List sách

14 sách hay về trẻ tự kỷ và chậm phát triển nên đọc

14 sách hay về trẻ tự kỷ và chậm phát triển. Khuyên đọc quyển Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ, Hiểu Tự Kỷ và Đánh Thức Ban Mai.

Đối mặt với Tự kỷ – Cùng nhau vượt qua

Đối mặt với Tự kỷ – Cùng nhau vượt qua

Tự kỷ hiện là vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Đây là một khuyết tật phát triển suốt đời của trẻ em, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống cũng như cho việc hòa nhập xã hội của trẻ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tháng 4/2018, cứ 43 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Mặc dù được giới y khoa, tâm lí, giáo dục quan tâm nghiên cứu, nhưng còn nhiều điểm cần nghiên cứu về nguyên nhân, nguyên lí và các phương pháp can thiệp mới.

Từ năm 1995, việc tập huấn cho kỹ thuật viên về phát hiện sớm và can thiệp Âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ đã được thực hiện ở Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai. Ngày nay với những hiểu biết và kinh nghiệm chuyên sâu về tự kỷ, chúng tôi đã đào tạo được một mạng lưới các chuyên viên Âm ngữ trị liệu trên toàn quốc. Nhờ đó cha mẹ trẻ có thể tiếp cận dịch vụ Âm ngữ trị liệu dễ dàng hơn. Dù thế nào, cha mẹ luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và hòa nhập của trẻ, cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia Âm ngữ trị liệu và giáo viên.

Cuốn sách này ra đời nhằm cung cấp thêm thông tin, phương pháp can thiệp… cho cha mẹ, giáo viên và chuyên viên Âm ngữ trị liệu. Phần I cuốn sách cung cấp thông tin, phần II là các kỹ thuật can thiệp đơn giản (cha mẹ, giáo viên… có thể tham khảo và làm theo) và phần III là hướng dẫn riêng cho các đối tượng liên quan.

Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ

Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ

Mọi điều tôi đề cập và thực hành trong quyển sách này đều dựa trên các nguyên lý và kỹ thuật của The Son-Rise Program.

Quyển sách này có thể áp dụng cho tất cả phụ huynh, các nhà trị liệu, giáo viên hay thành viên trong gia đình, những người yêu quý đứa con mắc chứng tự kỷ. Quyển sách này có thể áp dụng khi phương thức điều trị căn bản của con là ABA, Floortime, RDI, Hành vi nói (Verbal behavior), Handel, Liệu pháp trò chơi chuyên sâu hay bất kì liệu pháp nào khác.

Quyển sách này thực sự dành cho bất kì ai cần được giúp đỡ về những vấn đề sau:

  • Đánh răng
  • Cắt tóc
  • Mặc đồ
  • Các khó khăn về giấc ngủ
  • Hành vi đánh người
  • Cơn bùng nổ
  • Hướng dẫn đi vệ sinh
  • Làm quen với thức ăn mới.

Thúc Đẩy Giao Tiếp – 300 Trò Chơi Và Các Hoạt Động Cho Trẻ Tự Kỷ

Thúc Đẩy Giao Tiếp – 300 Trò Chơi Và Các Hoạt Động Cho Trẻ Tự Kỷ

Thúc đẩy giao tiếp là một công cụ hoàn hảo để hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc và các chuyên gia trong việc thúc đẩy và phát triển các kỹ năng giao tiếp của trẻ em có rối loạn ở tất cả phổ tự kỷ.

Đây là một cuốn sách chứa đựng đầy các ý tưởng thực tế và thú vị cùng với các hướng dẫn thực hiện tạo động lực cho trẻ em tự kỷ và trẻ em có các khó khăn trong giao tiếp. Cách thức trình bày rõ ràng, thân thiện tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận nhanh với 300 trò chơi và các hoạt động thực hành rất thú vị để phát triển các kỹ năng giao tiếp của con bạn

Cuốn sách gợi ý những cách sáng tạo để sử dụng đồ chơi và các đồ vật hằng ngày. Ví dụ, nếu con bạn thích thổi bong bóng, có thể con cũng muốn đếm bóng, dùng cây đũa bắt bong bóng, giẫm bong bóng bằng chân hoặc thậm chí chơi bóng chuyền bong bóng!

