List sách

9 sách hay về người Hoa nên đọc

9 sách hay về người Hoa. Khuyên đọc quyển Người Hoa Ở Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh, Văn Hóa Người Hoa Nam Bộ và Người Hoa Việt Nam Và Đông Nam Á – Hình Ảnh Hôm Qua Và Vị Thế Hôm Nay.

Văn Hóa Người Hoa Nam Bộ

Văn Hóa Người Hoa Nam Bộ

Văn hóa người Hoa Nam Bộ gần gũi và tương đồng với văn hóa của nhiều dân tộc anh em ở Việt Nam. Đặc biệt là sự giao lưu văn hóa giữa người Hoa với người Việt (Kinh), người Khmer, người Chăm… trên vùng đất Nam Bộ, trong sự nghiệp mở mang và bảo vệ bờ cõi đất phương Nam của Việt Nam.

Mặt khác, văn hóa người Hoa Nam Bộ cũng có những nét đặc sắc và độc đáo. Sự khác biệt này bởi nhiều lý do, nhưng cũng từ chính sự khác biệt này mà văn hóa người Hoa Nam Bộ đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và rực rỡ sắc màu.

Người Hoa Ở Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh

Người Hoa Ở Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh

Cuốn sách tổng hợp 100 câu hỏi đáp về người Hoa ở Sài Gòn Gia Định. Qua đó, phác họa bức tranh phổ quát về đời sống kinh tế, văn hóa… của người Hoa giữa lòng Sài thành.

Người Hoa, Người Minh Hương Với Văn Hóa Hội An

Người Hoa, Người Minh Hương Với Văn Hóa Hội An

Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Kho tàng văn hóa Việt Nam là hệ thống các thành tựu văn hóa do các dân tộc, các vùng miền văn hóa cùng sáng tạo nên và gìn giữ. các thành tựu văn hóa ấy trên thực tiễn đã tương tác với nhau và với những thử thách của thời gian và các biến cố lịch sử, những thứ còn lại có cái làm nền tảng hình thành dòng văn hóa đương đại, song cũng có cái còn lưu giữ dưới dạng ký ức lịch sử – một phần của di sản văn hóa. Văn hóa Hội An đương đại bao trùm cả hai thứ ấy.

Cảng thị Hội An hình thành và phát triển trên nền tảng giao lưu kinh tế – văn hóa quốc tế, trong đó có vai trò của người Hoa, người Nhật và người phương Tây. Ngày nay, khi nhắc tới Hội An người ta thường nhắc đến cầu Nhật Bản, những dãy phố cổ và tình hữu nghị Việt – Nhật, trong khi đó những dấu ấn văn hóa quan trọng của người Hoa và người phương Tây ít khi được đề cập tới. Trên thực tế, tại Hội An dấu ấn văn hóa người Hoa và hậu duệ của họ là đậm đặc hơn cả, từ kiến trúc đền miếu, nhà phố, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục – lễ hội, ẩm thực, cho đến nghề truyền thống và hoạt động kinh tế. Chiếc cầu Nhật Bản sau khi được trùng tu, xây dựng lại đã không còn dấu ấn phong cách Nhật Bản nữa, mà thay vào đó là lối kiến trúc pha trộn Việt – Hoa, gắn với nó là ngôi miếu cổ thờ vị thần mang nguồn gốc Trung Hoa là Bắc Đế. Sự hiện diện của những hội quán người Hoa cùng hệ thống lễ hội tại đó tự thân chúng đã trở thành những nguồn lực quan trọng biến Hội An thành một “trung tâm” văn hóa độc đáo, nơi diễn ra các quá trình giao lưu, dung hợp văn hóa và kiến tạo bản sắc tộc người.

