12 sách hay về người An Nam nên đọc
12 sách hay về người An Nam. Khuyên đọc quyển An Nam Cung Dịch Ký Sự, An Nam Truyện và Chuyện Những Người An Nam Ở Paris Hay Sự Thật Về Đông Dương.
An Nam Truyện
An Nam Truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa là tập hợp các ghi chép về Việt Nam trong 17 bộ chính sử xưa của Trung Quốc, bao trùm một khoảng thời gian dài, từ thời nhà Tần, Hán đến năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này.
Đồng thời, ngoài những ghi chép trực tiếp về vùng đất Việt cổ được biết đến với tên gọi Giao Chỉ, An Nam… thì những ghi chép về các vương quốc xưa đến nay tuy không còn mà đã là một phần của lãnh thổ Việt Nam hiện đại như: Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp… cũng được chọn dịch và ghi chép vào sách này để bạn đọc có thêm tư liệu về lịch của các vùng đất ấy trong tiến trình chung của lịch sử Việt Nam.
Nam Biều Ký – An Nam Qua Du Ký Của Thủy Thủ Nhật Bản Cuối Thế Kỷ XVIII
Nam biều ký là một cuốn du ký chứa đựng những thông tin về xứ An Nam hồi cuối thế kỷ XVIII, được ghi chép bởi những thủy thủ Nhật Bản trên con thuyền Daijoumaru chở gạo gặp bão phải trôi dạt đến An Nam. Được xuất bản trong thời kỳ tướng quân Tokugawa bế quan tỏa cảng khắt khe, thậm chí có những sắc lệnh tử hình đối với thủy thủ nào cố tình vi phạm, việc in ấn phát hành sách vở ghi chép về hải ngoại cũng bị cấm tiệt, có lẽ vì thế mà một tác phẩm du ký như Nam biều ký lại càng đáng được chú ý.
“Bản dịch Nam biều ký cung hiến tới độc giả một góc nhìn sinh động bằng văn tự và hình ảnh về nhân vật nước Nam cuối thế kỷ XVIII, đồng thời cũng tự phản ảnh một giác độ về người Nhật Bản. Cái nhìn so sánh là không thể thiếu trong Nam biều ký, bởi thiên di là đặc tính nghề nghiệp của chứng nhân thủy thủ. Không thể phủ nhận, đường biển với các lợi thế hiển nhiên và các rủi ro tiềm ẩn là yếu tố đáng kể hình thành dòng du ký Việt-Nhật. Sự hiện diện công phu của bản dịch Nam biều ký cũng góp phần khảo cứu so sánh về chủ đề giao lưu của Việt Nam với các quốc gia trong chiều dài lịch sử.”
– Giáo sư Nguyễn Thế Anh
Chuyện Những Người An Nam Ở Paris Hay Sự Thật Về Đông Dương
Đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương tàn lụi, giới trí thức trẻ người Việt sang Pháp du học và tiếp thu những kiến thức tinh hoa của thế giới châu Âu, kể từ đây chiến lược đối kháng chống thực dân có những thay đổi. Đó là chuyển sang chống thực dân Pháp ngay trong lòng nước Pháp, sử dụng những phương tiện văn minh như báo chí, kết giao và thiết lập quan hệ với các hiệp hội và phong trào nhân quyền-dân chủ ở chính châu Âu để vạch trần, chỉ rõ bản chất của chế độ thực dân tại các xứ thuộc địa, từ đó kêu gọi bình đẳng cho người dân thuộc địa, dần dà từng bước đòi hỏi độc lập cho Việt Nam.
Vậy mọi chuyện đã diễn ra như thế nào?
Ý hướng đấu tranh bằng con đường dân chủ hòa bình đã được chính quyền thuộc địa “hồi đáp” ra sao?
Và liệu chăng con đường hòa bình là lựa chọn tối ưu cho đất nước thời bấy giờ? Hay chỉ có duy nhất một phương án cuối cùng là cách mạng và đẩy toàn bộ vào binh đao biển lửa?
Theo chân những tường thuật của Luật sư-Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường, người chí sĩ đã sát cánh cùng nhiều nhân vật cách mạng người Việt thời bấy giờ trong công cuộc đấu tranh ngay tại mẫu quốc – tất cả được thuật lại tỉ mỉ trong “Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương” – người Việt chúng ta ở thời hiện đại sẽ có thể hiểu rõ hơn hành trạng của một số nhân vật lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, cũng như phần nào thấu suốt được lý do vì sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới.