Những ý tưởng sáng tạo trong cuốn sách này đã được phát triển qua hơn 40 năm kinh nghiệm lâm sàng và giáo dục, và được thiết kế để cho cả người lớn và trẻ em cùng vui chơi. Tất cả các tài nguyên được đề cập trong cuốn sách này đều có sẵn và có thể được sử dụng để nâng cao kỹ năng giao tiếp ở tất cả các cấp, từ tiếp cận với một vật dụng, đến mở rộng giao tiếp bằng lời nói.

Hiểu Tự Kỷ

Hiểu Tự Kỷ

Mở đầu:

Tôi là một người Pháp, 65 tuổi, hiện là Nhà tâm lí học/Nhà phân tâm học tại Việt Nam, nơi tôi đã làm việc được 6 năm. Trước khi trở thành Nhà tâm lí học Lâm sàng, tôi từng có 30 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em trong vai trò một nhà giáo dục đặc biệt, trong đó có 20 năm làm việc với trẻ tự kỉ (hoặc trẻ có những rối loạn phát triển nghiêm trọng).

Tôi bắt đầu viết cuốn tài liệu này theo yêu cầu của sinh viên và một số nhà chuyên môn, những người tôi đã may mắn được cùng làm việc và chia sẻ một phần hiểu biết của mình. Nhưng rồi tôi đã do dự ngay cả khi dự định của mình không phải là mang đến một kiến thức mới về tự kỉ mà khiêm tốn hơn chỉ là truyền chút hiểu biết và một số kinh nghiệm của bản thân. Bởi tôi nghĩ rằng sẽ là kiêu ngạo khi viết về tự kỉ sau rất nhiều tên tuổi nổi tiếng đã viết về chủ đề này. Cuối cùng, tôi lại một lần nữa bị thuyết phục bởi ê-kíp nơi tôi làm việc nhưng vẫn quyết định sẽ khiêm tốn và không để cho người khác tin rằng tôi quan trọng hơn những gì tôi có.

Tôi chỉ đơn thuần là một nhà chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc, đã tiếp xúc thường xuyên với chứng tự kỉ, đã đọc nhiều về tự kỉ, đã làm việc lâu năm với trẻ tự kỉ, đã giảng một số bài về tự kỉ (trong đó có chương trình đào tạo Thạc sĩ Thực hành chuyên ngành Tâm lí học Phát triển Thanh thiếu niên và Trẻ em tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội).

Tôi không có tham vọng đóng góp một điều mới mẻ, càng không có tham vọng mang lại SỰ THẬT về tự kỉ (bởi, trước hết, cái “SỰ THẬT” đó không tồn tại… và đó cũng là điều chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh). Tôi chỉ mong là một người lái đò. Bởi tuy chưa biết hết mọi thứ nhưng tôi biết một số điều, và những điều này không hẳn đã được các nhà chuyên môn Việt Nam (và cả các nhà chuyên môn Pháp nữa) biết đến.

Cuốn sách này tôi viết dành cho các nhà chuyên môn. Tất nhiên, những cha mẹ thực sự quan tâm cũng có thể tham khảo, tuy nhiên tôi e rằng các lí thuyết được trình bày ở đây sẽ phần nào khó hiểu đối với họ. Đối với các nhà chuyên môn, các vấn đề lí thuyết này đã là khó hiểu cũng như chúng đã từng khó hiểu đối với chính tôi trước khi – cùng với quá trình công việc và mong muốn hiểu – tôi có thể biến các từ và các khái niệm mà các tác giả lớn đã truyền dạy thành cái của mình, giải mã những câu thường quá phức tạp của họ khi họ muốn nó thật chính xác.

Như vậy, các nhà chuyên môn cần chuẩn bị tinh thần để không ngạc nhiên rằng mình phải động não. Không phải mọi thứ đều có sẵn. Nhưng họ cũng không nên kì vọng rằng đây là một tác phẩm bao quát đầy đủ: tôi đã làm tốt nhất có thể nhưng, ngay cả sau 20 năm làm việc cùng nhiều năm đọc sách và nghiên cứu, hiểu biết của tôi về vấn đề này vẫn còn chưa hoàn thiện.

