List sách

14 sách hay về thiền định nên đọc

14 sách hay về thiền định. Khuyên đọc quyển Thiền Định Thiết Thực, Thiền Tập Cho Người Bận Rộn và Khoa Học Thiền Định.

Thiền Tập Cho Người Bận Rộn

Thiền Tập Cho Người Bận Rộn

Bạn có rất nhiều việc cần làm và bạn rất thích làm những việc ấy. Làm việc đem lại cho bạn nhiều hứng thú và niềm vui, nhưng làm việc nhiều quá, lo toan nhiều quá thì rất mệt. Bạn muốn thực tập thiền quán để được thảnh thơi hơn, để có thêm sự an lạc và niềm vui sống hàng ngày. Thế nhưng bạn không có thì giờ mỗi ngày để dành cho thiền tập. Vậy phải làm sao đây? Cuốn sách này sẽ đem đến giải pháp cho bạn.

Yoga & Thiền Định

Yoga & Thiền Định

Hệ thống Yoga cổ điển được Patãnjali, tác giả của bộ Du – già kinh (Yoga Sutra), định nghĩa như sau: Yogash chitta vritti nirodhah – Yoga là sự chế ngự (nirodha) những xao động của tâm thức (chitta vritti).

Yoga được hệ thống hóa thành tám cấp bậc, trong đó việc luyện tập các tư thế yoga (asana) là cấp bậc thứ ba. Luyện tập thành thục các tư thế yoga sẽ giúp cơ thể và tâm trí vững vàng không lay chuyển trước những tác động ngoại cảnh. Một khi đã đạt được tư thế yoga hoàn hảo, việc điều hoà hơi thở sẽ giúp khơi thông nguồn sinh lực (prana).

Raja – Yoga là những bài tập luyện về Yoga tâm thức theo Yoga Sutra của Patãnjali. Người tu tập phải rèn luyện ý chí, cảm xúc và tư tưởng. Thông qua sự hồi hướng các giác quan, người tu tập sẽ phát triển một khả năng làm chủ tâm thức. Sự chấp nhận hay không chấp nhận việc kiểm soát các giác quan là một đường ranh quan trọng của người tu tập yoga để từ đó đạt tới các cấp bậc cao nhất là thiền (dhyana) và định (samadhi), tâm thức sẽ tiến tới sự hợp nhất với cõi vô cùng.

Thiền Định Thiết Thực

Thiền Định Thiết Thực

Người ta thường cho rằng thiền định là điều gì đó chỉ dành cho những người có nhiều thời gian, hay những người có cuộc sống “tách biệt, xa rời” khỏi “thế giới thực tại”. Sự thật không phải như vậy.

Quyển sách này giới thiệu cơ bản về kỹ thuật thiền Raja Yoga – Thiền mở mắt – một phương pháp thực hành thiết thực, thích hợp cho những ai đang sống với bộn bề trách nhiệm, mối quan hệ, công việc và những thử thách hàng ngày.

Khoa Học Thiền Định

Khoa Học Thiền Định

Ngày nay, thiền đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp đời sống của con người hạnh phúc, mạnh khoẻ hơn. Không như nhiều người nghĩ, thiền không nhất định mang ý nghĩa tôn giáo. Mà đúng hơn, thiền là một phần tri nghiệm tự nhiên của con người chúng ta, và nó có thể được dùng làm phương thuốc trị liệu để gia tăng sức khỏe cũng như nâng cao hệ miễn dịch trong con người chúng ta.

Minh sư Patriji, người sáng lập Phong trào thiền Kim Tự Tháp đã đến khắp mọi miền đất nước Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để chia sẻ những thông điệp về Thiền Anapanasati, chủ nghĩa Ăn thực vật và Năng lượng Kim Tự Tháp.

Trong khuôn khổ của tập sách nhỏ này, Minh sư cho chúng ta kiến thức về những lợi ích của thiền định và phương pháp thực hành thiền Anapanasati do chính ông truyền thụ. Phương pháp thực hành thiền này rất đơn giản vì không yêu cầu người thực hành phải ngồi ở tư thế hoa sen hay bán hoa sen, chỉ cần đan tay, nhắm mắt, tập trung sự chú ý vào hơi thở và để mặc tâm trí… Việc sử dụng năng lượng Kim Tự Tháp hoặc âm thanh tiếng sáo thiền của Minh sư Patriji cũng được khuyến khích để hỗ trợ thiền định trong phương pháp này.

