7 sách hay về chữ quốc ngữ nên đọc
7 sách hay về chữ quốc ngữ. Khuyên đọc quyển Chữ Quốc Ngữ: Sự Hình Thành, Phát Triển Và Đóng Góp Vào Văn Hóa Việt Nam và Một Số Vấn Đề Về Chữ Quốc Ngữ.
Chữ Quốc Ngữ: Sự Hình Thành, Phát Triển Và Đóng Góp Vào Văn Hóa Việt Nam
Kỷ niệm 400 năm ngày ra đời chữ quốc ngữ, các nhà khoa học đã công bố những kết quả nghiên cứu mới về chữ Quốc ngữ: Lịch sử hình thành và phát triển, vai trò là văn tự chính thức của người Việt, những đóng góp vào văn hóa Việt Nam, vấn đề cần trao đổi của Việt Ngữ, chuẩn mực chữ viết và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua chữ viết…
Một Số Vấn Đề Về Chữ Quốc Ngữ
Tập hợp những tư liệu, những nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam.
Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, hành trình chữ viết của Tiếng Việt, từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự Latin bao gồm nhiều vấn đề liên quan:
Chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai ở Nước Mặn, Bình Định và qua các thời kỳ phát triển; sự hình thành chữ Quốc ngữ với vai trò của Quận công Trần Đức Hòa, Alexandre de Rhodes…;
sự ra đời của chữ Quốc ngữ với hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây; vai trò các thừa sai Dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định…;
Từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị trong việc bảo tồn những di tích liên quan đến sự ra đời của chữ Quốc ngữ, nhớ ơn và tôn vinh những những người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ…
100 Câu Hỏi Về Gia Định Sài Gòn – Văn Học Quốc Ngữ Trước 1945 Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
Bộ sách 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh gồm ba mươi quyển. Có thể nói đây là một bộ Địa chí văn hóa Thành phố dạng sơ giản nhằm phổ cập kiến thức và cung cấp thông tin cho người đọc về truyền thống lịch sử – văn hóa và hiện trạng kinh tế – xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tổng thể ba mươi quyển, cuốn Văn Học Quốc Ngữ Trước 1945 Ở Thành Phố Hồ Chí Minh cố gắng giới thiệu cho người đọc một cách có hệ thống về mảng văn học viết bằng chữ quốc ngữ ở thành phố từ cuối thế kỷ XIX đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, với những hiện tượng, quá trình và lãnh vực mà vì nhiều lý do cho đến nay vẫn chưa được tìm hiểu một cách tương xứng và nhận định một cách thỏa đáng.
Bên cạnh đó, quyển sách cũng cố gắng giới thiệu cụ thể các tác giả và nhà nghiên cứu có đóng góp cho sự phát triển của văn học chữ quốc ngữ ở Lục tỉnh Nam Kỳ, với hy vọng sẽ cung cấp thêm tư liệu cho những người quan tâm và muốn đi sâu tìm hiểu một bộ phận văn học tiên phong trong quá trình văn hóa Việt Nam bước qua quỹ đạo chung của quốc tế hơn một trăm năm qua.
Chữ Quốc Ngữ – 130 Năm Thăng Trầm
“Quyển sách mang tinh thần khẳng định giá trị của một nền báo chí chữ quốc ngữ và văn học chữ quốc ngữ của miền Nam Việt Nam kéo dài từ khi bắt đầu có chữ quốc ngữ từ năm 1865 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó, sách ghi lại nhiều sự kiện văn học, lịch sử, chính trị đầy thăng trầm, sóng gió của chữ quốc ngữ trong giai đoạn này để hình thành nên hệ thống chữ quốc ngữ, chữ Việt hoàn chỉnh như hôm nay”
Những Áng Văn Xuôi Quốc Ngữ Đầu Tiên
Các tác phẩm văn chương quốc ngữ ban đầu được xuất bản với mục đích giúp cho người mới học chữ quốc ngữ làm quen mặt chữ, tập đọc và có chút hiểu biết về cách viết, cách trình bày, đồng thời có một bài học luân lý nho nhỏ, như Trương Vĩnh Ký đã trình bày trong “Ý sách Chuyện đời xưa”: “Kêu rằng: Chuyện đời xưa, vì nó là chuyện những kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế…
Ta cũng có thêm một hai chuyện thiệt tích mà có ý nhị, vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh”. Những tác phẩm này tuy đã viết cách đây hơn một thế kỷ nhưng những bài học trong sách vẫn còn giá trị.
Báo Quấc Ngữ Ở Sài Gòn Cuối Thế Kỷ 19
Quyển sách là kết quả dày công nghiên cứu của tác giả về nền báo chí Nam bộ. Qua những bài báo xưa, ta sẽ có cái nhìn bao quát về xã hội Nam kỳ cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm chiếm nước ta, về sự đổi thay từng ngày của miền đất này, cách người dân loay hoay kiếm sống trong tình hình mới, nạn cờ bạc, đề đóm gây hại thế nào,… Hơn thế nữa, chúng ta cũng sẽ hiểu hơn những cuộc kháng chiến của nhân dân, về những người bị chính quyền thuộc địa coi là “giặc”, những cuộc nổi dậy có thể không lớn mạnh nhưng chưa bao giờ im tiếng.
Lịch sử báo Quốc ngữ ở Sài gòn không chỉ là lịch sử của báo chí, của nghề bào, nhà báo mà còn là lịch sử phát triển chữ quốc ngữ, lịch sử văn học nước nhà. Cho đến này, chúng ta chưa hề có một nghiên cứu nào đầy đủ về lịch sử báo quốc ngữ của đất nước lẫn lịch sử báo quốc ngữ ở Sài Gòn. Vì vậy, cuốn sách là một cố gắng hết mực của tác giả, như một lời đính chính nhiều điều về báo chí và văn học quốc ngữ mà lâu nay người ta vẫn nhầm tưởng.
Lịch Sử Hội Truyền Bá Quốc Ngữ (1938 – 1945)
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tác giả, trình bày một cách có hệ thống về sự ra đời, quá trình hoạt động và những ảnh hưởng của Hội Truyền bá Quốc ngữ đến xã hội Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đây là tài liệu tham khảo bổ ích cho những người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, giáo dục Việt Nam thời cận đại.