Dẫu sao, tôi cũng hi vọng rằng những trang viết sau đây sẽ mang lại cho họ những sáng tỏ cũng như gợi mở những hướng suy ngẫm để các nhà chuyên môn tiếp tục trau dồi hiểu biết, từ đó hiểu hơn những đứa trẻ được gửi đến cho mình và biết rõ hơn việc họ sẽ cố gắng như thế nào để giúp đỡ trẻ và gia đình các cháu. Tôi đã cố gắng hết mình cho mục đích đó. Tôi hi vọng, thông qua cuốn sách này, có thể đánh thức ở họ ham muốn tìm hiểu và thúc đẩy họ tìm đọc những bài viết của các tác giả đã được nhắc đến (chắc hẳn là chưa được dịch sang tiếng Việt)..

Đánh Thức Ban Mai

Đánh Thức Ban Mai

Ngay từ khi tiếp xúc những con chữ đầu tiên trong Đánh Thức Ban Mai, độc giả sẽ dễ dàng cảm nhận tiếng rung của những giọt nước mắt trong từng câu chuyện. Đó có thể là giọt nước mắt của tột cùng đau khổ khi tiếp nhận con mình sẽ mang hội chứng tự kỷ suốt đời và nếu không can thiệp đúng hướng sẽ không có khả năng hòa nập cuộc sống bình thường. Đó có thể là giọt nước mắt bật ra từ niềm hạnh phúc khi đứa con tưởng chừng như câm lặng suốt đời kia cất tiếng gọi mẹ ơi và ánh mắt của con đã chịu dừng lại nơi ánh mắt cha mẹ đang trông đợi.

Theo chuyên trang của Liên Hiệp Quốc về tự kỷ: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần”. Đáng tiếc, trong cộng đồng người Việt, vẫn chưa có nhiều người hiểu được điều này. “Tôi không kì vọng làm một siêu phẩm để có thể thay đổi quan điểm, sự đánh giá chưa đúng về tự kỷ đang tồn tại trong cộng đồng. Tôi đi từng bước nhỏ và cẩn trọng đối với mảng đề tài chưa được quan tâm khai thác và nhiều e ngại chỉ với hy vọng thay đổi sự kì thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người tự kỷ”, Việt Hà, chủ biên, chia sẻ về động lực thực hiện Đánh Thức Ban Mai như vậy.

Nguyễn Thị Việt Hà từng là một biên tập viên của First News. Việt Hà chấp nhận từ bỏ nhiều cơ hội hấp dẫn, dấn thân, hơn một năm lần theo những câu chuyện của các gia đình có con tự kỷ ở cả cả ba miền đất nước để thuyết phục họ mở lòng kể câu chuyện của mình. Tập hợp những câu chuyện ấy lại, Đánh thức ban mai sẽ cho độc giả hiểu được nỗi niềm của những ông bố, bà mẹ đã vượt qua thời gian khủng khoảng khi đón nhận tin con họ mắc chứng tự kỷ. Họ đã phải làm gì, bằng cách nào, ruồng bỏ hay can đảm đối mặt, gục ngã hay đứng lên cùng con tìm một con đường tươi sáng hơn?

Theo dõi tập sách nhỏ này, người đọc sẽ cảm nhận được sự tuyệt vọng, nuối tiếc, hối hận… rồi lại gắng gượng, hy vọng… của chính những người trong cuộc. Tất cả, đôi khi không tuân theo một quy luật diễn biến nào mà tựa như một dòng sông chảy qua mọi địa hình để đến cuối cùng vẫn tìm được ra biển cả..

Can Thiệp Sớm Cho Trẻ Tự Kỷ – Sử Dụng Các Hoạt Động Hằng Ngày Giúp Trẻ Kết Nối, Giao Tiếp Và Học Hỏi

Can Thiệp Sớm Cho Trẻ Tự Kỷ – Sử Dụng Các Hoạt Động Hằng Ngày Giúp Trẻ Kết Nối, Giao Tiếp Và Học Hỏi

Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu trẻ mắc hội chứng tự kỷ ở các cấp độ khác nhau. Đối với trẻ tự kỷ, việc thấu hiểu, giáo dục và quan tâm của gia đình là một trong các yếu tố quan trọng nhất. Thị trường sách cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam, hiện có khá nhiều đầu sách nhưng các cuốn sách này hoặc là dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người có thân nhân mắc chứng tự kỷ, hoặc ở dạng giới thiệu thông tin chung chưa đi sâu vào các biện pháp can thiệp gia đình cần thiết một cách bài bản dựa trên nghiên cứu khoa học.