Thiền Định Và Mantra

Thiền Định Và Mantra

Sách này được xuất bản để làm sáng tỏ những sự nhầm lẫn xung quanh đề tài thiền định. Những ai đang tìm những con đường tắt bí mật, những sự cách tân lãng mạn, những xu hướng mới, kích động và những sở thích kỳ cục trong lãnh vực phát triển bản thân có thể sẽ thất vọng. Những phương pháp được trình bày trong sách này có nguồn gốc từ bốn con đường cổ điển của Yoga. Những phương pháp này được trình bày đúng theo nguyên mẫu nhưng có cân nhắc đến cách suy nghĩ của người phương tây và truyền thống khoa học.

Thiền định là một truyền thống dành cho tất cả mọi người vốn có lịch sử nhiều ngàn năm trước khi có nền văn minh hiện đại ngày nay. Khoa học thiền định đã tồn tại không bị gián đoạn và đã được thử thách một cách nghiệt ngã khi nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó vẫn kiên gan giữ nguyên hình thức ban đầu của nó vì bản chất của Yoga là khoan dung, toàn khắp và giản dị. Trong khuôn khổ đơn giản của nó chứa những lời dạy chính và những phương pháp căn bản của tất cả những triết lý, những tôn giáo, và những con đường tu tập đã được biết trước đến nay.

Thiền Định Khai Sáng Tuệ Giác

Thiền Định Khai Sáng Tuệ Giác

Cuốn sách minh giải:

  • Bản tính cốt yếu của Thiền định.
  • Thiền định là khoa học, qua đó ta hiểu thấu, thấm đẫm trong tinh thần tự do, biến Thiền định thành bản năng

Sách còn cung ứng những bài tập thiền định đúng phong cách Osho, từ đó có thể:

  • Chủ động, năng động, tập sống trong thế giới của Thiền định.
  • Biến hơi thở thành cầu nối, mở rộng con tim.
  • Hóa thân thành Tâm điểm. Thiền định về Ánh sáng, về Bóng tối – Thinh lặng – Lắng nghe – Thăng hoa – Tái
  • Biết tháo tung rào cản với Thiền định.

Thanh Tịnh Tâm – Tu Tập Thiền Định

Thanh Tịnh Tâm – Tu Tập Thiền Định

Cuốn sách được viết bằng suy tư và tu tập từ rất lâu, hơn 20 năm nghiền ngẫm và sai lầm tập luyện. Gậm nhấm những thất bại cũng như nếm trải những thành công từng bước, thường hết sức khó khăn và chập chạp.

Cuốn sách mang nét thiền định, hay gọi là “Tịnh Dưỡng Thân Tâm”, phải giải quyết rất nhiều vấn đề của đời thường, của minh triết các trường phái tôn giáo, các trường phái tu tập thiền định và đem vào đời thường, làm thăng hoa cuộc sống vạn phần đau thương.

Thiền Định Về Tri Giác

Thiền Định Về Tri Giác

Ở những bài giảng thời kỳ đầu, Đức Phật đã nhấn mạnh vai trò của sự chuyển hóa tri giác trong việc tạo điều kiện để đạt đến Niết bàn. Trong truyền thống Therevada, bài giảng nổi tiếng nhất của Đức Phật về chuyển hóa tri giác là kinh Girimananda. Theo bối cảnh câu chuyện trong kinh văn, Đức Phật dạy về mười pháp quán tưởng vì lợi ích của một tỳ kheo đang bị bệnh tên là Girimananda, người được miêu tả là “thập tử nhất sinh”. Và qua kết luận của bài giảng, sau khi Girimananda học về mười pháp quán tưởng, ông thực sự đã khỏi bệnh.

Trong quyển sách “Thiền định về tri giác” này, Tôn giả Bhante Gunaratana đã đặt cho mình nhiệm vụ minh giải các quan điểm của Phật giáo về tri giác, cả trong vai trò tiêu cực của nó như một công cụ của ảo tưởng và đau khổ, lẫn trong vai trò tích cực như một sự hỗ trợ trên con đường giải thoát. Ông tập trung vào việc giảng kinh Girimananda bằng ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp, khai thác một đề tài hiếm khi được những bình luận truyền thống về kinh văn bàn tới: thiền định có thể mang lại sự chữa lành như thế nào.

