9 sách hay về nông nghiệp hữu cơ nên đọc
9 sách hay về nông nghiệp hữu cơ. Khuyên đọc quyển Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm, Quả Táo Thần Kỳ Của Kimura và Làm Vườn Bền Vững (For Dummies).
Quả Táo Thần Kỳ Của Kimura
Quả táo thần kỳ của Kimura không chỉ kể về câu chuyện trồng táo của Akinori Kimura – nông dân Nhật Bản – người đã kiên trì trồng táo trong suốt 20 năm mà còn là câu chuyện khích lệ ý chí con người.
“Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó sẽ gặp được câu trả lời”. Lời của Kimura chính là cuộc đời Kimura. Cái điên của Kimura không cần nói cũng biết, đó là trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Ngay từ đầu đã biết việc đó là bất khả thi 100% rồi, ấy vậy mà “kẻ ngốc ấy” vẫn tận tâm làm bằng được.
Kimura đã không dùng thuốc bảo vệ thực vật trên mảnh vườn của mình, sau đó toàn bộ cây táo đổ bệnh, lá chuyển từ màu xanh sang đốm vàng và rụng xuống chỉ để lại cành cây trơ trụi. Trong các năm tiếp theo, thu nhập từ táo trở về con số 0, ông lại làm một việc ngu ngốc đấy, nhưng ông luôn tự nhủ “Chỉ thêm một năm nữa thôi, cố gắng xem sao”. Năm tháng qua đi, việc từ bỏ càng trở nên khó khăn. Nếu bỏ cuộc ở đây, những khó nhọc từ trước tới nay sẽ trở thành vô ích. Đến năm thứ 5 thì tình trạng vẫn chẳng có chuyển biến, ông bị gọi là “kẻ phá gia chi tử”, “Gã đó đầu óc có vấn đề rồi”, ‘ngốc cũng lây đấy nên đừng có lại gần”. Ngân sách trong nhà bị cạn kiệt, không thể mua quần áo mới cho con, đến đồ dùng học tập cũng không thể mua được đầy đủ, rồi việc không thể mang lại cho các con niềm vui bằng con nhà người ta, con tim rằng xé thành hai nửa, đấu tranh lẫn nhau. Một phần trong ông nói rằng chắc chắn làm được, một phần khác lại nói tuyệt đối không làm được. Đâu là tiếng nói của thiên sứ, đâu là tiếng nói của ác ma. Ông cứ cho mình thêm cơ hội suốt những năm tháng ròng rã ấy, những năm tháng tăm tối nhất của gia đình Kimura.
Do phải chịu quá nhiều áp lực, quá nhiều gánh nặng, một buổi tối Kimura đã nghĩ tới việc tự sát. Ông cầm theo một sợi dây thừng và đi bộ lên sườn núi để quyên sinh. Nhưng dưới ánh trăng sáng lờ mờ, ông đã phát hiện ra một điều kỳ diệu, không những cứu mạng ông mà còn giúp ông hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Ở đó, Kimura phát hiện ra một gốc cây tươi tốt, kết đầy trái. Ông rất ngạc nhiên, tự hỏi, trên núi cũng có côn trùng xâm hại, tại sao loài cây này có thể sinh trưởng tốt như thế?
Kimura vận dụng hết các giác quan của mình để tìm tòi, quan sát. Cuối cùng ông cũng phát hiện, thì ra bùn đất, độ xốp, không khí, độ ẩm, thậm chí mùi của đất cũng khác với đất trong khu vườn của ông. Kimura như bừng tỉnh, chất đất mới chính là điểm mấu chốt của việc gieo trồng táo. Ông hồ hởi xuống núi, chạy thật nhanh về nhà và bắt tay vào công việc.
20 năm , quả táo của Kimura trở thành trái cây thần kỳ nhất thế giới. Quả táo của ông cắt thành hai nửa, để trong không khí 2 năm không hư thối, chỉ là trở thành quả khô héo rũ hết hương, các chuyên gia lắc đầu liên tục than rằng thật không thể tưởng tượng nổi.