Bìa sách lấy từ ảnh chụp “Nghi thức đánh trống báo canh giờ đầu tiên được cử hành hằng đêm ở Kinh thành Huế” của René Tétart – biểu tượng cho niềm luyến tiếc những gì sắp mất, đang ở buổi giao thời đầy biến động thuở đầu thế kỷ XX.
Hội Kín Xứ An Nam
Cuốn sách này nghiên cứu về hội kín ở xứ An Nam, khởi từ sự bất ngờ và ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ vương quốc An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930; đặc biệt là sự kiện 1913 ở Chợ Lớn (Phan Xích Long và các huynh đệ) và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Georges Coulet đã không hiểu làm thế nào mà tại cùng một thời điểm, ở khắp nơi trên toàn cõi Nam kỳ lại đồng loạt bùng nổ khởi nghĩa.
Đào sâu nghiên cứu, tác giả Coulet nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây mà ông tìm kiếm để bóc tách hòng tìm hiểu về hội kín.
Bắt đầu từ tìm hiểu văn bản luật qua các bộ luật xưa cũ phong kiến, ông nhận ra ngay cả các triều đình phong kiến cũng “đụng độ” các hội kín:
“Vài thế kỷ sau, tất cả các văn bản pháp lý này [Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long] đều thuận cho việc đàn áp các hội có dự tính hoặc bộc phát, luôn chịu trách nhiệm cho trộm cắp, cướp bóc, đốt nhà và thảm sát cũng như mưu loạn, dấy loạn và khởi nghĩa. Cùng với sự nghi ngại người ta xác định rằng họ có những thầy phù thủy và phù phép, từ quan điểm chính trị đơn nhất, họ cũng ngờ vực tất cả các học thuyết nguy hại có thể ảnh hưởng đến tâm hồn quần chúng.
Sự cẩn trọng tỉ mỉ được các nhà lập pháp dựng lên để chống lại các hội kín chứng tỏ rằng những hội như vậy luôn tồn tại ở An Nam []” Và tất nhiên, bộ máy cái trị của người Pháp tất yếu phải đụng độ với các hội kín xứ An Nam.
Và qua quá trình nghiên cứu này, tác giả Coulet đã tìm hiểu được không ít điều về hội kín xứ An Nam.
Đế Quốc An Nam Và Người Dân An Nam – Jules Silvestre
Dưới con mắt của các nhà chuyên môn, tác phẩm này ẩn giấu một công trình thú vị và tin cậy. Hơn thế, nó còn có thể cung cấp các công cụ thực tế: bất cứ khi nào cần phải trình bày một bức tranh chính xác về Nam kỳ, người ta không thể không viện dẫn.
Tác phẩm được đăng lần đầu (nhiều kỳ) trên tờ Công báo Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín) vào năm 1875 và 1876, xuất bản dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa.
Nhưng vào thời điểm đó, tờ báo này, chính thức chỉ được in với số lượng rất nhỏ; vì rất nhiều lý do, hầu hết đã thất lạc và đến lúc này rất khó để có được bộ sưu tập một cách thuận tiện. Đây là lý do tại sao Aperçu (Tổng quan) hoàn toàn bị bỏ qua không chỉ ở Sài Gòn mà đặc biệt cả ở Pháp. Cũng vì lý do này mà Jules Silvestre đã tiến hành định bản để xuất bản nó cùng với việc viết thêm những thông tin bổ sung và chú giải.
Nghiên cứu này được xuất bản mà không có tên tác giả. Trên thực tế, đó không phải là công trình của một người: chỉ cần đọc nó sẽ nhận ra đó là bản tóm tắt các quan sát chính xác, được theo dõi trong nhiều năm và trên các địa điểm khác nhau của đế quốc An Nam, bởi những con người thành tín, sống hòa nhập với người An Nam và do đó, được đánh giá cao và mô tả chính xác các sự việc về đời sống dân chúng. Họ hết sức thận trọng trong các vấn đề của chính quyền và luật pháp, chứng tỏ rằng họ đã sống xa các cơ quan công quyền, và những cân nhắc này cũng gợi ý cho chúng ta rằng tài liệu này lấy cơ sở dữ liệu từ các nhà truyền giáo Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Ai đó trong số họ, có lẽ là ngài Grand de la Liraye đã phải đúc kết, sắp xếp theo thứ tự và hoàn thành vào năm 1859, để khai sáng cho Tổng tư lệnh Lực lượng viễn chinh Pháp, và Thống đốc thuộc địa Nam kỳ đánh giá cao sự chính xác có giá trị của nó, đã cho công bố tác phẩm năm 1875.