Lịch sử hình thành và phát triển cảng thị Hội An có phần đóng góp không nhỏ của kho tàng giao lưu văn hóa Việt – Hoa, bất cứ ai “bén duyên” cùng Hội An đều không thể quên những con người, những di tích và những sự kiện quan trọng tạo dựng nên hình hài và tố chất cảng thị như nhà sư Nguyên Thiều với dòng Thiền Lâm tế, nhà sư Thích Đại Sán với dòng Thiền Tào Động, hệ thống chùa chiền đền miếu (như chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, miếu Quan Đế- chùa Quan Âm, Tổ đình Cẩm Hà- chùa Bà Mụ, các hội quán người Hoa), các làng nghề truyền thống, lễ hội Long Chu, món ăn cao lầu xứ Quảng và với các trò chơi dân gian đặc sắc (như trò thai đề xổ cử nhân, trò đổ xăm hường, trò du hồ) v.v… Đằng sau những dấu ấn văn hóa ấy là quá trình nỗ lực sáng tạo bằng cả tâm và trí của bao lớp người đi trước. Theo dòng chảy giao lưu và hội nhập văn hóa, cộng đồng người Hoa địa phương đã dung hòa hết thảy vào xã hội địa phương đương đại, đóng góp những giá trị quý báu của mình để làm nên một Hội An độc đáo trên dải đất miền Trung. Trong bức tranh giao lưu và hội nhập văn hóa ấy, người Minh Hương (thế hệ con cháu của những cuộc hôn nhân Việt – Hoa tại hội An) đã giữ vai trò tiên phong, làm cầu nối và là chất xúc tác cho quá trình đại hội nhập. Tất cả hòa quyện trên một cấu trúc thiêng – phàm, nong – sâu, khép kín – khai mở để tạo tác nên sắc thái người Hoa, người Minh Hương trong bức tranh văn hóa Hội An đầy quyến rũ.

Tranh Thủy Mặc Người Hoa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Tranh Thủy Mặc Người Hoa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Tranh thủy mặc là loại hình hội họa khởi nguồn từ Trung Quốc, sử dụng mực đen hòa với nước, sau này có thêm màu sắc. Dụng cụ vẽ tranh gọi là “văn phòng tứ bảo”, gồm có giấy, bút, mực, nghiên.

Giấy được sử dụng là loại giấy Tuyên (Tuyên chỉ), bút là bút lông, mực và nghiên, cộng thêm nước sơn màu. Đề tài sáng tác tranh thủy mặc khá đa dạng, gồm có cây cỏ, chim hoa, núi sông, người và con vật.

Hiện nay, tranh thủy mặc được chia làm hai loại chính: tranh thủy mặc truyền thống (sáng tạo trên cơ sở cổ truyền) và tranh thủy mặc hiện đại (kết hợp giữa thể loại tranh Trung Quốc và tranh phương Tây).

Tranh thủy mặc, dù là thể loại truyền thống hay hiện đại, thường được thể hiện dưới ba phong cách: công bút, ý bút, và bán công ý.

Đa số trong đội ngũ tác giả tranh thủy mặc vùng Chợ Lớn thường sáng tác với nét bút “công bút”, và “bán công ý”.

Trong nhiều năm qua, Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh đã đi nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước để ghi nhận thực tế và sáng tác ra nhiều tranh thủy mặc, miêu tả cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống, chân dung con người, đặc biệt là nét văn hóa đặc sắc của một số dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Để kế thừa và phát huy tốt nền văn hóa truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thưởng thức nghệ thuật và sáng tác tranh thủy mặc trong cộng đồng, Chi hội Mỹ thuật phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản ấn phẩm “Tranh thủy mặc người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tập tranh đã quy tụ 118 bức tác phẩm của 14 tác giả là các nghệ nhân ưu tú, các bậc họa sĩ lão thành, đã nỗ lực hoạt động sáng tác nghệ thuật trong nhiều năm qua, từng nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, như họa sĩ Trương Hán Minh, Trương Lộ, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên, Trần Văn Hải, Huỳnh Tùng Bá, Diệc Ánh Nga, Hồ Ly Hoa…

Người Hoa Việt Nam Và Đông Nam Á – Hình Ảnh Hôm Qua Và Vị Thế Hôm Nay

Người Hoa Việt Nam Và Đông Nam Á – Hình Ảnh Hôm Qua Và Vị Thế Hôm Nay

Cuốn sách gồm 5 chương, trình bày một cách khái quát các vấn đề liên quan đến tên gọi, khái niệm và quá trình hình thành các nhóm cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á; lịch sử, hiện trạng và xu hướng phát triển của các loại hình liên kết truyền thống của người Hoa; các quan hệ của người Hoa với cộng đồng cư dân bản địa; vai trò và vị trí kinh tế của người Hoa ở các nước Đông Nam Á; người Hoa với xu thế liên kết khu vực trong bối cảnh toàn cầu.

