List sách

7 sách hay về cây lúa nên đọc

7 sách hay về cây lúa. Khuyên đọc quyển Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm, Tác Động Của Biến Đổi Khí Hậu Lên Sản Xuất Lúa và Biết Tuốt Về Đồ Ăn: Lúa Gạo.

Tác Động Của Biến Đổi Khí Hậu Lên Sản Xuất Lúa

Tác Động Của Biến Đổi Khí Hậu Lên Sản Xuất Lúa

Quyển sách này là tài liệu chuyên khảo các nghiên cứu liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu và các tác động của nó lên sản xuất lúa gạo trên thế giới, như là một phần công việc trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của tác giả, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy.

Quyển sách có tất cả bốn chương:

  • Chương 1: Cơ sở khoa học khí hậu – Tập trung mô tả một cách tổng quan về khoa học về khí hậu, các nguyên nhân và các diễn biến của hiện tượng biến đổi khí hậu.
  • Chương 2: Ảnh hưởng thời tiết lên cây lúa – Nêu các đặc điểm sinh lý và sinh thái của cây lúa liên quan đến các yếu tố khí tượng và thủy văn.
  • Chương 3: Tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lúa – Trình bày các kết quả nghiên cứu những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của biến đổi khí hậu lên sản xuất lúa trên thế giới.
  • Chương 4: Ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa – Là liệt kê một số nghiên cứu hiện nay cho chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu lên sản xuất lúa gạo, các nguy cơ của biến đổi khí hậu, các tác động bất lợi của sự thay đổi thời tiết lên các yếu tố sinh lý và sinh thái cây lúa.

Trong quyển sách này, người viết đã có trích xuất các báo cáo khoa học được liệt kê ở phần tài liệu tham khảo. Một số hình tham khảo của các tác giả tham khảo đã được Việt hóa trong quyển sách này để người đọc Việt Nam dễ xem.

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm

“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

Biết Tuốt Về Đồ Ăn: Lúa Gạo

Biết Tuốt Về Đồ Ăn: Lúa Gạo

Em có biết canh tác lúa gạo là công việc không có lúc nào ngơi nghỉ? Canh tác theo lối truyền thống đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, nào cày bừa, nào cấy mạ, nào cắt lúa… dưới cái nóng như thiêu trời hè! Tuy nhiên ở đồng bằng, mọi việc đỡ vất vả hơn vì đã có máy móc giúp sức, nhờ vậy mà năng suất cũng cao hơn.

Vậy tại sao các nhà công nghiệp còn tạo ra gạo biến đổi gen nhỉ? Lại còn gạo ăn liền nữa chứ? Chúng có cùng đặc tính với gạo truyền thống không? Và đặc biệt, chúng có tác động gì đến môi trường không?

Xê ri Biết tuốt về đồ ăn, với hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc sinh động và những thông tin chính xác, rõ ràng, sẽ giải đáp giúp em mọi thắc mắc về lúa gạo, để không những giúp em ăn ngon hơn, mà còn biết cách chăm sóc bản thân, bảo vệ môi trường quanh em được tốt hơn!

186 Câu Hỏi – Đáp Về Cây Lúa Và Kỹ Thuật Trồng Lúa

186 Câu Hỏi – Đáp Về Cây Lúa Và Kỹ Thuật Trồng Lúa

Lúa là cây lương thực chủ yếu nuôi sống người dân Việt Nam từ lâu đời và vẫn là nguồn cung cấp lương thực chính cho nhiều thế hệ nối tiếp. Từ tình trạng thiếu lương thực triền miên, Việt Nam đã phấn đấu không những tự túc được mà còn có thừa để xuất khẩu gạo, được xếp hạng thứ 3 rồi thứ 2 trên thị trường Thế giới.

Tuy nhiên do dân số ngày càng tăng, nhưng diện tích canh tác lúa có xu hướng ngày càng giảm, nên nông dân Việt Nam còn phải tiếp tục phấn đấu cao hơn để góp phần đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Cuốn sách “186 Câu Hỏi – Đáp Về Cây Lúa Và Kỹ Thuật Trồng Lúa” được soạn thảo nhằm trang bị thêm kiến thức cơ bản cho người trồng lúa, kể cả người đã có nhiều kinh nghiệm và người đang bước vào nghề trồng lúa để giúp họ hoàn thành được sứ mạng to lớn đang chờ đón.