Sau phần đầu tiên, khi tôn trọng một cách nghiêm cẩn văn bản gốc, Jules Silvestre mạn phép thêm một Phụ lục để làm thành phần thứ hai của cuốn sách. Các ghi chú trong phần này có thể đem lại một vài lợi ích, một số ghi chú bổ sung cho những sự kiện các chi tiết vốn bị bỏ qua nhưng đầy quan trọng và không được trình bày; một số khác có mục đích làm rõ hoặc hoàn thiện các chủ đề chưa được xử lý thỏa đáng hoặc bị các tác giả của Aperçu (Tổng quan) bỏ sót.
Những Người Châu Âu Ở Nước An Nam
Tác phẩm Những người Châu Âu ở nước An Nam gồm hai chuyên luận Những người Châu Âu ở nước An Nam và Thương Điếm Anh ở Đàng ngoài, Ch. B Maybon đã dựng lên một toàn cảnh về sự có mặt và hoạt động của các giáo sĩ và thương nhân phương Tây ở An Nam trong hai thế kỷ XVII và XVIII.
Đây là thời kỳ mà hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong của Đại Việt có những tiếp xúc, đụng độ đầu tiên về kinh tế và văn hóa với các nước tư bản phương Tây. Các sử sách Việt Nam cung cấp cho chúng ta rất ít nguồn tư liệu về vấn đề này, may mắn là nó đã được bù đắp lại bằng những nguồn tư liệu phương Tây phong phú.
Điều đáng quý ở Charles B. Maybon là tính trung thực, khách quan của một trí thức có nhân cách độc lập, thoát khỏi sự ràng buộc của những định kiến về chủng tộc, chính trị hoặc tôn giáo, tín ngưỡng. Là người Pháp chính cống, nhưng ông không bênh vực cho chủ nghĩa thực dân như một số tác giả khác cùng thời đã làm.
Là người yêu Việt Nam, nhưng ông cũng không ngần ngại vạch ra những thói hư tật xấu của giới quan liêu và cơ chế phiền hà của bộ máy chính quyền phong kiến. ngòi bút của ông trầm tĩnh nhưng không lạnh lùng, để cho những sự kiện lịch sử tự nó nói lên, không áp đặt suy diễn, đây đó được điểm xuyết bằng một vài lời bình súc tích, ngắn gọn, nhưng không kém phần sắc sảo, hóm hỉnh.
An Nam Cung Dịch Ký Sự
Chu nhận được hịch chiêu mộ người “biết chữ” của “Quốc vương” và ra trình diện ngày 3 tháng 2 năm 1657, Chu bị tống giam và bị đối đãi như “tù giặc nước ngoài bị bắt sống” (khấu lỗ). Sau đó, khi được dẫn đến nha môn, quan ra lệnh cho Chu làm một bài thơ khẩu hứng rồi viết lên giấy. Chu khăng khăng không chịu làm thơ, dùng bút giải thích là vì “cảnh nước mất nhà tan” và “không cam bím tóc” theo nhà Thanh nên Chu mới trốn sang Nước ta, “ruột gan nóng như lửa đốt, làm thơ sao đặng”.
Khi biết Chu là “cống sĩ” (giống như “trưng sĩ”, nhưng trưng sĩ là cách gọi tổng quát), quan có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình.
Lúc ở Hội An, Chu thuê nhà chung với ba người Nhật. Chủ nhà là Gombê (Quyền binh vệ), cũng là người Nhật. Sáng sớm trước khi bị dẫn ra Dinh Cát, Chu tắm gội sạch sẽ, rồi căn dặn cặn kẽ người nhà phải làm gì khi trong trường hợp bị giết mà không về lại Hội An. Khi từ Dinh Cát về lại Hội An thì đồ đạc trong phòng Chu bị kẻ trộm vào lấy sạch, không còn gì cả. Trong khi hàng xóm láng giềng ai cũng đinh ninh chủ nhà là thủ phạm, Chu vẫn một mực không chút tỏ ý nghi kỵ Gombê. Sau khi điều tra biết Gombê là người vô tội, lúc bấy giờ hàng xóm mới khen Chu không phải là người tầm thường.
