List sách

14 sách hay về nước Nga nên đọc

14 sách hay về nước Nga. Khuyên đọc quyển Pyotr Đại Đế – Người Con Vĩ Đại Của Nước Nga, Quần đảo Gulag và Putin Từ Trung Tá KGB Đến Tổng Thống Liên Bang Nga.

Quần đảo Gulag

Quần đảo Gulag

Cuốn sách viết về hệ thống ngục tù Gulag của Liên Xô, khắc nghiệt và kinh khủng. Đây là lần đầu tiên cả thế giới biết được sự thật của hệ thống cải tạo lao động bắt buộc này của Liên Xô, hệ thống chuyên dành cho những người bất đồng chính kiến.

Sau năm 1989, cuốn sách được xuất bản rộng rãi ở Nga, và hiện tại được đưa vào danh sách bắt buộc phải đọc của học sinh Trung học Nga.

Pyotr Đại Đế – Người Con Vĩ Đại Của Nước Nga

Pyotr Đại Đế – Người Con Vĩ Đại Của Nước Nga

Quyển sách này trình bày cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử ngoại hạng: Pyotr I Đại đế (1672-1725), là Pyotr của nước Nga cũ và sau đấy là Hoàng đế của Đế quốc Nga.

Là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và gần đây được nhân dân Nga bình chọn là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại, ông đã đạt thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước ông. Ông đã đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu dường như hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước Châu Âu còn lại phải nể vì.

Putin Từ Trung Tá KGB Đến Tổng Thống Liên Bang Nga

Putin Từ Trung Tá KGB Đến Tổng Thống Liên Bang Nga

Từ khi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, nhiều người trên thế giới, trong đó có cán bộ và nhân dân rất quan tâm đến tình hình ở các nước này, kể cả tình hình kinh tế – xã hội, tổ chức bộ máy Nhà nước và các nhân vật lãnh đạo mới ở các quốc gia nói trên. Đó là nhu cầu được nắm bắt thông tin chính đáng của đông đảo bạn đọc.

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, các cơ quan báo chí, xuất bản nước ta đã đăng nhiều bài báo, xuất bản nhiều cuốn sách mà hầu hết là dịch từ tiếng nước ngoài về đề tài nói trên.

Cuốn Putin – Từ Trung Tá KGB Đến Tổng Thống Liên Bang Nga là một tài liệu tham khảo giúp độc giả nghiên cứu và tìm hiểu về nước Nga cũng như Tổng thống Putin.

Anh Em Nhà Karamazov

Anh Em Nhà Karamazov

Anh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của nước Nga nửa sau thế kỷ 19 qua sự tan rã và những bi kịch trong nhà Karamazov, cùng với đó là cuộc “tìm kiếm ý nghĩa tồn tại” ở những con người thuộc các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô lượng, và những con đường có thể giúp đưa tới hòa đồng xã hội.

Với phần đông mọi người, đọc Dostoevsky chính là diễu qua lịch sử ngắn gọn những bi kịch chung nhất của nhân loại, là leo lên những đỉnh cao tư tưởng, và đôi khi, thâm nhập vào những vỉa tầng sâu nhất trong nội tâm con người mà trước ông, không mấy khi có ánh sáng rọi đến chốn ấy. Bởi thế, dù đó là chuyến phiêu lưu tâm trí của tuổi trẻ hay phút chiêm nghiệm khi đọc sách và nhìn lại đoạn đời dày dặn đã qua, thiết nghĩ cuốn sách này sẽ đem lại cho chúng ta ít nhiều dư vị nào đó.

