List sách

23 sách hay về nước Mỹ nên đọc

23 sách hay về nước Mỹ. Khuyên đọc quyển Nghiên Cứu Về Nước Mỹ, Lịch Sử Bí Mật Đế Chế Hoa Kỳ và Lược Sử Nước Mỹ.

Lịch Sử Bí Mật Đế Chế Hoa Kỳ

Lịch Sử Bí Mật Đế Chế Hoa Kỳ

Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ là cuốn sách tham khảo cực kỳ thú vị – không chỉ cho các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị, cho các trí thức, sinh viên, mà còn hướng tới bất kỳ bạn đọc nào mong muốn tìm hiểu sâu hơn về nước Mỹ – đặc biệt trong giai đoạn hiện nay – khi cường quốc này đang bị suy thoái kinh tế nghiêm trọng, kéo theo sự ảnh hưởng về mặt kinh tế trên toàn cầu.

Sự thật về nạn tham nhũng toàn cầu hậu trường các vụ tham nhũng, các âm mưu lũng đoạn và phá hoại của đế chế hoa kỳ.

Sau Lời thú tội của một sát thủ kinh tế gây sửng sốt và bàng hoàng, John Perkins trở lại với 7, bức tranh đặc tả âm mưu phá hoại mà Washington nuôi dưỡng và tiến hành ở quy mô toàn cầu nhằm phục vụ lợi ích kinh doanh của Hoa Kỳ. Cuốn sách rọi thẳng vào những điểm nóng trên toàn thế giới, khảo cứu các cuộc khủng hoảng địa chính trị nổi bật hiện nay qua lời kể của những sát thủ kinh tế, những kẻ đánh thuê, điệp viên CIA, phóng viên, nhà hoạt động chính trị… Nổi lên là sự bất ổn đang ngự trị khắp nơi nơi: rõ ràng chúng ta đang tạo ra một thế giới nguy hiểm, bấp bênh và không bền vững..

EUREKA AMERICA – Ơ Kìa Nước Mỹ

EUREKA AMERICA – Ơ Kìa Nước Mỹ

Eureka America – Ơ kìa nước Mỹ! là cuốn sách đầu tay của nhà báo Phan Quốc Vinh, người đã có hơn 200 bài báo về nước Mỹ được đăng tải hơn 5 năm qua.

Nước Mỹ bao la rộng lớn hơn 9 triệu km² thu nhỏ lại trong tầm mắt bạn khi đọc những bài viết hết sức đa dạng về cuộc sống, con người và vùng miền nước Mỹ mà Quốc Vinh đã kỳ công trải nghiệm thực tế, quan sát, gặp gỡ và ghi chép lại. Quyển sách của Quốc Vinh góp phần giúp bạn hình dung về vùng đất gắn liền với ý niệm “American Dream “ (Giấc mơ Mỹ)

Chỉ vài nhân vật trong gia đình: Tôi, bà xã và hai cô con gái bối cảnh trong những ngôi trường mà những đứa trẻ đang học, ở vài thành phố không quá lớn với trường đại học chỉ có đôi chút tiếng tăm ở Mỹ và cộng đồng người Việt Nam không quá đông đúc, cũng đủ để đưa đến những câu chuyện ngắn, chân thực đôi khi khiến người đọc bật cười bởi sự hóm hỉnh, “trào phúng” của người viết.

Hồ Sơ Văn Hóa Mỹ

Hồ Sơ Văn Hóa Mỹ

Cuốn sách gồm những cảm tưởng, ghi chép, bài nghiên cứu, phóng sự, phỏng vấn, đối thoại, những bản dịch thơ và văn xuôi, những câu chuyện… về nước Mỹ qua lối viết mộc mạc không chỉ của Nhà văn hóa Hữu Ngọc mà còn của bạn bè Mỹ và đồng nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh những tìm hiểu về diễn trình lịch sử, về con người Mỹ, về những thành tựu trên mọi lĩnh vực mà gốc bản địa và nhập cư tạo nên nhằm mở ra và khơi gợi cho độc giả thấy một nền văn hóa Mỹ đa chiều; Nhà văn hóa Hữu “Ngọc còn dành hẳn một phần đi sâu vào “duyên nợ Mỹ -Việt”. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Quan hệ hai nước không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc và sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Nước Mỹ Trong Tầm Tay

Nước Mỹ Trong Tầm Tay

Với hệ thống hơn 4.000 trường ĐH-CĐ cùng với chất lượng dạy học đẳng cấp quốc tế, nền giáo dục Mỹ luôn là giấc mơ mà mỗi teen đều mong ước được chạm đến. Nếu bạn đang có dự định du học, cụ tỉ đã nhắm đến nước Mỹ, thì quyển sách này chắc chắn là dành cho bạn! Các thông tin trải dài từ học Trung học, dự bị ĐH cho đến chọn trường ĐH-CĐ tại Mỹ như thế nào, chuẩn bị ra sao, cách nộp hồ sơ “chuẩn”, “soi” bộ hồ sơ “bom tấn” của các chuyên gia săn học bổng… đều sẽ có mặt đầy đủ và chỉn chu nhất. Đặc biệt, sách còn được đính kèm một quyển “thần chú ghi nhớ”, giúp teen lên lịch từ giờ tới ngày lên đường, tick sẵn các dữ kiện quan trọng, cực tiện luôn!