Đây là cuốn sách được viết ra để dành cho các bậc cha mẹ có con được chẩn đoán tự kỷ. Cuốn sách do Tiến sĩ Sally Rogers, Tiến sĩ Geradine Dawson và Tiến sĩ Laurie Vismara viết và do NXB The Guildford Press xuất bản. Ba đồng tác giả của cuốn sách đều là những người có nhiều kinh nghiệm và làm việc lâu năm với trẻ tự kỷ và cha mẹ của các em. Trong cuốn sách này, họ sẽ trình bày tất cả những vấn đề mà cha mẹ các bé mắc tự kỷ sẽ phải đối mặt, từ những khủng hoảng tinh thần như thế nào, cách vượt qua cơn khủng hoảng đó ra sao và quan trọng nhất là cách thu xếp để cuộc sống gia đình không những không bị đảo lộn mà còn là môi trường tốt để nuôi dạy những đứa con tự kỷ phát triển bình thường..

Hướng Dẫn Cha Mẹ Thực Hành Trị Liệu Hoạt Động Cho Trẻ Tự Kỷ – Thực Hành Kỹ Năng Vận Động, Phối Hợp Cảm Giác, Tự Đi Vệ Sinh

Hướng Dẫn Cha Mẹ Thực Hành Trị Liệu Hoạt Động Cho Trẻ Tự Kỷ – Thực Hành Kỹ Năng Vận Động, Phối Hợp Cảm Giác, Tự Đi Vệ Sinh

Cuốn sách này sẽ không có các thuật ngữ hay những từ chuyên môn phức tạp, mỗi câu hỏi đều được giải đáp với những từ dễ hiểu và thông dụng. Nó sẽ cung cấp toàn diện những khó khăn thường gặp ở nhóm trẻ giáo dục đặc biệt. Cha mẹ của những trẻ bình thường cũng có thể tìm hiểu để xây dựng hành vi, cảm giác và xúc giác của con em mình.

Với chủ đề đa dạng, từ tiến trình xử lí cảm giác đến kĩ năng viết, kĩ năng đi vệ sinh… cuốn sách này thực sự là một cuốn cẩm nang bỏ túi dành cho các bậc phụ huynh. Mỗi phần đều là những câu hỏi mà tác giả – một nhà trị liệu nhi khoa – được hỏi nhiều nhất. Cuối mỗi câu hỏi là phần “Hoạt động thực tế” mà các bậc phụ huynh có thể làm cùng con để cùng đạt đích. Có rất nhiều hoạt động và cũng rất dễ áp dụng ở tại nhà.

Can Thiệp Phổ Tự Kỷ Hằng Ngày – Kết Hợp Giáo Dục Trong Những Hoạt Động Hằng Ngày Cho Trẻ Và Gia Đình

Can Thiệp Phổ Tự Kỷ Hằng Ngày – Kết Hợp Giáo Dục Trong Những Hoạt Động Hằng Ngày Cho Trẻ Và Gia Đình

Mục tiêu của cuốn sách này là cung cấp cho nhà trị liệu can thiệp sớm những chiến lược và phương tiện họ có thể dùng để huấn luyện phụ huynh và người chăm sóc nhằm khuyến khích sự phát triển những kỹ năng quan trọng và quản lý những hành vi khó, tập trung vào những kỹ năng thực tế và thách thức đối với trẻ tự kỷ. Những kỹ năng này cung cấp nền tảng cho việc học cách tương tác, giao tiếp, và tham gia vào các hoạt động ở nhà, ở trường, và ở nơi công cộng, thông qua những hoạt động hằng ngày của trẻ và gia đình.

Có rất nhiều sách viết về phổ tự kỷ, và có một số tập trung vào trẻ nhỏ tuổi. Cuốn sách này độc đáo ở chỗ nó kết hợp nghiên cứu, phương thức huấn luyện, những chiến lược dựa trên bằng chứng khoa học, và cách giải quyết vấn đề dựa trên những tổng kết mà các tác giả có được sau nhiều năm làm việc để giúp đỡ nhà trị liệu và sau cùng chủ yếu là phụ huynh và trẻ.

