa Xưa Huế

Tiểu Vùng Văn Hóa Xưa Huế

Văn hóa Huế là một điển hình tiêu biểu của văn hóa Việt Nam truyền thống. Văn hóa Huế cũng gần như duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn được tính cách cung đình, quý tộc. Cùng với sự vận động và phát triển không ngừng của xã hội, tiểu vùng văn hóa Huế đã, đang và sẽ ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí đặc thù trong nền văn hóa dân tộc và văn hóa thời đại..

Về Huế

Về Huế

“Tìm lại Huế xưa” trong Về Huế chính là nói lên trọn vẹn từ kẽ tóc chân tơ nếp sống của Huế trong hiện sinh thường nhật đon sơ của thành phố “cười trong nước mắt” này, nói bằng cả chân tình của một người thương Huế. Bởi thế, độc Về Huế là đã gặp được Huế một thời trong mãi mãi.

Chỉ cần đọc Về Huế, chúng ta cũng cảm thấy hơn một lần trở về với Huế bằng một tâm trạng kỳ lạ, khó hiểu là “phải” trở về với Huế để tìm lại Huế.

Món Ngon Xứ Huế

Món Ngon Xứ Huế

Là nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng bậc nhất về món ăn Huế hiện nay, tác giả chia sẻ trong cuốn sách của mình hai điều tâm đắc nhất: một là những công thức nấu món Huế đúng gu, đúng điệu, hai là những câu chuyện đời, chuyện nghề như một sự trải lòng với độc giả yêu thích món Huế.

65 món ăn được tác giả chăm chút, diễn đạt chi tiết, làm bật lên nét đặc trưng, tinh tế trong cách chế biến món ăn Huế: món canh Huế luôn có hương vị đậm đà của ruốc hay món xào thoảng vị cay nhẹ của chút ớt khô mịn để khử mùi tôm thịt. Bắt đầu món xào với tỏi phi, khi gần xong lại cho thêm tỏi để tăng hương vị và để món ăn không gắt mùi tỏi phi. Món cháo luôn luộc gạo nở búp, gạn bớt nước gạo cho thêm nước, nấu tiếp cho gạo nở mềm, để hương vị tôm cua trong cháo đặc trưng và ngọt thanh,… Kho tàng ẩm thực phong phú và đặc sắc của Huế còn tiềm tàng nhiều trong dân gian, và quyển sách này là niềm hy vọng sẽ mang đến những đóng góp nhất định trong việc giới thiệu rộng rãi nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Huế đến những người yêu ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Huế – Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Huế – Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn là một tác phẩm gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực khác nhau, phân chia thành hai chủ đề Huế – di sản văn hóa (35 bài) và Triều Nguyễn – những vấn đề lịch sử (12 bài). So với lần tái bản thứ hai của cuốn sách thì lần này tác giả đã bổ sung thêm 15 bài cho cả hai chủ đề, kể cả những bài gọi là “phụ lục” thì tính khoa học và thông tin mới cũng không kém những bài chính. Là một tập những bài viết phân tích về sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa của Huế và vương triều Nguyễn trong lịch sử đất nước, cuốn sách thể hiện góc nhìn đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa và di tích cổ ở Huế.

Nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa Huế Vĩnh Cao nhận xét : « Điểm đáng để chúng ta lưu tâm hơn cả là tác phẩm Huế – triều Nguyễn. Một cái nhìn đã giúp chúng ta thấy được « cái nhìn » của người đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa cùng di tích cổ. Dù là « cái nhìn » của một cá nhân, nhưng chúng ta vẫn thấy được sự gắn bó cùng hoài bão và sự trân trọng đối với di sản văn hóa, một tấm lòng hoài cổ, cộng thêm nỗi trăn trở suy tư của lớp người trẻ đương đại. Chính với tấm lòng vả nỗi niềm đó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn văn hóa của ông cha..

Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế

Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế

Cuốn “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của Thượng tọa Thích Hải Ấn và Phật tử Hà Xuân Liêm là một thể hiện bước đầu nỗ lực tìm hiểu Phật giáo xứ Huế.

Cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế được chia làm 6 chương:

  • Chương mở đầu: Tức là phần dẫn nhập
  • Chương I: Phật giáo Thuận Hóa sơ kỳ, tức là lúc còn Chămpa cho đến năm 1400.
  • Chương II: Phật giáo Thuận Hóa từ năm 1400 – 1801
  • Chương III: Phật giáo Huế từ năm 1802 – 1945
  • Chương IV: Phật giáo Huế từ năm 1945 đến nay
  • Chương kết

Nghệ Thuật Và Nghệ Nhân Vùng Kinh Thành Huế

Nghệ Thuật Và Nghệ Nhân Vùng Kinh Thành Huế

Mỹ thuật hay nghệ thuật nói chung, thật ra, chưa bao giờ là lĩnh vực nằm ngoài “vòng tay” của văn hóa, “nơi” đã sản sinh ra nó. Chính vì thế, những hiểu biết quán xuyến và sâu sắc về mặt văn hóa luôn giúp chúng ta dễ dàng hơn trong những liên tưởng đối sánh và phân tích, khi nghiên cứu lĩnh vực vốn được xếp vào phạm trù của cái đẹp. Nguyên tắc trên vẫn luôn là thuộc tính cần thiết, không riêng gì trong lĩnh vực nghiên cứu hay phê bình nghệ thuật, mà chúng còn liên quan mật thiết đến cả hoạt động sáng tác nữa.

Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế (L’Art à Hué) là một ấn phẩm đặc biệt của B.A.V.H (Số 1/1919), sau đó được in lại trở thành một tác phẩm độc lập, bề thế, có ví trí quan trọng trong thư mục nghiên cứu nghệ thuật Huế, bao gồm cả nội dung lẫn nhiều phụ bản màu, đen trắng. Đây có thể xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919. Chúng đã trở thành tư liệu quý giá để người đời nay có thể bổ sung, đối sánh, mà qua bao nhiêu binh biến và thời gian, nhiều di tích, nhiều tác phẩm đến nay đã không còn..

Trò Chơi Và Thú Tiêu Khiển Của Người Huế

Trò Chơi Và Thú Tiêu Khiển Của Người Huế

Cuốn sách nghiên cứu, trình bày và phân tích các trò chơi, thú tiêu khiển truyền thống của người dân Huế. Sách gồm ba phần chính: Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cá nhân. Ngoài ra, còn có 6 phần phụ lục cung cấp thêm các thông tin như về các bài bản ca Huế; 48 đề thả thơ; 160 đề đố thơ; những bộ đầu hồ; hai bộ xăm hường và trò xăm hường; các trò chơi của trẻ em xứ Huế.

Sự tồn tại và phát triển của các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế bắt nguồn từ sự du nhập các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ rồi cải biên cho phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường và hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mới. Nhiều trò chơi dân gian của người dân Ðại Việt xưa, đã theo bước chân của những lớp dân Nam tiến, có mặt ở Huế ngay từ khi mảnh đất này còn là “Ô châu ác địa”. Trong giai đoạn đầu, những trò chơi ấy vẫn mang đậm dấu ấn từ những trò vui của cư dân châu thổ sông Hồng. Ðó là những trò chơi gắn với các lễ hội dân gian, được nhà nước đứng ra tổ chức để mua vui cho thiên hạ trong các dịp lễ lượt như: đua ghe, đấu vật, đu tiên…

Thú vui xứ Huế không chỉ phong phú về dạng thức, loại hình mà còn hợp thời, hợp cảnh. Dương Văn An trong Ô châu cận lục từng viết: “Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca”. Không ai thả diều hay du thuyền trên sông Hương vào những ngày mưa dầm gió bấc, cũng như các cuộc trà chỉ thực sự mang đến cho ẩm khách cảm giác khinh khoái trong những ngày đông giá rét, chứ không phải trong những trưa hè oi bức. Thiên nhiên và thời tiết vừa giúp vào việc sản sinh ra các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế, đồng thời, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm diễn ra các cuộc vui ấy.

Cuốn sách nằm cùng trong bộ những cuốn sách về Huế và Triều Nguyễn của tác giả Trần Đức Anh Sơn gồm : Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn, Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn.

Lời Thì Thầm Của Ba Người Con Gái Huế Xưa

Lời Thì Thầm Của Ba Người Con Gái Huế Xưa

Lời Thì Thầm Của Ba Người Con Gái Huế Xưa là tuyển tập của ba chị em gái, con của quan Thượng thư và Tổng đốc cuối cùng của triều Nguyễn là ông Võ Chuẩn và phu nhân là bà Tôn Nữ Thị Lịch – các câu truyện đều dựa trên cuộc sống thực của gia đình.