Bhante Gunaratana làm sống dậy một kinh văn Phật giáo cổ xưa cho độc giả ngày nay, cho thấy những giáo lý của Đức Phật, dù đã qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, vẫn liên quan sâu xa đến chúng ta trong thời đại rối ren và bất định này.

Thiền Định Và Tâm Trí Diệu Kỳ

Thiền Định Và Tâm Trí Diệu Kỳ

Trong mỗi con người là một vị thầy, có rất nhiều người đã đánh thức vị thầy trong chính mình, và cũng rất rất nhiều vị thầy vẫn còn ngủ yên chờ bạn đánh thức chính mình và khi đó, chúng ta biết rằng chúng ta là những bậc sáng tạo ra hiện thực, ra số phận và sáng tạo vũ trụ này.

Cuốn sách nhỏ bạn đang cầm trên tay đã Chuyển Hóa cuộc đời tôi và hàng triệu người. Sự chuyển hóa diễn ra trong thầm lặng, không ồn ào, đầy kiên nhẫn, đầy nhẫn nại, đôi khi cũng rất đau đớn để rồi kết quả mở ra trong chính bạn là một con người không giới hạn và bạn tìm được câu trả lời hạnh phúc thật sự là gì và luôn thế nào để sống trong hạnh phúc…

Thiền: Nghệ Thuật Nhập Định

Thiền: Nghệ Thuật Nhập Định

Không-làm là Thiền, nhưng khi tôi nói không-làm là Thiền, tôi không có ý nói rằng bạn không cần phải làm bất cứ điều gì. Thậm chí để đạt được sự không-làm này, bạn phải làm rất nhiều. Nhưng sự “làm” này không phải là Thiền. Nó chỉ là một bước đệm, chỉ là một bục nhảy. Tất cả những cái “làm” chỉ là một bục nhảy, không phải là Thiền.

Chứng ngộ không có những cấp độ. Một khi nó xuất hiện thì nó có đó. Nó giống như cú nhảy vào đại dương cảm xúc. Bạn nhảy, bạn trở thành một với nó, giống như giọt nước rơi vào đại dương và trở thành một với đại dương. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã biết toàn bộ đại dương.

Khi lần đầu tiên Maulingaputta đến với Đức Phật, ông ấy đã hỏi nhiều câu hỏi. Đức Phật nói: “Ông đang hỏi để làm sáng tỏ các câu hỏi, hay ông đang hỏi chỉ để tìm những câu trả lời?”.

Maulingaputta nói: “Tôi đến để hỏi Thầy, và Thầy lại bắt đầu hỏi tôi! Hãy để tôi cân nhắc về chuyện đó, tôi phải suy nghĩ về nó”. Ông ấy đã nghĩ về chuyện đó và ngày thứ hai ông nói: “Thực ra tôi đến là để làm sáng tỏ chúng”.

Giải Thoát Thân Tâm – Thiền Định Thanh Lọc Tâm Trí

Giải Thoát Thân Tâm – Thiền Định Thanh Lọc Tâm Trí

Giải thoát thân tâm viết về tứ diệu đế, dựa trên lời dạy của Đức Phật để áp dụng vào cuộc sống hiện đại ngày nay:

  • Chúng sinh đều đau khổ
  • Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân
  • Ai cũng muốn thoát khỏi đau khổ
  • Luôn có cách để thoát khỏi đau khổ

Cuốn sách này giúp bạn chuyển hóa mọi nỗi đau khổ thành niềm an lạc. Đây là một hành trình gian nan nhưng không khó thực hiện, nếu bạn quyết tâm thanh lọc tâm trí khỏi những xáo trộn của đời sống, và khi đến đích, bạn sẽ thấy mãn nguyện vô cùng.

Thực Hành Thiền Định

Thực Hành Thiền Định

Nếu như học thiền là một con đường mà ngay cả các bậc cao minh nhất đã theo đuổi trong suốt cuộc đời của họ thì thực hành thiền trong cuộc sống hàng ngày sẽ làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về chính bản thân mình và thế giới. Đó là thông điệp mà cuốn sách Thực hành thiền định muốn gửi đến chúng ta. Cuốn sách vừa như vị thầy hướng dẫn tâm linh và triết học, vừa như người dắt dẫn cụ thể cho chúng ta cách thực hành thiền.