Lược Sử Triết Học Nga (Sách chuyên khảo)

Lược Sử Triết Học Nga (Sách chuyên khảo)

Nội dung cuốn sách gồm 5 chương, phân tích khái quát và hệ thống hóa những nội dung cơ bản của giai đoạn hình thành triết học Nga từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII; sự phát triển của lịch sử triết học Nga trong thế kỷ XVIII – XIX, thế kỷ XX; sự hình thành và phát triển của triết học Xô viết và nhận diện các khuynh hướng nghiên cứu triết học của nước Nga giai đoạn hậu Xô viết hiện nay

  • Chương 1: Triết học Nga từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XVIII
  • Chương 2: Triết học Nga nửa đầu thế kỷ XIX
  • Chương 3: Triết học Nga từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
  • Chương 4: Sự hình thành và phát triển của triết học Xô viết từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX
  • Chương V: Nghiên cứu triết học ở nước Nga hậu Xô viết từ cuối thế kỷ XX đến nay.

Sông Đông Êm Đềm

Sông Đông Êm Đềm

Sông Đông êm đềm là bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov. Với tác phẩm này, Sholokhov đã được tặng Giải Nobel văn học năm 1965.

Sông Đông êm đềm miêu tả một giai đoạn lịch sử mười năm từ 1912 đến 1922 trong phạm vi địa lý rộng lớn: mặt trận miền Tây nước Nga trong Thế chiến thứ nhất, Ukraina, Ba Lan, România cho đến Sankt-Peterburg, Moskva nhưng chủ yếu diễn ra ở hai bờ sông Đông và tập trung vào một làng Cossack ven sông.

Trong phần đầu của tiểu thuyết, Sholokhov đã quay lại quá khứ của gia đình Melekhov từ thời người ông nội với cô vợ người Thổ Nhĩ Kì bị người dân Cossack xa lánh và dị nghị do lối sống kì lạ. Gregori Melekhov là con thứ hai trong một gia đình ông nội là người Cossack, bà nội là người Thổ Nhĩ Kỳ. Gregori đem lòng yêu Aksinia, vợ một người hàng xóm và nhằm ngăn cản mối quan hệ này, gia đình Melekhov cưới Natalia cho chàng. Để được tiếp tục sống bên nhau, Gregori và Aksinia cùng bỏ nhà đi làm thuê. Tủi nhục, phẫn uất, Natalia đã quyên sinh nhưng không chết.

Gregori phải đi lính khi đến tuổi và cùng với những chàng trai Cossack khác, trong đó có người anh Pyotr nhập ngũ trước đó chiến đấu chống lại quân Áo, Đức trong những năm đầu của Thế chiến thứ nhất. Tham gia chiến tranh, do cứu sống một Trung tá bị thương, chàng được tặng Huân chương thánh Gorge đồng thời cảm nhận thấy tính chất tàn bạo, vô nghĩa của chiến tranh và luôn day dứt về điều đó.

Ở quê nhà, Aksinia sống trong cơ cực, cô đơn, tuyệt vọng, đứa con đầu lòng cũng không sống nổi vì bệnh tật, nàng đã chấp nhận quan hệ với Evgeni, con trai của chủ nhà. Bị thương và về phép, biết được chuyện của Aksinia, Gregori quay trở về sống với Natalia và sau khi chàng trở lại quân ngũ ít lâu thì Natalia sinh đôi một trai, một gái.

Cách mạng tháng Mười nổ ra, trong những ngày hỗn loạn ấy, Gregori bị xô đẩy hết từ “bên Đỏ” rồi lại sang “bên Trắng”. Mặc dù chán ghét và không ý thức được mình chém giết để làm gì nhưng vó ngựa Cossack của Gregori vẫn phiêu bạt khắp các chiến trường, lao vào những trận đánh đẫm máu.

Bất chấp những gì đã xảy ra, Gregori và Aksinia vẫn yêu nhau và họ đã nối lại quan hệ. Tuyệt vọng, Natalia nhờ một bà lang băm bỏ đi giọt máu của mình và Gregori mà nàng đang mang trong người rồi chết do mất máu, trước khi chết Natalia đã tha thứ cho Gregori.