Đời Sống Kinh Tế Người Hoa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Đời Sống Kinh Tế Người Hoa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, theo đó việc tạo môi trường và điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng là điều hết sức cần thiết.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà kinh tế thị trường phát triển sớm và mạnh, đóng góp khá lớn cho ngân sách của cả nước. Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh về số lượng, vốn kinh doanh và có mặt khắp các lĩnh vực, thích nghi nhanh với các quy luật của thị trường, năng động, nhạy bén trong tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Trong khu vực kinh tế tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh có một bộ phận đáng kể là doanh nhân, hộ kinh doanh cá thể người Hoa. Người Hoa là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Từ lịch sử đến hiện tại, họ đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước Việt Nam. Người Hoa sinh sống ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng đông đảo nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo số liệu từ kết quả điều tra dân tộc thiểu số năm 2015, toàn thành phố có 418.167 người Hoa với khoảng 85.000 hộ (tỷ lệ hơn 5,26% dân số thành phố), trong đó có 53,59% sống tập trung ở Quận 5, Quận 6 và Quận 11.

Cộng đồng này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh; họ cũng là cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các quốc gia có đông người Hoa sinh sống ở Đông Nam Á, Châu Á và trên thế giới.

Việc ban hành và áp dụng thành công các chính sách phát triển kinh tế tư nhân nói chung là cần thiết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến đổi, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc diễn biến phức tạp, đã tác động đến tâm tư, tình cảm và đời sống kinh tế, xã hội của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc phân tích, nghiên cứu sâu các hoạt động kinh tế tư nhân của người Hoa, làm rõ hơn về đặc điểm, tiềm năng, ưu thế, những mặt tích cực và hạn chế của cộng đồng này sẽ góp phần quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Nội dung cuốn sách là kết quả của một công trình nghiên cứu của tác giả, qua đó phản ánh đời sống kinh tế – xã hội của người Hoa, phân tích, đánh giá thực trạng, những mặt tích cực, hạn chế của kinh tế tư nhân người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, làm rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phát triển đúng hướng trong giai đoạn hiện nay.

Luận Về Các Phái Của Người Trung Hoa Và Đàng Ngoài

Luận Về Các Phái Của Người Trung Hoa Và Đàng Ngoài

Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng ngoài của nhà truyền giáo người Italy Adriano di St. Thecla được viết ở Đàng ngoài (Bắc Việt nam) vào năm 1750, người đã trải qua gần 30 năm sống ở miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 18. Đây là một tư liệu xa xưa và độc đáo. Cuốn sách này đề cập đến tình trạng tôn giáo ở Đàng ngoài và một phần ở Trung Hoa, qua cái nhìn của một nhà truyền giáo Dòng Augustine chân đất.

Olga Dror (người dịch tác phẩm sang tiếng Anh) đã phát hiện tư liệu này trong Thư khố Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris khi đang tìm tài liệu về tín ngưỡng Chúa Liễu Hạnh, một đề tài luận án mà Bà đang thực hiện. Trong cuốn sách này, tư liệu mà Bà đã tìm được làm thay đổi toàn bộ tiến trình thực hiện luận án của mình. Cuốn sách thu hút Bà đến nỗi không thể không đọc tiếp toàn bộ nó và xác quyết rằng tác phẩm này cần phải được phổ biến rộng rãi tới giới chuyên gia quan tâm đến Việt nam, Trung Hoa, và hoạt động truyền giáo. Vì vậy mà Bà đã ngừng luận án về Liễu Hạnh của mình để tập trung vào tư liệu này nhằm đưa nó ra ánh sáng sau khoảng 250 năm bị lãng quên.