Thêm vào đó, cuốn sách còn có những lời khuyên từ phía cha mẹ có con tự kỷ và từ người trưởng thành với phổ tự kỷ về những vấn đề quan trọng mà nhà trị liệu can thiệp sớm cần biết. Đây thực sự là tài liệu hữu ích giúp nhà trị liệu, gia đình, và những người chăm sóc và làm việc cùng trẻ tự kỷ hoặc trẻ với những thách thức về hành vi và/hoặc học tập nhận ra tầm quan trọng của phân tích hành vi cũng như cung cấp những chiến lược giáo dục đặc biệt để giúp trẻ tối đa hóa tiềm năng của mình.

Thấu Hiểu Và Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ

Thấu Hiểu Và Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ

Cuốn sách gồm 5 phần chính:

  • Phần 1: Tổng quan về bệnh tự kỷ;
  • Phần 2: Chuẩn đoán và phân loại bệnh tự kỷ;
  • Phần 3: Giải mã để thấu hiểu trẻ tự kỷ;
  • Phần 4: Các quan niệm và kỹ thuật điều trị bệnh tự kỷ
  • Phần 5: Thực hành điều trị bệnh tự kỷ.

Trong đó, phần quan trọng và cũng là phần được mong đợi nhất chính là Phần 5 – Thực hành điều trị bệnh tự kỷ. Trong phần này, không chỉ có các kỹ thuật điều trị, kỹ thuật huấn luyện trẻ tự kỷ về khả năng chú ý, về ngôn ngữ, về động cơ phát triển… mà những người thực hiện cuốn sách còn đưa ra những thông tin và hướng dẫn về người điều trị trực tiếp cho trẻ là cha mẹ hay người chăm sóc, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tư vấn tâm lý, các thầy cô giáo… Bởi vì việc có một thái độ đúng đắn với trẻ tự kỷ bao giờ cũng là điều vô cùng quan trọng.

Nuôi dạy trẻ là một công việc vô cùng khó khăn, nuôi dạy trẻ tự kỷ lại càng khó khăn gấp bội và cần rất nhiều tình yêu thương, sự kiên nhẫn dành cho trẻ. Hy vọng, với Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ – được xem là cuốn cẩm nang đầu tiên dành cho các cha mẹ có con bị tự kỷ cũng như tất cả những ai quan tâm đến căn bệnh này, sẽ tìm thấy được những kiến thức bổ ích, để có thể điều trị kịp thời và góp phần nuôi dạy con em mình tốt hơn.

425 Bài Tập Ở Nhà Và Trường Mầm Non Cho Trẻ Tự Kỷ

425 Bài Tập Ở Nhà Và Trường Mầm Non Cho Trẻ Tự Kỷ

“425 bài tập ở nhà và trường mầm non cho trẻ tự kỷ” đã lựa chọn các nội dung của cuốn “chương trình Giáo dục mầm non” (Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành kèm theo thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT) để xây dựng thành các hoạt động phù hợp hơn cho trẻ Tự Kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức… giúp cha mẹ trẻ dễ dàng bám sát chương trình Giáo Dục mầm non để hỗ trợ trẻ theo kịp các bạn cùng độ tuổi; đồng thời giúp cho giáo viên mầm non dễ dàng hỗ trợ trẻ Tự kỷ học hòa nhập trong trường mầm non.

Tác phẩm bao gồm 425 bài tập để giáo viên và phụ huynh có thể dạy trẻ ở trường hoặc ở nhà. Với hơn 100 hình ảnh màu rất thiết thực và cụ thể nên có thể áp dụng dễ dàng.

Bạn tìm thấy gì trong “425 bài tập ở nhà và ở trường mầm non cho trẻ Tự kỷ“?

  • Là bộ bài tập tham khảo dành cho cha mẹ và giáo viên mầm non, giáo viên hỗ trợ.
  • Được đúc rút từ kết quả tư vấn, hỗ trợ cho cha mẹ dạy con ở nhà.
  • Bám sát với mục tiêu cuối độ tuổi của chương trình GDMN của Bộ GD và ĐT.
  • Các hoạt động học là các trò chơi gần gũi với trẻ.
  • Dễ dàng cho cha mẹ và GV thực hiện bởi sự chi tiết, rõ ràng, cụ thể…
  • Có thể thực hiện ở nhà và ở trường mầm non.
  • Chú trọng đến hình thành kỹ năng cho trẻ như: kỹ năng quan sát, chú ý, bắt chước…
  • Các Hoạt động được sắp xếp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, theo quy trình: Chú trọng phát triển kỹ năng- Phát triển kỹ năng nghe hiểu- Tăng cường khả năng nhận thức- Phát âm- Phát triển ngôn ngữ: câu đơn, ghép, câu hỏi, diễn tả… ứng dụng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cho trẻ.
  • Có thể áp dụng và xây dựng chương trình can thiệp, hỗ trợ cho bất cứ trẻ nào ở độ tuổi Mầm non.