Không lâu sau, con gái của Gregori và Natalia cũng chết do bệnh tật. Sau khi giải ngũ về quê, đã chán ghét cảnh chém giết trên chiến trường chàng chỉ mong có một cuộc sống bình yên cùng Aksinia. Bất chấp điều đó và mặc dù giữa em gái Gregori với Miska Kosevoi, một người bạn của chàng đã trở thành đại diện cho chính quyền Xô viết trong vùng yêu nhau tha thiết, chàng luôn sống trong sự đe dọa phải trả giá cho những gì đã gây ra khi chống lại chính quyền mới. Lo sợ trước nguy cơ bị bắt giam và xét xử, Gregori bỏ trốn theo quân thổ phỉ của Fomin.

Chính quyền Xô viết ngày càng được củng cố và toán phỉ của Fomin không còn đất dung thân, Gregori đem Aksinia bỏ trốn đi một nơi xa mong có được cuộc sống yên ổn nhưng trên đường trốn chạy bị phát hiện, truy đuổi, Aksinia trúng đạn chết trên tay Gregori. Cùng trong lúc này, Gregori đã đem tất cả vũ khí thả xuống sông Đông như một hành động giã từ vũ khí. Trở về vùng sông Đông, anh gặp lại con trai. Anh được biết bố mẹ đã mất, anh trai (lính bảo hoàng) bị em rể (hồng quân) giết. Tất cả những gì còn lại của Gregori trên đời là đứa con trai duy nhất. Hình ảnh cuối cùng của bộ tiểu thuyết là cảnh Gregori bồng đứa con về nhà.

Đời Tôi – Hồi Tưởng & Suy Ngẫm

Đời Tôi – Hồi Tưởng & Suy Ngẫm I

Có hai nhân vật giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nên diện mạo nước Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như hiện nay là Gorbachev và Boris Yeltsin. Mikhail Sergeevich Gorbachev sinh ngày 2/3/1931. Ông là nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết từ năm 1985 tới năm 1991. Những nỗ lực thực hiện cải cách của ông đã góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng làm quyền uy tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô kết thúc và làm tan rã Liên bang Xô viết. Nhưng ông cũng lại được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1990.

Cuốn sách này có thể được xem như lời tường thuật của Gorbachev về cuộc đời đầy biến động của ông. Đó là những năm tháng trai trẻ, những kỷ niệm cá nhân với người vợ thân yêu Raisa, những hành trình gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước cùng bao khó khăn vấp váp gặp phải.

Thời thơ ấu của ông gắn liền với làng quê Stavropol, với nạn đói, với những năm tháng chiến tranh ác liệt. Rồi sau đó là tuổi trẻ dưới mái trường đại học, nơi ông gặp người vợ Raisa. Thông qua các trang viết, ông cũng cung cấp rất nhiều thông tin để độc giả hiểu thêm về văn hóa, sắc tộc, lịch sử, địa lý của nước Nga và các vùng lân cận.

Trên con đường chính trị, nhất là ở cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô, ông cũng thể hiện mình là một nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới, với nhiều suy tư trăn trở về con đường cải cách và phát triển đất nước, cũng như nhiều vấn đề vĩ mô của thế giới. Dù chỉ là những nhận định chủ quan, nhưng thông điệp của ông không khỏi khiến độc giả phải suy ngẫm.

Văn Học Nga Hiện Đại – Những Vấn Đề Lý Thuyết Và Lịch Sử

Văn Học Nga Hiện Đại – Những Vấn Đề Lý Thuyết Và Lịch Sử

“Có lẽ không có nền văn học nước ngoài nào mà kinh nghiệm hiện đại của nó lại gần gũi đối với Việt Nam như văn học Nga. Khảo sát những vấn đề của Văn học Nga hiện đại cũng là để góp phần nhìn lại những vấn đề và những giá trị của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX”

Văn học Nga hiện đại được sử dụng trong cuốn sách này chủ yếu là văn học Nga thế kỷ XX, với mốc khởi đầu có thể có sự xê xích về thời gian ra trước hoặc sau mốc 1900 trên dưới một thập kỷ, nhưng đều được đánh dấu bởi: (1) về phương diện lịch sử xã hội là những biến cố cách mạng, với đỉnh điểm là Cách mạng vô sản Tháng Mười năm 1917; (2) về phương diện văn họclà sự thay thế chủ nghĩa hiện thực truyền thống bằng các trào lưu văn học mới có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống văn học của cả thế kỷ XX.