Bốn người con gái của Ông Bà – Võ Thị Tuyết Phiến, Võ Thị Diệu Viên, Võ Tá Băng Thanh và Võ Thị Hoài Trinh đã phiêu dạt khỏi xứ Huế mà trong tim vẫn trĩu nặng tình yêu và hoài niệm

Mẹ Tuyết Phiến không viết văn, nhưng trong bà là người thuộc tất cả những bài thơ trong Thạch Xuyên Thi Tập của cha mình – Tổng đốc Võ Chuẩn, và đã tâm sự với ba người em gái: “Ba phần tư nước mắt đàn bà, là để khóc những cuộc tình duyên ngang trái”. Bà đã bất chấp lễ nghi tôn giáo, đi theo tiếng gọi của tình yêu để sống những năm tháng khó khăn tại Liên khu Tư, trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Mẹ Diệu Viên (Linh Bảo) thực thi mơ ước du học từ khi 17 tuổi. Mẹ Băng Thanh đã sống suốt 9 năm tại Nghệ An, chăm sóc bố mẹ chồng và con nhỏ để chồng đi phục vụ đoàn Văn nghệ kháng chiến, mẹ Hoài Trinh cũng đã tham gia kháng chiến..

Những Người Bạn Cố Đô Huế

Những Người Bạn Cố Đô Huế (Tập I – 1914)

Tạp chí Những người bạn Cố Đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế (viết tắt là B.A.V.H) là ấn phẩm của Hội Đô thành Hiếu Cổ, do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút. Nội dung B.A.V.H được nghiên cứu, khảo sát gồm 5 mảng chính yếu: Kinh thành Huế và phụ cận; Lịch sử Huế và An-Nam; Nghệ thuật xứ Huế; Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế và Các đề tài khác.

Theo Lời giới thiệu của bản B.A.V.H tiếng Việt do NXB Thuận Hóa ấn hành, lịch sử Kinh đô Huế từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1658 cho đến khi Gia Long khởi công xây dựng Kinh thành năm 1804 và vua Minh Mạng hoàn tất công trình vào năm 1833… tất cả được Võ Liêm trình bày khá chi tiết trong bài: Kinh Đô Thuận Hóa. Với bài viết nhan đề: “Kinh thành Huế: bản đồ học”, H.Cosserat đã cung cấp cho ta 28 bản đồ về Kinh thành Huế do người Pháp thực hiện trong thế kỷ 19. Các khu vực như: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, các cửa Ngọ môn, Đại Cung môn và một số cung điện: Cung Càn Thành, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Khôn Thai đều được vẽ và được L.Cadière tìm hiểu và ghi lại lịch sử của chúng..

Biến Cố Kinh Đô Huế Và Phong Trào Cần Vương (1885 – 1896)

Biến Cố Kinh Đô Huế Và Phong Trào Cần Vương (1885 – 1896)

Biến Cố Kinh Đô Huế Và Phong Trào Cần Vương (1885 – 1896) gồm 24 bài tham luận của các tác giả là nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử, nội dung tham luận xoay quanh Biến cố kinh đô Huế và phong trào Cần Vương (1427 – 1885).

Đây là Hội thảo chuyên gia với quy mô quốc gia đầu tiên về một chủ đề vừa có ý nghĩa khoa học vừa có giá trị thực tiễn đối với Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trên cả nước.

Huế Tản Văn – Áo Bay Khép Mở Nhiều Tâm Sự

Huế Tản Văn – Áo Bay Khép Mở Nhiều Tâm Sự (Sách Bỏ Túi)

“Tâm tư khép, mở đôi tà áo…” (Đinh Hùng)

Theo bước chân trường tồn của đôi bờ sông Hương, mái chùa Thiên Mụ, tà áo dài Huế cùng chiếc nón bài thơ đã trở thành một biểu tượng đẹp của xứ mộng mơ. Những tà áo tím bên dòng Hương Giang hay những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh qua bến đò Thừa Phủ, qua cầu Trường Tiền… tím buồn và trắng vui, khép mở bao niềm tâm sự. Áo dài Huế gần gũi không chỉ với nữ sinh Đồng Khánh hay phụ nữ khuê các mà còn rất mặn mà với giới bình dân mua gánh bán bưng.

Trong tấm áo dài bạc màu vì một nắng hai sương, nối tay, nối vạt vì thiếu vải hay may bằng nhung điều quyền quý, người phụ nữ vẫn phảng phất nét đoan trang, dịu dàng đến e ấp, nhẹ như tà áo bay bay trong gió thời gian..