Sau đó đến ngày 19 tháng 2, Chu được thư của Chúa mời Chu ra giúp, Nhưng đối với Chu, lúc này thì đã cạn tàu ráo máng nên Chu đã từ chối lời mời của chúa Nguyễn.
An Nam cung dịch kỷ sự là một sử liệu độc đáo trên nhiều mặt. Thêm vào đó, Chu đã từng cư ngụ ở đất Thuận-Quảng nhiều lần trong khoảng 12 năm từ năm 1646 cho đến năm 1658. Bởi thế, lối quan sát và nhận định của Chu về tình hình học thuật, xã hội và chính trị của Đàng Trong, cũng như những điều Chu nhận xét về một số nhân vật mà Chu đã từng tiếp xúc trong thời gian bị câu lưu mang nét sống động của một người có óc quan sát chứ không phải là những lời bình phẩm chung chung của một khách bàng quan.
Người đọc không nhất thiết sẽ đồng ý với tất cả những nhận xét của Chu. Thậm chí, một vài nhận xét của Chu có thể làm độc giả người Việt không mấy hài lòng. Chu là một nhà trí thức tuy khá am tường về Việt Nam nhưng ưu tiên của Chu là “bài Thanh phục Minh”, khác với hoài bão với những người Việt trên bước đường Nam tiến. Tuy nhiên, ý nghĩa của An Nam cung dịch kỷ sự là tập ký sự này cho ta một bức tranh về tình hình Đàng Trong vào thế kỷ XVII với một số nét chấm phá mới mẻ. Chính vì thế, việc phân tích và đánh giá An Nam cung dịch kỷ sự không phải đơn giản, đòi hỏi người đọc có thái độ muốn bình tâm tìm hiểu một cách khách quan về những nhận xét của Chu trong thời gian bị quản thúc ở Hội An và Thuận Hóa.
Ngoài ra, qua tập ký sự của Chu Thuấn Thủy, chúng ta có thể tìm thấy những thông tin bổ ích khác về tình hình Đàng Trong giữa thế kỷ XVII. Chẳng hạn về ngôn ngữ, về cộng đồng người Hoa và người Nhật ở Hội An, tình hình học thuật, thư mục những sách chữ Hán ở Đàng Trong lúc bấy giờ, tình trạng thích bói toán, khuynh hướng chuộng bằng cấp hư danh, đánh giá người theo khả năng làm thơ phú chứ không chú trọng đến thực học..
An Nam Chí Lược
Từ lâu, giới nghiên cứu học thuật ở nước ta và ở cả nhiều nước trên thế giới đã biết đến bộ sách An Nam chí lược. Đặc biệt ở Trung Quốc, bộ sách này được công nhận là tài liệu của Nhà nước và cũng từng được Tứ khố toàn thư giới thiệu và xuất bản nhiều lần ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiển Tây… An Nam chí lược trong vài thế kỷ nay cũng được dịch, xuất bản, giới thiệu tại các nước Nhật Bản, Anh và Pháp.
Tại Việt Nam ta, từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu tuy có sử dụng, khai thác các sử liệu trong An Nam chí lược, coi đó như những cứ liệu thành văn đáng tin cậy, phản ánh một chặng dài lịch sử từ thế kỷ XIV trở về trước.
Nội dung sự thực lịch sử nước ta chứa đựng trong bộ sách này thật đa dạng và phong phú. An Nam chí lược là một nguồn tư liệu quan trọng, một phương pháp cho những bộ lịch sử Đại Việt của các tác giả khác (không nhiều lắm) viết lúc đương thời.
An Nam chí lược do Lê Tắc soạn năm 1335 là một công trình lịch sử quan trọng, từ lâu đã được giới nghiên cứu học thuật nhiều nước trên thế giới biết đến, được dịch, xuất bản, giới thiệu tại các các nước Nhật Bản, Anh và Pháp; nhưng tại Việt Nam, năm 1960 lần đầu tiên bộ sách mới được dịch hoàn chỉnh. Năm 2002, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã nhờ chuyên gia Hán học khảo đính lại, bổ sung phần chú thích, sửa chữa một số ngôn từ, thuật ngữ chuyên ngành để sát đúng với tính lịch sử của nguyên tác và xuất bản thành sách hoàn chỉnh, có cả nguyên tác chữ Hán.