Còn nếu bạn chưa có ý định du học, hay còn chần chừ vì gia đình chưa đủ kinh phí? Hãy đọc sách để rinh ngay bí quyết xin hỗ trợ tài chính, cũng như lĩnh giáo liền tay “công thức bí mật” của quyển cẩm nang này – chính là những bộ “hồ sơ thợ săn” quý báu chia sẻ những kinh nghiệm săn học bổng siêu thực tế. Giấc mơ Mỹ nằm ngay trong tay bạn với quyển sách này!

Với phiên bản đặc biệt sắp ra mắt, bạn không chỉ được cập nhật những thông tin mới nhất và chính xác nhất về các chính sách của chính phủ Mỹ cũng như các trường, mà còn được mách nước các tuyệt chiêu ứng phó với những thay đổi này để chạm đến “giấc mơ Mỹ” thành công!

Bài Học Giáo Dục Từ Nước Mĩ

Bài Học Giáo Dục Từ Nước Mĩ

Thời khóa biểu gấp gáp, chương trình học rời rạc, việc học tập chủ yếu được thể hiện bằng việc “thuộc lòng” những bài giảng của giáo viên vẫn còn là những thực tế đáng buồn trong các trường học. Tỉ lệ trẻ vị thành niên mắc các vấn đề tâm lý do áp lực học tập tăng nhanh trong vài năm gần đây khiến người ta đặt câu hỏi ý nghĩa hay giá trị thực sự của trường học là gì?

Để trả lời cho những câu hỏi đó, chuyên gia giáo dục Tony Wagner đã tiến hành nghiên cứu các trường học ở Mĩ và đúc kết bằng thông điệp: Ý nghĩa thực sự của trường học là tạo ra những con người có khả năng đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống thực , không phải là điểm số hay thứ hạng cao trong các kỳ thi. Thông điệp này được ông thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách Bài học giáo dục từ nước Mĩ.

Cuốn sách là câu chuyện đầy lôi cuốn và ý nghĩa về cách thức các trường trung học của nước Mĩ vượt qua thách thức đến từ những biến đổi nhanh chóng của thế giới và của nội tại quốc gia. Thông qua khảo sát, nghiên cứu tại một số trường trung học tiêu biểu, cả công lập lẫn tư thục, Tony Wagner đã nêu lên cuộc vật lộn giữa những giáo điều lỗi thời, định kiến và sự phân biệt với tinh thần tự do, khao khát sự thay đổi, kiến tạo nền văn hóa sản sinh tri thức; đồng thời chỉ ra một lộ trình sơ khởi cho nỗ lực tạo dựng một Trường làng Hiện đại, nơi cam kết lâu dài với nền giáo dục nhân văn, khai phóng…

Điều đó khơi lên những suy ngẫm đối với những thành viên của một cộng đồng học tập ở mọi quốc gia: Ai cũng có trách nhiệm trong quá trình cải thiện trường học. Chúng ta nên kết nối ra sao và làm điều gì đúng đắn..

Nghiên Cứu Về Nước Mỹ

Nghiên Cứu Về Nước Mỹ

“Nghiên cứu về nước Mỹ” của Perter Jennings và Todd Brewster là một cố gắng để định nghĩa nước Mỹ.

Trong sách, tác giả đề cập rất nhiều mặt của nước Mỹ bằng những dẫn chứng, những nhân vật, thời gian và địa điểm cụ thể, cùng sự phân tích sắc sảo để đưa ra những kết luận đáng tin cậy nhằm giới thiệu tương đối chính xác và rõ nét nhất về nước Mỹ với thế giới.

Hy vọng đây là thông điệp giúp bạn sẽ nhận ra trong từng trang sách, rằng nước Mỹ xưa kia của Jefferson, Madison, Hamilton, Franklin, Washington… hiện nay vẫn thế.