Huế Tản Văn – Mộng Mơ Và Ăn Cay Nói Nặng (Sách Bỏ Túi)

Huế Tản Văn – Mộng Mơ Và Ăn Cay Nói Nặng (Sách Bỏ Túi)

Huế xuất hiện quen thuộc với những mỹ từ: đẹp thơ, mơ mộng, e ấp, hay đa sầu, đa cảm. Nhưng còn một Huế rất lạ với mọi miền đất nước: Huế của ăn cay nói nặng. Có lẽ do thời tiết và khẩu vị thân quen qua bao đời mà ở Huế ăn món gì cũng phải cay. Cơm hến thì phải có ớt chìa vôi để cắn, bún bò Huế thì phải thật cay mới đậm đà hương vị.

Ăn cay rồi nói cũng cay. Nói cay cũng là nói nặng. Nặng không ở cái giọng “trọ trẹ” mà nặng về nghĩa rất khác xa với tiếng Việt. Tỉ như họ nói một loạt “mô-tê-ri-tê” cứ như tiếng nước ngoài nào đó, nhưng là nghĩa tiếng Việt “ở đâu – tại sao – thế này – chỗ khác”. Người xứ khác đến Huế, nghe một bà hàng xóm báo tin dữ với khách đến tìm thăm rằng “cấy dôn nó mới đánh chắc ngoài cươi” (nghĩa là “vợ chồng nó mới đánh nhau ngoài sân”) thì chắc phải ngớ người vì không hiểu “mô-tê” gì cả.

Nhưng dẫu ăn cay nói nặng, Huế vẫn ẩn chứa một trời ngọt ngào trữ tình, dịu dàng và sâu lắng, để người xa Huế nhớ thương, lưu luyến mãi không nguôi.

Thuật Ngữ Kiến Trúc Nhà Rường Huế

Thuật Ngữ Kiến Trúc Nhà Rường Huế

Ngày nay, loại hình kiến trúc khung gỗ truyền thống Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng ngày càng khẳng định được giá trị của nó trong sự tồn tại thật chắt chiu và quý hiếm của di sản văn hóa và kiến trúc của dân tộc. Công tác nghiên cứu bảo tồn, tu bổ cũng như phục dựng các di tích thuộc loại hình này đặt ra vấn đề là phải xác định rõ các thuật ngữ kiến trúc – xây dựng truyền thống, nhất là khi chúng mang ý nghĩa về kiến trúc và nghệ thuật.

Thực tế, những thuật ngữ này, bởi chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là địa lý – văn hóa, mà chúng không được gọi tên một cách thống nhất và chuẩn chỉnh. Những sự khác biệt đôi khi làm phát sinh nhiều sự hiểu lầm, sai lệch trong công tác thi công cũng như trong công việc nghiên cứu hay thiết kế công trình.

Vì vậy, một cuốn sách tra cứu, trình bày tương đối đầy đủ về tên gọi, định nghĩa và vị trí của từng cấu kiện trong hệ thống kiến trúc nhà cổ ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung là vô cùng cần thiết. MaiHaBooks trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một công trình nghiên cứu công phu được chắp bút bởi KTS. Vũ Hữu Minh (đã mất) và hoàn thành bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Thúy Vi, Lê Vĩnh An, Nguyễn Thanh Toản và Phan Thuận Ý – “Thuật ngữ Kiến trúc Truyền thống Nhà rường Huế”.

Trước Nhà Có Cây Hoàng Mai (Tùy Bút Và Phóng Sự Về Huế)

Trước Nhà Có Cây Hoàng Mai (Tùy Bút Và Phóng Sự Về Huế)

Đây là tập tùy bút và phóng sự tác giả viết qua nhiều năm tập hợp lại, về lối sống của người Huế, phác họa nên một Huế với đủ góc nhìn.

Nhà văn Vĩnh Quyền viết:

“Trong sách này của Minh Tự có dấu ấn một thời sống bên ngoài Huế và cách nhìn – nghĩ của nghề báo, nó làm nên khác biệt với những tác giả viết về Huế – khúc ruột của mình – bằng tinh thần cực đoan đáng yêu kiểu “không nơi nào có được” hoặc “chẳng thể nào đổi khác”. Và, nếu nhớ có một Minh Tự làm thơ thì có thể hy vọng và chờ đợi nơi cuốn sách mới nay mai của anh, mà ở đó Huế sẽ hiện ra dưới nắng chang hoặc trong mưa dầm, vừa thật vừa hoang đường, và bằng thứ ngôn ngữ Huế vừa đời thường vừa đã được chưng cất như ca dao.”

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button