“Dù con bạn như thế nào, thì việc xây dựng và thực hiện chương trình can thiệp hỗ trợ cho con ở nhà mới thực sự đem lại hiệu quả. Bởi nó giúp bạn nhìn thấy sự phát triển của con, giúp bạn có nhiều cơ hội chơi cùng con, và hơn nữa nó giúp bạn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc… bởi con đường hành trình cùng con còn dài…..”

10 Điều Trẻ Tự Kỷ Mong Muốn Bạn Biết

10 Điều Trẻ Tự Kỷ Mong Muốn Bạn Biết

Cuốn “10 điều trẻ tự kỷ mong muốn bạn biết” đã tự xúc tiến cho sự ra đời của chính nó; chính xác thì tại sao nó lại gây được tiếng vang lớn như vậy? Vì cuốn sách này cất lên tiếng nói của một đứa trẻ, tiếng nói thường không được lắng nghe trong sự náo động ngày càng tăng về chứng tự kỷ. Những cuộc đối thoại liên tục, thường khá ồn ào đó có hiệu quả và đáng hoan nghênh. Nhưng còn điều gì mỉa mai hơn khi các đối tượng họ thảo luận về được biết đến là không có khả năng diễn đạt và biện hộ cho bản thân?

Thái độ của cá nhân và tập thể về chứng tự kỷ được hình thành dưới sự ảnh hưởng của thứ ngôn ngữ mà chúng ta chọn để định nghĩa nó. Những nhận xét và ý kiến gây hấn và khiêu khích, cho dù cố ý hay vô tâm, chiếm lấy sự chú ý của chúng tôi. Chúng ta có thể đáp lại chúng, chúng ta có thể tuyệt vọng vì chúng. Nhưng có thể chính những sắc thái tinh tế của thứ ngôn ngữ chúng ta sử dụng đã cản trở sự phát triển của những quan điểm lành mạnh về chứng tự kỷ của trẻ. Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ được yêu cầu phải suy ngẫm về cách ngôn ngữ của chứng tự kỷ định hình quan điểm của bạn. Nó sẽ giúp bạn nhìn nhận chứng tự kỷ từ một góc độ mà có thể bạn chưa từng xem xét. Ngoài ra, còn một vài điều bạn sẽ không nhìn thấy.

Bạn sẽ không thấy chứng tự kỷ được nhắc đến như một khuyết tật hay một căn bệnh, trừ khi tôi trích dẫn những người khác hoặc từ các nguồn.

Bạn sẽ không thấy từ “rối loạn”, trừ khi nó là một phần của tên gọi, như trong chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).

Tôi không còn sử dụng thuật ngữ “thần kinh phát triển bình thường” để mô tả những người không mắc chứng tự kỷ.

Bạn sẽ không thấy từ “tự kỷ” viết hoa trong cuốn sách này trừ khi nó ở đầu câu hoặc một phần của tên hoặc tiêu đề. Chúng ta không viết hoa những từ như ung thư vú, tiểu đường, tăng nhãn áp, chán ăn, trầm cảm, hay các tình trạng khác khi nó không bao gồm tên của ai đó, như chứng Asperger. Viết hoa từ “tự kỷ” đã tạo ra một tuyên bố trực quan và gán cho nó những quyền hạn và sức mạnh nó không xứng đáng có được.

Ba Ơi Mình Đi Đâu

Ba Ơi Mình Đi Đâu

“Ba ơi mình đi đâu?” đã mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… Nhưng lối dẫn dắt của Jean-Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, lại khiến ta phải cười, phải khóc, phải suy ngẫm và khi gấp sách cũng chính là lúc ta thôi bi lụy. Bởi chính ông, người cha có tới “hai ngày tận thế”, bằng cuốn sách mỏng nhưng lay động tâm can này, đã thắp lên niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.