Nghi Thức Tang Lễ Của Người An Nam
Gustave Dumoutier là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu tiên, là một học giả có tài, một con người gắn bó và yêu mến lịch sử văn hóa Việt Nam, là nhà Đông phương học đầy nhiệt huyết có chủ trương hợp tác với giới nho sĩ Việt Nam, trân trọng và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam truyền thống, duy trì chữ nho và khuyến khích chữ Quốc ngữ.
Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, văn hóa Việt nói chung và Hà Nội nói riêng. Và “Nghi thức tang lễ của người An Nam là một cuốn sách như vậy.
Đối với người Việt Nam, nghi thức tang lễ có một tầm quan trọng lớn lao, biểu hiện sự tôn trọng của người sống dành cho người chết và ý niệm của người sống về sự an nghỉ của người vừa qua đời.
Các nghi thức tang lễ thay đổi tùy theo thứ bậc của người qua đời, trong gia đình và ngoài xã hội; tài sản họ có lúc sống cũng như tài lực của người thân. Tang lễ là nghi thức tôn giáo, vừa thể hiện sự hiếu đạo, nghĩa tử của người sống với người chết nhưng cũng là mối quan tâm lo lắng về sự bình an, thịnh vượng hoặc hiểm họa sau này của con cháu…
Với tư duy khoa học và thói quen quan sát ghi chép của người phương Tây, Dumoutier và các cộng sự đã không bỏ lỡ cơ hội khi được tận mắt quan sát những nghi thức khác nhau của nghi lễ tang ma mà từ lâu họ đã quan tâm nghiên cứu tại Bắc kỳ. Không những thế, ông còn phân tích, so sánh, để tìm ra nét khác biệt trong một số nghi lễ ở các vùng miền, giữa các tôn giáo khác nhau…
Từ các quan sát liên quan tới tang lễ, việc để tang và lòng kính trọng mồ mả của người Bắc kỳ… Dumoutier đã viết cuốn sách này thật sát với quan điểm nghiên cứu dân tộc học tôn giáo, qua đó cung hiến cho các nhà nghiên cứu và độc giả ngày nay những tài liệu có giá trị tham khảo cần thiết.
Tâm Lý Dân Tộc An Nam
Công trình nghiên cứu Tâm lý dân tộc An Nam (Psychologie du Peuple annamite) được Paul Giran – một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, xuất bản vào năm 1904 sau hơn ba năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương, để phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam.
Tác phẩm ra mắt người đọc Pháp quốc năm 1904, vào thời điểm những cuộc chinh phục bằng sức mạnh quân sự của người Pháp trên Vương quốc An Nam và bán đảo Đông Dương đã bước vào hồi kết, và công cuộc thuộc địa hóa xứ sở này dần chuyển sang một giai đoạn mới. Những kinh nghiệm ở Bắc Phi (Algérie, Tunisie, Maroc…) cho người Pháp hiểu rằng để duy trì sự hiện diện của họ ở An Nam nói riêng và xứ Đông Dương nói chung, họ cần đến một quá trình lâu dài.
Đó là phải tìm cách làm sao cho sự phân ly mẫu quốc – thuộc địa không trở thành một sự đứt gãy thảm khốc về nhiều mặt. Và để tìm ra con đường, trước hết những người Pháp cần phải hiểu về tâm lý dân tộc An Nam, mà công trình nghiên cứu này của Paul Giran chính là một trong những tài liệu tham khảo cho các chính khách ở mẫu quốc lúc bấy giờ.
Trong công trình của mình, Paul Giran đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam; “để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó.” Hai nguyên nhân chính, theo Paul Giran, đã góp phần vào sự hình thành bản sắc dân tộc An Nam: chủng tộc và môi trường, đó cũng là đối tượng mà công trình này tập trung khảo sát.
Để hiểu thấu đáo “tâm hồn và thần minh” của người An Nam, Paul Giran, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông, đã thâm nhập và sinh sống để học ngôn ngữ và hiểu người bản xứ. Qua đó, khắc họa nên đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, xã hội và chính trị An Nam; tất cả nhằm phục vụ cho công cuộc thực dân của nước Pháp.