Văn học hiện đại là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử văn học Nga, là giai đoạn phát triển trong điều kiện dân tộc Nga và các dân tộc anh em trong đế quốc Nga cũng như trong Liên bang Xô viết sau đó trải qua những biến động, những thử thách lớn lao. Đất nước trở thành một cường quốc trên thế giới, một cộng đồng đa dân tộc liên hiệp thống nhất, rồi lại khủng hoảng, tan rã, ly khai.

Nhiều hiện tượng văn học Nga hiện đại đã trở thành “vấn đề”: tạo thành trào lưu, có những tác động to lớn trên quy mô dân tộc và quốc tế, gây ra những tranh luận trong việc xác định, đánh giá. Ở sách này, chúng tôi khảo sát chủ yếu ba vấn đề chính, gắn với những thời đại phát triển của lịch sử văn học Nga thế kỷ XX.

Chương thứ nhất, đó là vấn đề chủ nghĩa hiện đại trong văn học Nga hiện đại. Đây là mảng văn học từng được xem là thành tựu của một thời đại phục hưng văn hóa, “thời đại Bạc” của văn học Nga, nhưng cũng đồng thời bị coi là sản phẩm của văn hóa tư sản, là thứ văn chương suy đồi. Chủ nghĩa hiện đại của Nga cũng được coi là không có được sự phát triển đến cùng như ở phương Tây, do sự xuất hiện của nền văn học chuyên chính vô sản đã thay thế các xu hướng hiện đại chủ nghĩa. Tuy nhiên, từ cái nhìn khác, chủ nghĩa hiện đại Nga về bản chất cũng là con đẻ của thời đại cách mạng vô sản, và các nhà hiện đại chủ nghĩa, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ tiền phong (avant-gardist) lại cũng chính là những người khởi đầu nên một nền văn học mới – văn học Xô viết xã hội chủ nghĩa.

Chương thứ hai đề cập đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là trào lưu văn học chủ đạo của gần hai phần ba thế kỷ XX. Đã diễn ra những cuộc tranh luận lớn về nó trong các thập niên 1920 – 1930, 1950 – 1960 và cuối thập niên 1980. Vấn đề nguồn gốc và các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, những đặc trưng của nó cũng như mối quan hệ của nó đối với các trào lưu văn học khác, đặc biệt là với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX ở một số đề tài tiêu biểu như văn học chiến tranh, văn xuôi làng quê.

Chương thứ ba đề cập vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại – hiện tượng rộ lên từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, trong bối cảnh “điều kiện hậu hiện đại” của Liên Xô và sau đó là của Nga, với những tương đồng và dị biệt với hậu hiện đại phương Tây. Những vấn đề nguồn gốc ngoại lai và nội sinh của nó, những đại diện tiêu biểu (trong đó chú ý đến hiện tượng văn học nữ), cũng như vị thế của nó trong đời sống văn học đương đại.

Phần phụ lục ở cuối, gồm một số bài viết, hoặc trích dẫn các bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình thế kỷ XX về các xu hướng văn học hiện đại Nga có thể cung cấp thông tin bổ sung cần thiết cho những vấn đề được bàn tới trong các chương của sách.

Một Vòng Quanh Các Nước: Nga

Một Vòng Quanh Các Nước: Nga

Sách giúp bạn tìm hiểu các vấn đề về lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa- xã hội, du lịch, giáo dục, du học về đất nước Nga rộng lớn.

Bác Sĩ Zhivago

Bác Sĩ Zhivago

Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956, nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối, các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.

Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.

Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.