Du Học Mỹ – Tất cả những điều bạn cần biết để giành học bổng Mỹ

Du Học Mỹ – Tất cả những điều bạn cần biết để giành học bổng Mỹ

Các nguồn cung cấp kiến thức cho việc du học luôn vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa, là bởi ngày nay chúng ta có quá nhiều trang web thông tin, quá nhiều trung tâm tư vấn du học, cùng vô vàn hội thảo được tổ chức liên tục… Nhưng nghịch lý là, tất cả những điều trên, lại chưa thể đủ để giải đáp trọn vẹn các thắc mắc, bối rối của những gia đình, những cô cậu học sinh mười mấy tuổi trước một ngưỡng cửa tương lai quá rộng lớn. Thời gian, dung lượng, chi phí… và hơn hết, một cách dẫn dắt thật sự dễ hiểu của người trong cuộc là những điều các nguồn tin trên còn thiếu. Người cần thông tin phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc, trong khi vẫn loay hoay với quá nhiều vấn đề, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Để khắc phục hạn chế này trong cách chúng ta tiếp cận với “hành trình” du học Mỹ, bộ đôi tác giả Vân Anh – Minh Đức đã quyết định chia sẻ lại toàn bộ những kinh nghiệm của bản thân trong cuốn sách: “Du học Mỹ”.

Vân Anh và Minh Đức cùng là học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (khóa 2014-2017), cùng tự túc “săn” học bổng du học Mỹ và cùng đạt mức học bổng giá trị vào những trường danh tiếng: New York University Abu Dhabi và Hamilton College. Trong cuốn sách của mình, hai bạn sẽ hé lộ những điều mà khó có một trung tâm tư vấn du học nào lại “sẵn lòng” chia sẻ với khách hàng. Và đó chính là những điều sẽ tạo nên khác biệt cực lớn trong công cuộc tìm kiếm các học bổng du học Mỹ cho những ai có nhu cầu thực sự.

Lược Sử Nước Mỹ

Lược Sử Nước Mỹ

Từ khởi đầu là một tập hợp những thuộc địa ít người biết đến nằm ven bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ đã trải qua một bước chuyển mình lớn lao để trở thành cái mà nhà phân tích chính trị Ben Wattenberg từng gọi là “quốc gia toàn cầu đầu tiên”, một dân số gần 250 triệu người đại diện cho gần như tất cả các quốc tịch và nhóm chủng tộc trên thế giới. Đó cũng là một đất nước mà nhịp độ và phạm vi đổi mới – về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, dân số và xã hội – diễn ra không ngừng. Nước Mỹ thường là nước báo hiệu sự hiện đại hóa và đổi mới mà nó chắc chắn sẽ lan rộng sang những đất nước và xã hội khác trong một thế giới ngày càng trở nên nối kết và phụ thuộc vào nhau hơn.

Tuy nhiên, nước Mỹ cũng duy trì ý thức về tính liên tục, một loạt những giá trị cốt lõi đã có từ khi hình thành quốc gia này. Chúng bao gồm niềm tin vào tự do cá nhân và chính quyền dân chủ, và một lời cam kết về cơ hội kinh tế và sự tiến bộ cho mọi người. Nhiệm vụ muôn đời của nước Mỹ sẽ là đảm bảo rằng những giá trị của nó về tự do, dân chủ và cơ hội di sản của một lịch sử phong phú và đầy biến động – sẽ được bảo vệ và phát huy khi đất nước, và thế giới, tiến tới ngưỡng cửa của thế kỷ mới.

Tôi Nghĩ Tôi Thích Nước Mỹ – Du Ký (Dương Thụy)

Tôi Nghĩ Tôi Thích Nước Mỹ – Du Ký (Dương Thụy)

Qua những câu chuyện cụ thể mà tác giả chứng kiến trên đất Mỹ, người đọc có thể vừa thư giãn với giọng văn vui tươi dí dỏm, vừa cảm nhận một nước Mỹ dù to lớn nhưng rất gần gũi.

Sự Thật Ta Nắm Giữ – Một Hành Trình Xuyên Nước Mỹ

Sự Thật Ta Nắm Giữ – Một Hành Trình Xuyên Nước Mỹ

Được viết bởi một nhà lãnh đạo chính trị quyền lực bậc nhất Hoa Kỳ, nhưng cuốn sách không hề khiến độc giả ngợp trong những vấn đề chính trị khô khan. Như tác giả cũng khẳng định, đây không phải cương lĩnh chính trị, càng không phải một danh sách những điều phải làm, mà là một tập hợp các ý tưởng, quan điểm và câu chuyện từ cuộc sống của chính giả và từ cuộc sống của nhiều người mà bà đã gặp. Cuốn sách mang đậm tính cá nhân của bà Kamala, một phụ nữ da màu đáng kính và quyền lực, con gái của những người dân nhập cư kể lại câu chuyện của chính mình và mang tới hi vọng cho tương lai của nước Mỹ. Nó giúp mở mang tầm mắt cho bất cứ ai đang cố gắng hình dung về Phó Tổng thống Harris, một người phụ nữ thông minh, một công tố viên cứng rắn có tầm nhìn xa để luôn chủ động trong công việc, một người quan tâm sâu sắc đến công bằng xã hội, đam mê công lý và nhanh chóng khẳng định mình là một trong những tác nhân thay đổi mới mẻ nhất cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Bà cũng đã áp dụng cách tiếp cận thực tế dựa trên dữ liệu và đương đầu với một loạt các vấn đề hóc búa, từ vấn đề chăm sóc sức khỏe đến vấn đề nhập cư, an ninh quốc gia, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid và tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Đây là câu chuyện vô cùng thú vị về gia đình, tuổi thơ của bà Kamala, và cũng là câu chuyện về cuộc đời mà bà đã gây dựng từ khi còn bé cho đến nay. Thật bất ngờ, những chi tiết đáng nhớ nhất trong cuốn sách lại chính là hồi ức của tác giả về gia đình, tình bạn và trên hết là về người mẹ của bà. Ở đây, tác giả cũng phơi bày thực trạng bất ổn của chính phủ Mỹ, những thách thức lớn mà người dân Mỹ phải đối mặt. Qua ngòi bút sắc sảo của bà Kamala Harris, cuốn sách sẽ giúp bạn có kiến thức thiết thực về cách giải quyết vấn đề, xử lý khủng hoảng, và vai trò người lãnh đạo trong những thời điểm đầy thách thức.