Như vậy, 115 năm (1904-2019) đã qua đi kể từ thời điểm tác phẩm được xuất bản. Một thế kỷ, với rất nhiều sự kiện, trở thành một quãng độ thích hợp cho sự nhìn nhận của người Việt Nam hiện đại về quá khứ của chính dân tộc mình, để cố gắng hiểu hơn về ông cha mình và những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Sự thấu hiểu có được không chỉ thông qua tài liệu của người Việt mà còn qua “lăng kính” nhìn nhận của người Pháp đương thời, mà dù muốn hay không, đã gắn kết, trên một số phương diện, vào số phận Việt Nam thế kỷ XX.
Giới thiệu Tâm lý dân tộc An Nam trong “Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn sử Việt”, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả một tài liệu tham khảo khả tín, góp thêm một tài liệu có ích để tìm hiểu về Tâm lý dân tộc An Nam: đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử, trí tuệ, xã hội và chính trị”, hòng truy nguyên căn tính của một số hiện tượng tâm lý xã hội có thể còn gây nhức nhối cho chúng ta ngày hôm nay.
Nghệ Thuật Xứ An Nam
Sáng tạo nghệ thuật chỉ có thể nở rộ trong một xã hội hưng thịnh, phồn vinh, dưới sự cai trị của những ông hoàng giàu sang và nhờ vào một chế độ bảo trợ sáng suốt. Tất cả những điều đó đều thiếu vắng ở xứ An Nam, nơi đến cả những thú vui của cuộc sống thái bình cũng còn là điều hiếm.
Ấy thế mà, các nghệ nhân xứ này, từ đời này sang đời khác, vẫn tạo ra được một dấu ấn riêng hết sức duyên dáng, thanh lịch, thậm chí quyến rũ, nhờ tài khéo léo đến hoàn hảo trong kỹ thuật chế tác.
Cuốn sách là cái nhìn khách quan và toàn cảnh của một người Pháp từng sinh sống và gắn bó với xứ An Nam một thời gian dài, được minh họa bằng 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, giúp độc giả hình dung rõ hơn về bối cảnh chung của xã hội An Nam đầu thế kỷ 20, cũng như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa và các ngành thủ công mỹ nghệ ở nước ta thời kỳ đó.
Ba Năm Ở An Nam Hay Nha Trang 100 Năm Trước
Được xuất bản lần đầu tiên năm 1910 bằng tiếng Anh với tựa đề Three years in Vietnam và năm 1912 bằng tiếng Pháp với tựa đề Mes Trois Ans d’Annam của bà Gabrielle M. Vassal – một phụ nữ người Anh lấy chồng là sỹ quan quân y người Pháp J.J. Vassal. Khi ông được bổ nhiệm làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang, bà đã theo ông và có thời gian 3 năm ở đây. Trong khi ông bận rộn với công vụ và việc nghiên cứu những chứng bệnh nhiệt đới sau này sẽ làm ông nổi tiếng, bà đã thu vén công việc và để bớt nỗi nhớ nhà, bà đã bỏ công nghiên cứu cảnh vật quanh mình, thích thú tìm hiểu cảnh vật và con người. Bà quan sát cảnh quan, phong tục người An Nam với cặp mắt tinh tường rồi thuật lại một cách rõ ràng sinh động. Không chỉ quan sát, bà còn lặn lội đến tận nơi những dân tộc thiểu số sinh sống mà từ trước đến giờ ít ai biết rõ.
Những sinh hoạt hàng ngày, ngày Tết, tôn giáo và những tập tục mê tín dị đoan của người An Nam, vị trí của người đàn bà trong xã hội … được bà kể lại bằng giọng văn chân phương, dung dị với cả tấm lòng, bằng đôi mắt bao dung của một người phụ nữ Phương Tây. Nha Trang là một địa danh rất xưa. Nhưng để thành một nơi nghỉ mát nổi tiếng khắp bán đảo Đông Dương trong những năm 1930, Nha Trang đã bắt đầu một cách rất khiêm tốn. cái bình dị, khiêm tốn này như thế nào cách đây 100 năm? Và cuốn sách này có thể tới tay bạn đọc Việt Nam cũng là cả một câu chuyện ly kỳ.