“Một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tủy.” Tác giả của nó đã muốn như thế khi lần đầu tiên đối diện nỗi đau tật nguyền của các con trai bằng văn chương. Sự dung dị, cảm động và độc đáo tràn đầy ở đó đã khiến “Ba ơi, mình đi đâu?” trở thành một kiệt tác nhỏ, đoạt giải Fémina, là tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008.

Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ Với The Son – Rise Program

Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ Với The Son – Rise Program

Khi còn là một cậu bé, Raun Kaufman được chẩn đoán bởi các chuyên gia rằng cậu mắc hội chứng tự kỷ nặng, với chỉ số IQ thấp dưới 30, và đây là một tình trạng sẽ theo cậu suốt đời, không có gì thay đổi. Nhiều năm sau đó, Raun tốt nghiệp với tấm bằng Đạo Đức Y Sinh của đại học Brown và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ, một nhà giáo dục với niềm đam mê và ăn nói lưu loát. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Một lời cảm ơn dành cho chương trình The Son-Rise Program , một phương pháp đột phá được tạo ra bởi chính phụ huynh của Raun, đã giúp ông hồi phục từ chính chứng tự kỷ của mình. ( Câu chuyện của Raun được thuật lại chi tiết trong quyển Son Rise: Tiếp

Nối Điều Kì Diệu một quyển sách bán chạy và nhận được giải thưởng của kênh truyền hình NBC dành cho bộ phim truyền hình Son Rise: Điều Kì Diệu Của Tình Yêu Thương). Trong Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ, Raun trình bày những nguyên tắc mang tính đột phá đằng sau chương trình đã giúp cho ông và hàng ngàn các gia đình của những trẻ em đặc biệt trên thế giới. Tự kỷ, theo như Raun giải thích, là thường xuyên bị hiểu lầm như một dạng rối loạn hành vi, trong khi trên thực tế nó là một rối loạn về quan hệ xã hội. Raun giải thích được tự kỷ từ bên trong sẽ cảm thấy như thế nào và ông cho thấy lí do và cách thức mà chương The Son-Rise Program hoạt động.

Từng bước hướng dẫn rõ ràng cùng những chiến lược thực hành giúp cho người đọc có thể áp dụng ngay – trong một số trường hợp, phụ huynh có thể thấy được những thay đổi của con họ từng chút một mỗi ngày – Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ cho phép những trẻ em đặc biệt này thách thức và vượt qua những tiên đoán ban đầu, mà cũng thường là rất hạn chế về khả năng của mình. Các bậc phụ huynh cũng như các giáo viên sẽ biết được cách làm thế nào giúp cho trẻ có được những mối quan hệ thực sự có ý nghĩa, mở rộng không giới hạn khả năng giao tiếp của trẻ và tham gia vào cuộc sống xã hội một cách thành công nhất.

Một hành trình quan trọng của niềm hy vọng, khoa học, và sự phát triển, Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ cho thấy những ý tưởng mạnh mẽ và những vận dụng trong việc thực hành đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng ngàn các gia đình trên toàn thế giới.

Nuôi Dạy Trẻ Có Rối Loạn Phổ Tự Kỷ Trong Môi Trường Gia Đình

Nuôi Dạy Trẻ Có Rối Loạn Phổ Tự Kỷ Trong Môi Trường Gia Đình

Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình được tập thể các các tác giả Việt Nam biên soạn nhằm cung cấp cho bố mẹ, ông bà của trẻ tự kỷ những kiến thức cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ tại nhà.

Xuất thân là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân y khoa, chuyên gia tâm lý, chuyên viên trị liệu âm nhạc, chuyên viên trị liệu ngữ âm, thiền và yoga, chuyên viên giáo dục đặc biệt… các tác giả đã có một quá trình dày công nghiên cứu và thực hành trị liệu, can thiệp với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nên họ thực sự thấu hiểu những khó khăn mà những bậc cha mẹ hay người chăm sóc trẻ thường gặp phải, đồng thời họ cũng phần nào “đọc” được những đứa trẻ đặc biệt thật sự muốn gì, cần gì…

Bởi vậy, đây chắc chắn sẽ là cuốn “cẩm nang” bổ ích cho nhiều gia đình nhất là các gia đình ở các vùng nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với internet, những vùng chưa có các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Cuốn sách cũng là một tài liệu hữu ích cho các cán bộ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button