Cuốn sách cũng gửi gắm một thông điệp rất lớn của tác giả: Nền dân chủ, sự tự do và công lý không thể bén rễ, phát triển và nở rộ giữa lòng căm thù, cơn thịnh nộ. Chúng ta phải phản đối sự thờ ơ, sợ hãi, căm ghét và ngờ vực. Cuốn sách ra đời cũng là lời kêu gọi hành động, “chúng ta phải bắt đầu và kết thúc bằng việc nói ra sự thật”. Có thể khẳng định, cuốn sách có giá trị tuyệt vời trong việc truyền cảm hứng tích cực tới người đọc, giúp chúng ta có tầm nhìn về tương lai, nỗ lực hành động vì mục đích và giá trị chung để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn!

45 Đời Tổng Thống Hoa Kỳ

45 Đời Tổng Thống Hoa Kỳ

45 đời tổng thống Hoa Kỳ là một bộ cẩm nang đồ sộ dày hơn 1500 trang, tái hiện toàn bộ lịch sử nước Mỹ. Mỗi tổng thống, một tính cách, một bối cảnh lịch sử, rất nhiều những câu chuyện và bí ẩn xoay quanh, mà không có bất cứ một kênh truyền thông nào tổng hợp chi tiết và đặc sắc bằng tác giả William A. Degregorio – nhà nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ, người say mê tìm hiểu về cuộc đời các Tổng thống Mỹ từ khi còn nhỏ.

Cuốn sách là một hiện tượng xuất bản tại Mỹ từ những năm 1980s, mà Tổng thống đương nhiệm khi đó là Ronald Reagan. Kể từ đó trở đi, ròng rã gần 40 năm, rất nhiều tổng thống đã qua đời, nhưng cứ 4 hoặc 8 năm, 1 hoặc 2 nhiệm kỳ Tổng thống, sách lại được bổ sung thông tin và tái bản một lần. Sưu tầm các bản in cuốn này đã và vẫn đang là niềm đam mê của các nhà nghiên cứu lịch sử.

45 đời tổng thống Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở việc mô tả sâu sát, khách quan, không thiên kiến về cuộc đời, hoạt động chính trường, bạn bè, kẻ thù cũng như thành công lẫn thất bại của 45 vị tổng thống, mà đằng sau đó là cả một phông nền lớn của lịch sử nước Mỹ. Đó là biên niên sự kiện hoạt động của bộ máy Nhà nước Liên bang Hoa Kỳ trong suốt 240 năm qua.

Giết Con Chim Nhại

Giết Con Chim Nhại

Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội làm hại một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.

Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.

Hơn 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người.”

Forrest Gump

Forrest Gump

Tiểu thuyết Forrest Gump của Winston Groom in năm 1986 thoạt tiên không phải là cuốn sách ăn khách cho đến khi bộ phim chuyển thể ra đời năm 1994 với ngôi sao Tom Hanks. Theo một thống kê, trước khi có bộ phim này thì cuốn sách đã được bán 30.000 bản, và khi Forrest Gump qua mặt rất nhiều bộ phim xuất sắc cùng năm để giành giải Oscar phim hay nhất, đã có 1,7 triệu bản sách được bán trên khắp thế giới. Còn bộ phim đã xếp thứ tư trong các bộ phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại cho đến thời điểm đó. Năm 2011, Thư viện Quốc hội Mỹ đã chọn Forrest Gump vào danh sách bảo tồn của Cơ quan Lưu trữ Phim ảnh Quốc gia vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ học.”