Mang trong mình hai nền văn hóa, bản thân lại có kinh nghiệm của người tu sĩ, hiểu biết những kinh sách thiêng liêng, được thường xuyên tiếp xúc với các vị thầy, Mathieu Ricard cho chúng ta thấy đặc tính chung của một môn phái thiền xây dựng trên nền tảng là tình thương yêu đồng loại, sự cảm thông và phát triển các phẩm chất của con người. Ông cũng hé lộ cho ta thấy những phúc lạc đương nhiên mà thiền có khả năng mang lại cho mỗi người trong một xã hội hiện tại vốn mang đậm tính cá nhân và vật chất, giúp chúng ta khám phá và vun trồng những khát vọng sâu xa nhất của bản thân.

Nghệ Thuật Và Kỹ Năng Thiền Định Phật Giáo

Nghệ Thuật Và Kỹ Năng Thiền Định Phật Giáo

“Một hướng dẫn vô cùng cởi mở và rõ ràng để đào sâu hiểu biết của chúng ta về quá trình thiền định. Một đóng góp quan trọng cho sự điều hướng hành trình nội tâm của chúng ta.”

Joseph Goldstein, tác giả của Mindfulness

“Richard Shankman thực hiện một công trình bậc thầy hướng dẫn về thiền định thông qua sự tác động lẫn nhau tự nhiên và mạnh mẽ của quán niệm, định tâm và minh sát.”

Tara Brach, tác giả của Radical Acceptance và True Refuge

“Một hướng dẫn tu tập tuyệt vời! “Nghệ thuật và kỹ năng thiền định Phật giáo” có giá trị với bất cứ ai, nhưng những người không thể dễ dàng tiếp cận một trung tâm thiền định hoặc cộng đồng hỗ trợ sẽ đặc biệt trân trọng cuốn sách Nghệ thuật và kỹ năng thiền định Phật giáo này.”

Sharon Salzberg, tác giả của Lovingkindness và Real Happiness

Thiền Định Với Cuộc Sống Hôm Nay

Thiền Định Với Cuộc Sống Hôm Nay

Năm mươi năm trước đây, xuất thân từ Tổ đình Tây Thiên ở Huế, cố Hòa thượng Thích Thiện Châu đã kinh qua Phật học đường Báo Quốc, Phật học viện Trung phần –Hải Đức, Nha Trang, và sau khi tốt nghiệp ra trường đucợ Giáo hội mời làm giảng sư Phật học tại các tỉnh miển Trung và miền Nam.

Năm 1961, Hòa thượng được học bổng của Chính phủ Ấn Độ, đi du học tại Nàlandà, và năm 1966 qua Anh quốc nghiên cứu Phật học tại Học Viện Đông phương và Phi châu (School of Oriental and African Studies) thuộc Đại học Luân Đôn.

Năm 1967, Hòa thượng sang Pháp theo lời mời của Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp để hoằng dương Phật pháp và tiếp tục nghiên cứu Phật học và văn học. tại Đại học Sorbonne, Paris, năm 1971 Hòa thượng tốt nghiệp Tiến sĩ triết học triết học Đệ tam cấp (Docteur 3 e cycle), với luận án : Le Traité des Trois Lois [tridharmaka Sastra], và Tiến sĩ Quốc gia về Văn học và Khoa học Nhân văn năm 1977 (Docteur d`etat ès Lettres et des Sciences Humaines) với luận án : la Littérature des Personalistes [Pudgalavàdin] dans le Bouddhisme Ancien.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Châu dù bận nhiều Phật sước ngoài, nhưng các Phật sự trong nước khi được Giáo hội giao phó, Hòa thượng không bao giờ từ nan, nhất là về mặt Văn hóa và Giáo dục. Hòa thượng đã đảm trách các chức vụ: Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt nam tại Huế, Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.

Tập “Thiền định với cuộc sống hôm nay” là tuyển tập các bài viết và thuyết giảng của Hòa thượng cho các Phật tử trong và ngoài nước, tất cả đều chuyên chở những kiến thức, tư duy, tình cảm, kinh nghiệm về cuộc sống, về học Phật, tu thiền được trình bày một cách trong sáng nhẹ nhàng, thanh thoát và đơn giản mà vẫn hàm súc trí tuệ, niềm tin và lòng yêu đạo, yêu đời một cách thắm thiết.

Một phụ lục được in kèm theo tập sách này gồm một số bài tưởng niệm nhân lễ tang Hòa thượng, gợi lại đôi chút ấm lòng kính tiếc vô bờ của Tăng Ni Phật tử và của chúng tôi nhân kỷ niệm 7 năm ngày viên tịch của Cố Hòa thượng.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button