Thế kỷ 18 là một thế kỷ định mệnh đặc biệt đối với đời sống chính trị và các dân tộc về đức tin, tín ngưỡng và cách mạng. Vào khoảng giữa thế kỷ này, khá nhiều nhà truyền giáo châu Âu đã rải khắp một vòng cung rộng lớn trên những địa bàn cư trú lâu đời từ Trung Hoa, Philippines, Nhật Bản, đến Việt Nam; và đã tạo ra được một diễn trình giao thoa văn hóa trong từ vựng của các dân tộc ở châu Âu và châu Á; tạo ra một loạt các văn bản, bản dịch, chú giải, bản đồ, sách biên niên, tư liệu tiền dân tộc học, được ấn hành tại chỗ ở châu Á và số khác được lưu hành rộng rãi ở châu Âu.

Mặc dù trong tác phẩm này đưa ra rất nhiều dẫn chứng đề cập đến Trung Hoa, nhưng trong thực tế ông lại trình bày rất nhiều đặc trưng của Việt Nam. Vì việc “Trung Hoa hóa” nền văn hóa Việt Nam của ông không phải là điều bất thường và điều này không có nghĩa ông chỉ đơn giản xem Việt Nam như là một phần của Trung Hoa, một quan điểm chi phối nhiều công trình nghiên cứu ở thế kỷ 19 – và các học giả ở thế kỷ 20.

Tác phẩm là một mô tả về đức tin và thực hành tôn giáo mang tính hệ thống đầu tiên được biết đến ở Đàng ngoài, hay thực ra là ở Việt Nam nói chung. Nó cung cấp một cuộc khảo sát mang tính cảnh báo thông qua cách nhìn và tư duy của một người châu Âu có học ở thế kỷ 18 với cách tiếp cận khoáng đạt. Mặc dù ông cũng không thoát khỏi những định kiến và chịu ảnh hưởng bởi các khái niệm ăn sâu trong các tác phẩm của những vị tiền bối và những người cùng thời với ông, nhưng ông vẫn vượt xa những thái độ thông thường đương thời.

Pàpá Mình Kiếm Món Gì Ngon Ăn Đi (Tản Mạn Ẩm Thực Chợ Lớn)

Pàpá Mình Kiếm Món Gì Ngon Ăn Đi (Tản Mạn Ẩm Thực Chợ Lớn)

Có câu “Ăn cơm Tàu” để chỉ sự hấp dẫn của ẩm thực Trung Hoa. “Pà Pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi” là câu cửa miệng mỗi chiều tuổi thơ của một gia đình người Hoa sống ở Chợ Lớn trải qua ba thế hệ gần 100 năm. Nhà báo Phạm Công Luận tâm đắc: “Qua cuốn sách này, có thể thấy vẻ đẹp, sự hấp dẫn của nghệ thuật ẩm thực do người Hoa sống lâu đời ở Chợ Lớn còn được giữ gìn và phổ biến. Còn thấy được tình người, tình đời trong cuộc sống gắn bó với truyền thống nhưng cởi mở với cộng đồng của họ”.

Chính Sách Của Các Vương Triều Việt Nam Đối Với Người Hoa

Chính Sách Của Các Vương Triều Việt Nam Đối Với Người Hoa

Các vương triều Việt Nam, trải từ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn, trong từng thời kỳ lịch sử nhất định, với những mức độ quan tâm và động cơ cụ thể, vương triều nào cũng chú ý xây dựng chính sách đối với người Hoa.

Những nội dung chính sách đối với người Hoa trong từng thời kỳ, có lúc chỉ là những lệ bất thành văn, có lúc được triều đình văn bản hóa thành các lệ định chuyển đề và hệ thống trong các bộ hội điển, trong các văn bản luật, cả trong các chỉ dụ, bằng sắc của vua hay chỉ là các khẩu dụ của hoàng đế được sử quan và nội các ghi chép.

Có thể xem Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên của Việt Nam đã có ý thức về một chính sách đối với người Hoa, làm sao để chính sách đó phục vụ tốt nhiệm vụ quan trọng mà lịch sử đã giao cho vương triều Lý là công cuộc phục hung đất nước, đưa Đại Việt phát triển, tiến lên ngang hàng và bình đẳng với Trung Quốc…

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button