Winston Groom là một cựu binh thời chiến tranh ở Việt Nam, sau khi trở về, ông làm phóng viên và chuyển sang viết tiểu thuyết năm 32 tuổi và đã gặt hái được nhiều thành công. Cuốn sách Conversations with the Enemy (1982). Trò chuyện với kẻ thù] với chủ đề cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam đã lọt vào chung kết giải Pulitzer năm 1984. Năm 1985, Groom quay về Mobile và bắt đầu viết Forrest Gump. Cuốn sách đã trở thành dấu mốc cho sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhân vật Forrest Gump đã được Groom xây dựng như một người “tự kỷ bác học”, đã có những thay đổi khi được chuyển thể trên màn ảnh Hollywood. Sự khác biệt ở hình tượng Forrest Gump giữa truyện và phim dường như là nhà văn chủ ý xây dựng một nhân vật phản anh hùng, trong khi các nhà làm phim Hollywood thực hiện theo hướng ngược lại, người hùng kiểu mới có kết cục thành công có màu sắc Giấc mơ Mỹ. Truyện và phim đều đã gây nên những cuộc tranh luận về khía cạnh chính trị và tính biểu tượng của nhân vật Gump cũng như mối quan hệ với xã hội của chàng ngốc có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) chỉ có 75 nhưng đã đi khắp nơi và gặp đủ loại người. Cuộc phiêu lưu của Forrest Gump suốt ba thập niên bao trùm lịch sử sau thế chiến II đã vẽ nên chân dung một nước Mỹ: Gump đã gặp 2 tổng thống Mỹ, lên tàu vũ trụ, đóng phim ở Hollywood, sang Trung Quốc và tham chiến ở Việt Nam mà không hiểu mình chiến đấu vì lẽ gì.

Cuốn sách với lối văn châm biếm ngầm qua góc nhìn ngây thơ của nhân vật chính là đã góp phần đưa Forrest Gump đã trở thành một biểu tượng văn hóa mới của thập niên 1990. Gump là một chàng trai ngốc dễ thương, sẵn sàng cho người khác mà không mong đợi được đền đáp. Đó cũng là giá trị nhân văn nổi bật được chia sẻ nhất quán ở cả tác phẩm văn học và điện ảnh và khiến người đọc cũng như người xem mãi hâm mộ nhân vật này.

Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả – một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.

Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới – của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó.

Nhưng hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất. Xuất phát điểm của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát, một kết cục khiến ta không khỏi nghĩ tới Anna Karenina.

Đinh Hằng, tác giả, xuất hiện trong cuốn sách như một phụ nữ mạnh mẽ, đầy cá tính và sức mạnh bên trong, tự tin ngẩng cao đầu bước giữa thế giới, hoàn toàn không có một mặc cảm nào bất kể căn nguyên của nó là gì.

Chuyến đi của Đinh Hằng, rốt cuộc, là một cuộc hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua.

Những Cô Gái Mỹ – Mạng Xã Hội Và Cuộc Sống Thầm Kín Của Tuổi Dậy Thì

Những Cô Gái Mỹ – Mạng Xã Hội Và Cuộc Sống Thầm Kín Của Tuổi Dậy Thì

Xã hội hiện nay tràn ngập những ứng dụng mạng. Con người thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời, thay vì đọc sách để gia tăng kiến thức thì lại dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để sử dụng các mạng xã hội Facebook, Snapchat, Instagram… Có thật họ đang cố gắng “kết nối với mọi người”? Hay thực tế chỉ muốn “sống ảo”, chìm vào những ảo mộng của bản thân?

Không ít người nghiện mạng xã hội đã bị ám ảnh bởi những ngôi sao và sự nổi tiếng, càng ngày càng yêu bản thân quá đà, làm mọi thứ có thể để tự quảng bá bản thân. Chắc hẳn bạn không còn lạ gì việc bạn bè quanh mình cứ cố phải tạo ra một con người trực tuyến hoàn hảo, làm những thứ phù phiếm chỉ để tăng sự nổi tiếng trên thế giới ảo. Đối với họ, “Tài năng không còn quan trọng để trở nên nổi tiếng nữa. Hay nói cách khác, những yếu tố tạo nên tài năng đã thay đổi rồi. Đã đến lúc chúng ta trở nên nổi tiếng đơn thuần vì sự nổi tiếng mà thôi.”

Những cô gái Mỹ phản ánh đúng thực trạng xã hội bây giờ, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dữ liệu được sử dụng trong cuốn sách đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và khiến bạn không khỏi bất ngờ, phải tự soi chiếu với bản thân. Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội rốt cuộc sẽ làm thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào? Hãy tìm đọc cuốn sách này để có hình dung sát thực và cụ thể, sinh động nhất.

Của Chuột Và Người

Của Chuột Và Người

Là tác phẩm nổi tiếng nhất của John Steinbeck, “Của Chuột Và Người” được coi là khuôn mẫu tiểu thuyết xuất sắc cho văn chương Mỹ.