Bác sĩ Zhivago là một câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đầy đau khổ giữa bác sĩ Yury Zhivago và người y tá Lara Guishar.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Yuri được một gia đình người Anh nuôi dưỡng và trở thành bác sĩ, anh cưới Tonya – con gái của người đã cưu mang anh. Trong khi đó, Lara sống thời niên thiếu với mẹ, cô gặp phải một sự cố với gã quý tộc thô cằn – Komarovsky khi mới 17 tuổi. Sau này, cô kết hôn với Pasha và có một cô con gái.

Nhưng khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Yuri tòng quân với tư cách bác sĩ quân y. Pasha – chồng của Lara cũng nhập ngũ và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Yuri gặp Lara lần đầu tiên khi anh vào thăm vợ tại trạm quân y nơi Lara làm việc. Một tình yêu ngang trái đã âm thầm này nở nhưng cả hai đều đã tự ngăn cản trái tim mình..

Nước Nga Và Thế Giới Trong Kỷ Nguyên Putin

Nước Nga Và Thế Giới Trong Kỷ Nguyên Putin

Tổng thống V. Putin – biểu tượng sống, một “hiện tượng” chưa từng có trong lịch sử nước Nga từ “đống hoang tàn” sau những năm cải tổ và cải cách trong thập niên 1990 – đã trúng cử nhiệm kỳ thứ tư để tiếp tục viết thêm những trang sử chói lọi cho nước Nga. Mười tám năm (2000-2018) trên chính trường, V.

Putin được đông đảo công chúng nước Nga ủng hộ cũng như mong muốn ông tiếp tục dẫn dắt nước Nga cùng với thế giới phát triển thịnh vượng trên tất cả các mặt. Kết quả cuộc bầu cử ngày 18-3-2018 với tỷ lệ số phiếu ủng hộ áp đảo của các cử tri dành cho ông (gần 80%) đã chứng tỏ điều đó.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Nước Nga và thế giới trong kỷ nguyên Putin của Đại tá Lê Thế Mẫu – chuyên gia cao cấp nghiên cứu chiến lược và phân tích chính trị – quân sự quốc tế.

Kiếm Sống – Macxim Gorki

Kiếm Sống – Macxim Gorki

Là một trong ba tác phẩm với nội dung xoanh quanh cuộc sống của cậu bé Aliôsa Pêskôp (tức Gorki), tự lập khi bố mẹ đã qua đời, sống với ông bà ngoại. Người ông nghiêm khắc đã kiếm đủ việc cho cậu bé làm để có kinh nghiệm và thu nhập lo cho cuộc sống.

“Kiếm sống” đã kết thúc bằng những suy nghĩ già dặn của cậu thiếu niên Aliôsa mười sáu tuổi, qua những năm lăn lộn với sóng gió của cuộc đời:

“Tôi nghĩ bụng:

– Ta phải làm được một việc gì chứ, nếu không thì ta sẽ sống vô ích…

Vào những ngày thu ảm đạm, khi mà không những không nhìn thấy, không cảm thấy, mà còn quên cả mặt trời, và những ngày thu như vậy, tôi thường bị lạc vào rừng, tôi bị chệch đường chẳng tìm được một hẻm nào; cuối cùng sau khi tìm kiếm đến mệt bã cả người, tôi cắn răng lại và cứ đi thẳng xuyên qua khu rừng rậm, trên những cành cây mục nát, trên những mô đất tròng trành của vũng lầy. Cuối cùng, bao giờ tối cũng tim ra được đường đi. Tôi quyết định cũng sẽ làm như vậy…”

Giammilia – Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên

Giammilia – Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên

Giamilia – Truyện núi đồi và thảo nguyên, tác phẩm của nhà văn Tsinghiz Aitơmatốp, giải thưởng văn học Lê-nin năm 1963. Giamilia – Truyện núi đồi và thảo nguyên là những câu chuyện về con người, núi đồi thảo nguyên của đất nước Kyrgystan. Những con người nơi làng mạc mộc mạc, giản dị, tâm hồn, tình cảm trong sáng, những mối tình xúc động tâm can quyện với những núi đồi thảo nguyên bát ngát vẽ nên những bức tranh tổng hòa đặc sắc, bức tranh của tâm hồn.