Mục lục:

  • Phần 1: Lúa, loại lúa và thời vụ
  • Phần 2: Giống lúa
  • Phần 3: Đất lúa
  • Phần 4: Tưới nước
  • Phần 5: Phân bón
  • Phần 6: Trừ cỏ
  • Phần 7: Bảo vệ mùa màng
  • Phần 8: Trồng lúa xuất khẩu
  • Phần 9: Nông nghiệp sạch
  • Phần 10: Phụ lục

Bạn Của Nhà Nông – Kỹ Thuật Trồng Lúa Nước Hiệu Quả

Bạn Của Nhà Nông – Kỹ Thuật Trồng Lúa Nước Hiệu Quả

Bộ sách Bạn Của Nhà Nông bao gồm 15 tập, mang những nội dung về các giống vật nuôi, cây trồng, khả năng sản xuất và kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng cũng như các biện pháp phòng trị bệnh cho chúng.

Bộ sách là người bạn đồng hành hữu ích với những người làm nông nghiệp. Áp dụng những phương pháp, kỹ thuật này vào thực tế trồng trọt chăn nuôi, bà con sẽ có những vụ mùa bội thu, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Bạn Của Nhà Nông – Kỹ Thuật Trồng Lúa Nước Hiệu Quả gồm những nội dung chính như sau:

  • Vai trò của cây lúa và phương thức canh tác
  • Kỹ thuật trồng lúa nước hiệu quả.

Hỏi Đáp Về Phòng Trừ Dịch Hại Cây Trồng – Cây Lúa

Hỏi Đáp Về Phòng Trừ Dịch Hại Cây Trồng – Cây Lúa

Nhiều chủ ruộng, chủ vườn, chủ trang trại, vườn hoa… đã không khỏi lúng túng khi ruộng, vườn… của mình bị dịch hại, đôi khi rất trầm trọng. Nhu cầu được hướng dẫn cách phòng trừ dịch hại ngày một tăng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ phía người nông dân. Qua tiếp xúc, tìm hiểu, phát hiện nhu cầu và tập hợp những câu hỏi của bà con, tác giả đã viết bộ sách “Hỏi đáp về phòng trừ dịch hại cây trồng” nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của bà con.

Bộ sách gồm nhiều quyển, mỗi quyển bao gồm những câu hỏi đáp về phòng trừ dịch hại của một loại cây hay nhóm cây trồng đang được trồng phổ biến ở nước ta như: cây lúa, cây rau, cây màu, cây ăn trái, cây hoa kiểng…

Trong mỗi loại dịch hại, tác giả đã mô tả chi tiết những đặc điểm hình thái, triệu chứng tác hại, điều kiện phát sinh phát triển, khả năng gây hại…và những biện pháp phòng trừ một cách cụ thể có tính chất cầm tay chỉ việc.

Bộ sách là một tài liệu hướng dẫn kỹ thuật rất cần thiết cho bà con đang sản xuất những loại cây trồng này, đồng thời là một tài liệu tham khảo bổ ích cho cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông… ở cơ sở.

Về Miền Tây – vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Về Miền Tây – vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Về Miền Tây là tập tranh truyện của Trương Văn Tuấn, do Phương Thoại và Novemberry Linh vẽ minh họa.

Một ngày nọ cậu bé Nguyên chợt thắc mắc: Trồng bao nhiêu cây lúa thì sẽ nấu được một chén cơm? Sao nhà ta chỉ toàn trồng hoa kiểng mà không trồng lúa trong chậu? Như thế chẳng phải tiện hơn sao? Để giải thích cho đứa cháu quen sống ở thị thành, bà ngoại Nguyên dắt cậu về quê bà, Đồng Bằng Sông Cửu Long – nơi những cánh đồng lúa trải rộng bạt ngàn, để giải thích cho cậu hiểu một cách sinh động nhất.

Nếu bạn không kịp vác ba lô lên để đồng hành cùng Nguyên trong chuyến đi ấy, không sao cả! Cứ nhẹ nhàng lật từng trang sách này, bạn vẫn có thể khám phá từng chi tiết về cây lúa, vật nuôi và các đặc sản khác của vựa lúa lớn nhất nước ta.

Về Miền Tây – vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long là quyển sách thú vị, tranh vẽ đẹp giàu tính khơi gợi và kích thích tính tò mò khám phá dành cho các bé độ tuổi tiểu học.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button