Câu chuyện khắc họa nỗi cùng khổ của những người dân lao động trong bối cảnh Đại khủng hoảng kinh tế, của những thân phận tột cùng cô độc giữa một xã hội đầy rẫy bất công. Ở đó, ước mơ và hoài bão mắc cạn trong cái vòng luẩn quẩn, còn khát khao làm chủ số phận chỉ là một ảo giác an thần kéo lê những đôi chân trĩu nặng không ngừng bôn ba xê dịch.

Với lối kể chuyện giản dị, giàu cảm xúc, cùng cấu trúc ba hồi khúc chiết như một vở kịch, “Của Chuột Và Người” đã góp phần đưa John Steinbeck trở thành nhà văn sáng tác về tầng lớp lao động xuất sắc nhất nước Mỹ.

Hệ Thống Ngân Hàng Hoa Kỳ

Hệ Thống Ngân Hàng Hoa Kỳ

Hệ Thống Ngân Hàng Hoa Kỳ Mặc dù sự cạnh tranh ảnh hưởng của các trung tâm tài chính trên phạm vi toàn thế giới ngày càng trở nên khốc liệt, tuy nhiên, với vị trí là nền kinh tế số một thế giới, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ vẫn thu hút được sự chú ý của giới học thuật cũng như quản trị tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ tài chính trên phạm vi toàn cầu.

Cuốn sách “Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ” do Trung tâm Đào tạo Tài chính phát hành nhằm cung cấp những nguyên tắc và thông lệ trong hoạt động ngân hàng và tín dụng tại Hoa Kỳ, thông qua đó giúp cho người đọc hiểu và nắm được những vấn đề cơ bản trong hoạt động ngân hàng ở quốc gia đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập tới những vấn đề được quan tâm trong quá trình vận hành hoạt động ngân hàng như an toàn, gian lận và đạo đức; marketing ngân hàng và các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng tại Hoa Kỳ. Đặc biệt, sách có đính kèm tài khoản học trực tuyến Mindtap- giải pháp học Blended Learning nhằm tối ưu hóa việc giảng dạy cho các giảng viên, cung cấp công cụ học tập trực tuyến hiệu quả cho sinh viên, và tạo sự gắn kết hơn giữa giảng viên với sinh viên.

Đại Gia Gatsby

Đại Gia Gatsby

“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”

Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 – 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt, tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi. Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những tưởng sẽ có tất cả – tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.

Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị” (như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.

Làm Dâu Nước Mỹ

Làm Dâu Nước Mỹ

Tiếp nối xê ri Làm dâu xứ lạ, cuốn tự truyện Làm dâu nước Mỹ của Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ hành trình làm dâu, làm vợ, làm mẹ ở một xứ xở khác, nơi được nhiều người gọi là “thiên đường”: nước Mỹ xa xôi.

Mở đầu cuốn tự truyện là những trang nhật kí ghi lại những đắng ngọt, buồn vui trong chuyện tình của tác giả. Số phận như trêu ngươi khi gán ghép cô gái xứ Nghệ, con của một gia đình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ với một chàng trai Mỹ. Sự am hiểu tường tận văn hóa Việt Nam của chàng trai Mỹ cũng khó dỡ bỏ được bức tường định kiến của gia đình trí thức xứ Nghệ yêu nước. Cô gái buộc phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc gia đình đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương cô hết mực, hoặc người con trai cô yêu bằng cả trái tim. Bản lĩnh và dám là chính mình, cô gái lựa chọn rời xa bàn tay chở che của mẹ trong một ngày mưa bão.

“Cùng với việc sập cánh cửa nhà trước mặt tôi, mẹ tôi đã đẩy tôi về phía anh, một cách vô thức. Mẹ đã chấp nhận trao trả lại thứ tự do tôi hằng muốn, nhưng không quên tước đi của tôi quyền được có gia đình. Chắc mẹ muốn dạy tôi rằng, nếu tôi yêu tự do nhường ấy, tôi buộc phải trả giá. Cái giá ấy tôi không được quyền lựa chọn. Chính mẹ tôi – trong cơn phẫn nộ với đứa con gái ngang ngạnh đã mạnh tay ra giá đắt. Tôi nhận được món hàng tự do hằng mơ ước mà không chút hạnh phúc vì vẫn ngỡ ngàng trước cái giá cắt cổ mẹ tôi đưa ra”.

Khi một con người dám đối diện và chiến đấu để vượt qua giông bão thì người đó có được hạnh phúc. Vượt qua những cản ngăn của mẹ và họ hàng, những hờn giận của tình yêu đôi lứa, Nguyễn Thị Thanh Lưu bắt đầu cuộc sống ở “thiên đường” nước Mỹ. Là người phụ nữ thông minh và bản lĩnh, cô không khó để hòa nhập với văn hóa nơi đây. Cô ý thức được Xứ lạ là thầy – để bắt đầu học hỏi và hòa nhập với văn hóa Mỹ từ những trải nghiệm đầu tiên ở bệnh viện Mỹ trong lần sinh Rau Muống, tới việc đi hộp đêm ở Mỹ phải chuẩn bị những gì để không bị “quê”, bài học về quyền ưu tiên khi lái xe ở Mỹ và ngay cả chuyện đổ rác sao cho đúng cách – một việc tưởng chừng rất nhỏ ở Việt Nam.