Hi sinh thầm lặng, hết thất bại này đến thất bại khác nhưng ông vẫn không từ bỏ. Ông thì thầm với cây táo “Xin lỗi vì đã bắt mày phải cố gắng quá mức. Mày không cần ra hoa cũng được, không cần ra quả cũng được, chỉ làm sao đừng chết khô cho tao nhờ nhé!”. Rồi đến khi có cây thực sự đã đơm hoa kết trái rồi, ông khẳng định: “Không, chẳng phải tôi đâu, là những cây táo đang cố gắng đấy”.
Chỉ cần nhìn Kimura, người ta có thể hiểu rõ giấc mơ ấy đối với ông là thứ to lớn đến thế nào. Nó giúp ta nhớ ra cuộc đời thật đáng sống, Kimura người đã vứt hết kiêu hãnh, làm việc không ngừng nghỉ cả sáng lẫn tối để thực hiện ước mơ, là người hùng chẳng ai biết tới của riêng họ.
Cuốn sách hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc một câu chuyện vô cùng chân thực và bài học vô cùng sâu sắc, khích lệ ý chí con người mạnh mẽ.
Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm
“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.
Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.
Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.
Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.
Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.
Nông Nghiệp Xanh, Bền Vững – Thực Hành Nông Nghiệp Hữu Cơ
Lựa chọn tốt nhất của người sản xuất nông nghiệp hiện nay là sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Để giúp cho bạn đọc, đặc biệt là những người nông dân trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta, cuốn sách “Thực hành nông nghiệp hữu cơ” của tác giả Nguyễn Quang Tin cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về nông nghiệp hữu cơ và biện pháp kỹ thuật trong thực hành nông nghiệp hữu cơ.
Cuốn sách được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm và thành tựu của tác giả sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bảo tồn.
Ủ Phân Hữu Cơ (for Dummies)
Trong những năm gần đây, các vấn đề về môi trường và lối sống xanh đang ngày càng được xã hội quan tâm rộng rãi, và ủ phân hữu cơ là một hoạt động được đông đảo mọi người hưởng ứng. Tái chế rác thải hữu cơ ngay tại nơi chúng phát sinh, thay vì vận chuyển chúng tới bãi chôn lấp rác thải, là một phần không thể thiếu của lối sống thân thiện với môi trường. Phân ủ, thành phẩm hảo hạng của quá trình này, mang lại những lợi ích trên cả tuyệt vời cho khu vườn nhà bạn.
Cuốn sách “Ủ phân hữu cơ for dummies” dành cho những người giống như nhân vật cổ tích trứ danh Rumpelstiltskin luôn đau đáu ước muốn biến rơm thành vàng. Bất cứ người làm vườn thông thái nào cũng đều xem phân ủ của họ là vàng đen.
Cuốn sách này đem đến cho bạn giải pháp để biến rác thải hữu cơ vô dụng như rác vườn, rác thải nhà bếp, và dĩ nhiên là cả rơm rạ thành một đống ủ vụn tơi màu đen vô cùng quý giá, có khả năng cải thiện chất lượng đất và nuôi dưỡng cây trồng.
Nếu bạn chọn cuốn sách này chỉ vì tò mò và việc ủ phân thực sự mới mẻ đối với bạn, xin đừng e ngại. Công việc này chẳng có gì khó khăn hay huyền bí: mọi vật hữu cơ đến cuối cùng cũng đều phân hủy. Cuốn sách này hướng dẫn bạn tất cả các bước để ủ phân hữu cơ hiệu quả mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Cuốn sách này được chia làm năm phần chính, mỗi phần đề cập đến một chủ đề chung có liên quan đến ủ phân. Hãy xem qua tóm tắt mỗi phần dưới đây, và có thể đọc thẳng luôn phần nào mà bạn cảm thấy đánh trúng những nhu cầu của bạn về ủ phân.