Giamilia gồm tiểu thuyết: Giamilia, Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên. Aitơmatốp với giọng văn mượt mà, những trang viết đẹp như thơ đã lồng ghép những người nông dân chân chất, những núi đồi, thảo nguyên thành những câu truyện giàu càm xúc và có sức thu hút đến cùng cực đối với người đọc.

Truyện Giamilia, một bức tranh tràn đầy cảm xúc của tình yêu đích thực và sự tự do. Giamilia – cô con dâu của một gia đình bề thế trong làng thì hoàn toàn khác biệt. Giamilia có tâm hồn mơ mộng, và sâu thẳm trong tâm hồn đó là khát vọng một tình yêu đích thực, yêu và được yêu. Đaniyar, đằng sau một anh thương binh lầm lì, lẻ loi, ít nói, kín đáo là một tâm hồn đang yêu say đắm, yêu đất nước, yêu cuộc sống. Và chỉ khi anh cất cao tiếng hát, tất cả những tình yêu đó mới được bộc lộ. Họ đến với nhau vì sự đồng điệu của hai tâm hồn, vì sự tự do của tình yêu, bỏ qua tất cả chuẩn mực, lề lối của làng, ràng buộc của thân phận.

Truyện Cây phong non trùm khăn đỏ là một câu chuyện cảm động về mối tình kết thúc thấm đẫm nước mắt. Ilyax một người lái xe quân đội tình cờ gặp Axen một cô gái sắp lấy chồng theo sự sắp đặt của gia tộc. Cả hai đã cùng đến với nhau với tình yêu đích thực và hạnh phúc. Thế nhưng trải qua nhiều biến cố, họ đã mất nhau, hay Ilyax đã tự đánh mất đi hạnh phúc của mình. Hạnh phúc chỉ đến cho những ai biết nắm bắt và giữ gìn và chỉ có những ai trải qua đau khổ, mất mác tột bật mới càng trân trọng, quý giá hạnh phúc của mình.

Người thầy đầu tiên là câu chuyện gần như là quen thuộc nhất với bạn đọc, vì nó từng xuất hiện trong sách giáo khoa của học sinh. Hai nhân vật chính còn quá trẻ, họ quá trong sáng, tâm hồn cao đẹp, câu chuyện về tình thầy trò, anh em, và cả tình yêu thật nhẹ nhàng đi qua thật thiêng liêng, thanh cao, trong sáng. Đó là Đuysen một người lính trẻ hồng quân về làng Kurkureu nghèo khổ, lạc hậu để mở trường dạy học, hết mình vì bọn trẻ. Antunai là cô bé mồ côi cha mẹ, ở với dì dượng tàn bạo và độc ác, nhưng Antunai vẫn giữ nguyên giá trị cao đẹp của mình, thông minh, trong sáng, nhân hậu. Trước khi đưa được Antunai ra tỉnh học và sau này cô bé trở thành viện sĩ, tiến sĩ triết học; Đuysen và học trò đã trải qua những biến cố, sóng gió, những đấu tranh chống lại cái ác, sự tàn bạo, ích kỷ của những người cùng làng. Chính tay Đuysen đã mang Antunai ra ánh sáng của kiến thức.

Stalingrad – Trận Chiến Định Mệnh

Stalingrad – Trận Chiến Định Mệnh

Cuộc chiến Stalingrad là một tấm bản lề khép mở hai giai đoạn của Thế chiến thứ hai. Với việc chiếm đóng Stalingrad, Đế chế thứ 3 lên đến đỉnh cao chiến thắng, nhưng cũng từ đây, sau khi bị Hồng quân Liên Xô đẩy lùi, đội quân của Đức Quốc xã bắt đầu tuột dốc không thể cứu vãn. Antony James Beevor, tác giả Stalingrad, đã chọn trận đánh có vị trí đặc biệt này để mang đến một điểm nhìn về Thế chiến thứ hai. Cách của tác giả là zoom to hết mức để các phần nhỏ của bức tranh hiện lên chi tiết đến mức khủng khiếp.