Khi nước Mỹ đã không còn là xứ lạ thì Nước Mỹ là nhà. Nguyễn Thị Thanh Lưu không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ về gia đình nhỏ của mình với hai đứa con Cà Kiu và Rau Muống thông minh và đáng yêu, với người chồng luôn thấu hiểu và yêu thương, đặc biệt là có cùng đam mê đọc sách, với bố chồng luôn kiên nhẫn chờ con dâu “đếm cơm” xong mới rời khỏi bàn ăn, với mẹ chồng tâm lý luôn “vô tình” chia sẻ cho con dâu những mẹo vặt hoặc công thức nấu ăn ngon cũng như những tri thức hiểu biết về văn hóa, chính trị nước Mỹ. Chính tình yêu thương của những thành viên trong gia đình đã xóa nhòa khoảng cách giữa hai nền văn hóa Mỹ – Việt, để mái ấm của cô luôn tràn ngập tiếng cười..

Xuyên Mỹ – Bất Hạnh Là Một Tài Sản

Xuyên Mỹ – Bất Hạnh Là Một Tài Sản

Tiếp nối Một Mình Ở Châu Âu, Xuyên Mỹ là tập 2 của bộ “Bất hạnh là một tài sản” kể lại khoảng thời gian hai năm từ lúc tác giả từ châu Âu về nhà bên bờ Đông nước Mỹ, chuyển từ bờ Đông trở lại Chicago để ly hôn và hoàn thành chương trình tiến sỹ, rồi một mình chuyển đi bờ Tây làm việc cho một trường đại học. Hai năm băng ngang nước Mỹ này tràn ngập những câu hỏi “Ly hôn có đúng không?”, “Sẽ bắt đầu lại từ đâu?”, “Vì sao?”; những câu chuyện tìm việc làm vào cao điểm khủng hoảng kinh tế; những cố gắng để bắt đầu lại; những người bạn và cả những người xa lạ – tất cả làm thành hành trình của một phụ nữ Việt Nam trẻ trên đất Mỹ.

Bỏ nhau nghe có vẻ dễ, nhưng thắng được sự yếu lòng của bản thân để sống cô đơn ở xứ người không đơn giản. Thêm vào đó là bỏ nhau ở Mỹ cũng không phải cứ chạy ra tòa làm thủ tục xoẹt cái là xong, mà phải qua nhiều bước, hòa giải, phân chia quyền lợi, chứng thực tư cách pháp lý này nọ… Tất nhiên có vẻ ở Việt Nam cũng thế, nhưng việc nữ nhân vật chính không đòi hỏi gì ở người chồng đã thất nghiệp một thời gian khiến người của tòa án Mỹ không hiểu được. Vẫn là tâm trạng của người Việt trong mọi tình huống, đó chính là nét nổi bật của Xuyên Mỹ – kể cả khi đi dự phỏng vấn xin làm giáo sư đại học, nhân vật chính vẫn không dứt được tâm trạng ấy.

Song song với việc quyết định có ly hôn hay không, việc hình thành một “thế trận tâm lý” hóc hiểm giữa cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ bình thản chờ đón cái kết cục đường ai nấy đi cũng khiến người đọc hồi hộp đến căng thẳng. Ở khía cạnh này, Phan Việt viết rất giỏi, vốn là thế mạnh của cô ở những truyện ngắn đã xuất bản. Thêm vào đấy, việc phải nỗ lực hoàn tất chương trình tiến sĩ cũng là một thách thức, nhất là trong hoàn cảnh cô độc, “lúc này tôi cũng đóng băng mọi thứ”. Cái nỗi đau kìm nén như bên dưới một lớp băng dày, và như nhân vật luôn cố gắng không để cảm xúc tóe loe theo cách thông thường, cô làm những việc lặt vặt hàng ngày, giữ giao tiếp với những người bạn, nhà tư vấn tâm lý, thật sự là một cuộc chế ngự can đảm.

12 Năm Nô Lệ

12 Năm Nô Lệ

12 năm nô lệ – câu chuyện có thật về Solomon Northup, một công dân tự do của New York, bị bắt cóc làm nô lệ tại thành phố Washington năm 1841, và được giải cứu từ một đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853. Chuyện do chính Solomon thuật lại, với sự chắp bút của David Wilson. Giữ vai trò đồng hành cùng Solomon trên dòng hồi tưởng ấy, David thổ lộ: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về Chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất đó. Không bị chệch lạc đi, theo ông quan niệm, vì bất cứ ấn tượng sẵn có hay định kiến nào, tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup, đúng như chính mình nghe ông kể”.

Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự do, nhưng chắc chắn là ngàn thu đối với phận số nô lệ. 12 năm nô lệ đi theo trật tự tuyến tính thông thường; những lời kể – dẫu được một nô lệ có ăn học đàng hoàng cất lên – cũng không lấy gì làm cầu kì, hoa mĩ, trái lại, rất mộc mạc và lắm lúc “dông dài” như cái lối truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện đẹp vì lẽ khác, vì tâm ý sao mà chân thành, xúc cảm sao mà thống thiết khiến ta những muốn khóc cười theo.

Solomon Northup – nhân vật chính, đồng thời là tác giả cuốn sách – không chỉ thương thân mình trong cảnh bị câu thúc mà còn day dứt trước đời sống tủi nhục, thê thảm của các anh chị em tôi đòi khác; không chỉ ngồi đó sùi sụt oán than mà đã đôi lần phản kháng tới nơi tới chốn; hơn nữa, không chỉ dám phản kháng mà còn biết nương tay trước mạng sống của kẻ đang áp bức mình. Tất thảy làm nên cái “tầm” cho câu chuyện, dĩ nhiên không ở khía cạnh khát khao tham vọng gì to tát, nó xuất phát từ chữ “tâm” thôi.

Phần kết có cảnh Solomon ngồi trên xe toan vẫy tay từ giã các bạn hữu nô lệ nhưng vó ngựa lại thình lình rẽ ngoặt khiến họ khuất khỏi tầm mắt. Đọc mà rơm rớm… Hẳn nhiên, Solomon chưa từng có ý nhào nặn một nhân vật anh hùng – người bứt tung xiềng xích giải phóng cho nòi giống. Cố công tự giải thoát mình, nài xin sự đoái thương, giúp đỡ từ những đấng cao hơn mình, với ông vậy là đủ!

Khi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ khánh thành tượng Thần Tự do năm 1886, không biết có ai chợt nhớ về Chế độ nô lệ, chợt thấy dư ảnh của nó – “cái thiết chế quái gở” gần năm mươi năm trước Solomon Northup phải trải qua, nguyên nhân gây ra nội chiến hai miền Nam, Bắc. Solomon Northup đâu muốn kể chi ngoài sự thật, song chính sự thật đó đã khơi mở cảm hứng cho những tiểu thuyết nổi tiếng như Túp lều của Bác Tom. Không quá lời khi nói, nếu Solomon còn sống, hẳn Nelson Mandela – người đấu tranh không nguôi nghỉ cho Tự do, Bình đẳng – sẽ tìm tới bắt tay ông, bởi nước Mỹ hay bất cứ nơi đâu trên thế giới đều thuộc về tất cả những ai sống ở đó, dù Trắng hay Đen.

Người đương thời đọc 12 năm nô lệ và quý trọng cái công minh của một nô lệ đã nhìn ra những ông chủ tốt – ông chủ xấu; trên hết thảy để thấy Chế độ nô lệ phải qua đi, đã qua đi như một dấu chấm kết trong lịch sử.

Tôi, Charley Và Hành Trình Nước Mỹ

Tôi, Charley Và Hành Trình Nước Mỹ

Ở tuổi 58, sau một thời gian sống ở nước ngoài, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học John Steinbeck quyết định tái khám phá đất nước mình. Ông lái một chiếc xe bán tải có cabin trên thùng xe, cùng con chó Charley rong ruổi khắp nước Mỹ.

Đó là một hành trình gần mười ngàn dặm mà John Steinbeck gọi là hành trình “đi tìm nước Mỹ”. John Steinbeck đối diện với nhiều hoàn cảnh, sự kiện, con người trong suốt chuyến đi. Ông tìm thấy sự đa dạng của người Mỹ và phong cảnh nước Mỹ, nhưng cũng tìm cách khái quát nên những nét chung. Ông cũng phải đối diện với nhiều vấn đề của bản thân, chủ yếu là nỗi cô đơn và vấn đề sức khỏe.

Nhà văn đã luôn đứng về phía những người lao động, đã thấy tổ quốc mình tồn tại không phải ở các địa danh mà trước hết, và quan trọng nhất, ở những con người đã lựa chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống và, dù khác nhau, đều chỉ đang cố gắng thực hiện một hành trình tồn tại xứng đáng nhất.

Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn

Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn

Câu chuyện kể về những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn trên dòng sông Mississippi với người bạn là Jim, một nô lệ đang chạy thoát. Quyển sách miêu tả những cảnh vật trên dòng sông và châm biếm những quan điểm ở miền Nam Hoa Kỳ thời tiền chiến, đặc biệt là quan điểm kỳ thị chủng tộc. Hình ảnh Huck và Jim trên chiếc bè chạy theo dòng sông, đi đến tự do, là một trong những hình ảnh bất hủ nhất trong văn học Hoa Kỳ.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button