Gieo Mầm Trên Sa Mạc
Sau thành công gặt hái được từ cuốn Cuộc Cách Mạng Một-Cọng-Rơm, nhà nông học Masanobu Fukuoka đã đi đến Châu Phi, Ấn Độ, miền Nam Châu Á, Châu Âu và nước Mỹ, ông bắt đầu có niềm đam mê vào việc vận dụng kĩ thuật nông nghiệp quay-về-với-tư-nhiên với mục tiêu làm sống lại những mảnh đất khô cằn trên sa mạc, làm sao để hạt mầm lại một lần nữa nảy nở và sản sinh sự sống từ nơi đất chết, đó là lý do Gieo mầm trên sa mạc ra đời.
Làm Vườn Bền Vững (For Dummies)
Donna Ellis là giảng viên về làm vườn, nhà thiết kế sân vườn cũng như chuyên gia về vấn đề làm vườn bền vững. Bà giảng dạy tại Viện Giáo Dục Kỹ thuật và Sau Đại Học (TAFE) và cộng tác với tổ chức Sustainable Gardening Australia (Làm vườn bền vững Úc) và tổ chức Greening Australia (Xanh hóa nước Úc)
Với cuốn sách “Làm vườn bền vững For Dummies” , Donna Ellis mang đến cho độc giả những phương pháp phân tích đất trồng và giải quyết các vấn đề về đất trồng, đồng thời là những công thức xác định dung tích phù hợp cho bồn chứa nước. Ngoài ra độc giả còn có thể tìm hiểu những cách thức để giữ cho cây trồng khỏe mạnh mà không cần sử dụng hóa chất, những vật liệu nên và không nên dùng làm phân ủ. Cuối cùng là những cách thức tuyệt vời để trồng rau, cây ăn quả và những ý tưởng hay cho việc trồng cây trong không gian nhỏ.
Nếu đã nghe nói đến những vấn đề sức khỏe của hành tinh chúng ta, có lẽ bạn đã từng nghe về khái niệm bền vững. Giờ đây, nhờ vào “Làm vườn bền vững For Dummies” bạn có thể hoàn toàn áp dụng những nguyên lý ấy cho mảng sau vườn nhà mình. Hãy cùng “Làm vườn bền vững For Dummies” tìm hiểu những kỹ thuật thật tuyệt vời và lên ngay kế hoạch cho khu vườn bền vững, nơi mà cây cối và chính bạn có thể sống vui khỏe và lành mạnh.
Nông Nghiệp Xanh, Sạch – Kỹ Thuật Trồng Cây Ăn Trái Và Cây Lương Thực Hữu Cơ
Đặc điểm, lợi ích của cây ăn trái và cây lương thực hữu cơ. Dụng cụ vật liệu, kĩ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sử dụng cây ăn trái và cây lương thực hữu cơ.
Nông Nghiệp Xanh, Sạch – Kỹ Thuật Trồng Cây Và Hoa Thủy Sinh
Cây thủy sinh trồng ở chậu hoặc ở trong bể cá cảnh, hồ nước, hòn non bộ, khe nước chảy, đều mang lại sự sinh động và hài hòa cho không gian, sự thư thải cho con người, làm tăng vẻ đẹp của kiến trúc không gian, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Nhưng muốn trồng được cây thủy sinh bạn cần nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăm bón và cách phòng trị sâu bệnh, mới đem lại hiệu quả như mong muốn.
Cuốn sách nhỏ này sẽ giới thiệu các loại cây thủy sinh thông dụng, và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm bón, cách bố trí hoa thủy sinh một cách hài hòa hợp lý, qua đó giúp bạn tạo cho mình một không gian sống lý tưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hy vọng cuốn sách là tập tài liệu hữu ích đối với những người yêu thích cây cảnh, yêu chuộng thiên nhiên.
Nông Nghiệp Xanh, Sạch – Kỹ Thuật Trồng Chuối An Toàn Hiệu Quả
Kỹ thuật chọn giống, cách trồng, chăm sóc và một số cách phòng trừ sâu bệnh cho cây chuối.