Mỗi chương, mỗi phần là những cảnh quay chân thực đến rợn người. Cảnh đổ nát sau hoang tàn một trận đánh. Những xác chết chất đầy thối rữa. Những cái chết phi lý của những người lính trẻ măng ở cả hai chiến tuyến, những cái chết dần trong đau đớn thể xác vì bệnh tật, vì chấy rận, vì đói rét, vì cả tê liệt bởi bị đối phương tra tấn về mặt tinh thần; những người thương binh cả Đức Quốc xã, cả Hồng quân, bị bỏ lại trong băng tuyết để chờ đợi cái chết thảm khốc; những bệnh viện bốc mùi hôi thối cùng những tiếng gào thét đau đớn như thể trong “Địa ngục” của Dante. Như hình ảnh một người lính đã nghĩ đến khi quan sát đống đổ nát quanh anh: “Tại nơi này, một lời Phúc âm thường chạy qua đầu tôi: Không một hòn đá nào còn tồn tại sau tất cả. Ở đây, đó là sự thật.” Còn đây là cảnh cuối của trận đánh: “Giờ đây Stalingrad trông chẳng khác gì một nắm xương đen bị cháy trụi. Thứ duy nhất còn tồn tại là chiếc đài phun nước có tượng các em bé nhảy múa xung quanh. Có vẻ như đây là một kỳ tích sau khi hàng nghìn trẻ em đã bỏ mạng trong các đống đổ nát quanh thành phố này.”

Nhưng đâu đây giữa cảnh tàn nhẫn của chiến tranh đó, vẫn le lói những câu chuyện cảm động. Nỗi nhớ nhà da diết của những người lính ở cả hai chiến tuyến, trong thời khắc đối diện với cái chết. Những bức thư, dẫu bị các cơ quan kiểm duyệt cắt xén, vẫn không che dấu được nỗi tuyệt vọng cay đắng. “Anh thường tự hỏi mình,” một Trung úy Đức viết cho vợ, “tất cả việc này là vì cái gì. Loài người điên dại cả rồi sao?”. Và đây là lá thư người lính Đức gửi cho gia đình khi nằm trong boongke chờ thời khắc của cái chết: “Điều duy nhất còn lại với anh là nghĩ về em và hai con”. Đó là điếu thuốc lá chia nhau ngày Giáng sinh đen tối trên chiến trường, tiếng đàn piano của Bác sĩ Kurt Reuber, bức tranh người mẹ đang âu yếm hôn con trên chiến trường đổ nát khiến những người lính phải bật khóc …

Giữa hàng ngàn cuốn sách viết về Thế chiến thứ hai, có lẽ, sức hút đặc biệt của Stalingrad là ở những nốt trầm đặc biệt đó. Không mô tả trận chiến như một bản anh hùng ca, không ngợi ca, không tô vẽ, không tập trung quá nhiều vào những khía cạnh bề nổi; ở đây, mỗi con số, tư liệu, bức hình, lá thư… chứa sức nặng hơn tất cả những lời bình luận. Và nhân vật chính không phải là phe Đức Quốc xã, cũng không phải là phe Hồng quân Liên Xô, mà là con người. Hàng vạn phụ nữ, trẻ em, hàng vạn người lính trẻ vô danh đã ngã xuống trên cả hai chiến tuyến. Những thanh niên đẹp đẽ, măng tơ, non nớt, những con người vô tình vướng vào giấc vĩ cuồng của những kẻ độc tài, để rồi bị đẩy vào cảnh địa ngục giết chóc lẫn nhau mà ở đó cái chết thậm chí là cả một sự giải thoát. Chiến tranh, mãi mãi là hoàn cảnh phi nhân tính khủng khiếp mà con người một khi bị đẩy vào không thể tránh được sự phân rã về đạo đức.

Một cuốn sách chân thực và thảm khốc về chiến tranh như thế đồng thời cũng là một cách đặt vấn đề nghiêm túc về hòa bình cho con người.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button