7 sách hay về Mông Cổ nên đọc
7 sách hay về Mông Cổ. Khuyên đọc quyển Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại và Mông Cổ Bí Sử.
Mông Cổ Bí Sử
Mông Cổ bí sử là tác phẩm văn học viết đầu tiên của người Mông Cổ. Đây cũng là một tác phẩm sử học, ghi chép quá trình hình thành và phát triển của các bộ tộc trên thảo nguyên, từ giai đoạn khởi thủy cho đến năm thứ mười hai đời Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài (1240). Trong đó, nổi bật hơn cả là sự trỗi dậy của Đế quốc Mông Cổ với những cuộc chinh phạt khắp bốn phương do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy.
Đúng như tên gọi, bộ sách này vốn là tài liệu bí mật của Mông Cổ và sau đó là triều đình nhà Nguyên, chỉ gìn giữ trong hoàng cung, không cho truyền ra bên ngoài. Sau khi lật đổ nhà Nguyên và chiếm lấy Đại Đô, nhà Minh tìm thấy bộ Mông Cổ bí sử. Đáng chú ý là toàn văn viết bằng chữ Hán, các văn nhân người Hán nhìn chữ nào cũng biết, nhưng đọc lên thì chẳng hiểu được câu nào!
Thì ra sách này dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Mông Cổ, tựa đề viết tám chữ Mang Hoát Luân nữu sát thoát sát an (Mongqol-un niuča tobča’an, 忙豁侖紐察脫察安). Trong đó, Mang Hoát Luân (Mongqol-un, 忙豁侖) là Mông Cổ, nữu sát (niuča, 紐察) có nghĩa là bí mật và thoát sát an (tobča’an, 脫察安) có nghĩa là tài liệu. Cả cụm từ nghĩa là “Tài liệu bí mật của Mông Cổ”.
Có thể nói, Mông Cổ bí sử là một bộ sách hết sức đặc biệt, được nhà văn Kim Dung gọi là “hữu tự thiên thư”. Trong bài Hậu ký của tiểu thuyết Xạ điêu anh hùng truyện, Kim Dung viết:
Trên thế giới có rất nhiều học giả dùng cả đời để nghiền ngẫm và nghiên cứu, công bố hàng loạt luận văn, sách chuyên đề, giải thích âm đọc, thậm chí còn xuất bản cả tự điển chuyên ngành, mỗi chữ Hán kỳ lạ đều có thể tra ra được nghĩa gốc trong tự điển. Bất cứ ai muốn nghiên cứu lịch sử thế giới suốt tám trăm năm qua thì không thể không đọc Mông Cổ bí sử.
Nhìn từ phương diện văn học, có thể xem Mông Cổ bí sử là một bản anh hùng ca. Bởi lẽ cuộc đời chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn cũng lẫy lừng ngang ngửa với Alexandros Đại đế hay Julius Caesar ở phương Tây, đồng thời cũng giàu chất sử thi không hề thua kém chiến tranh thành Troia trong thần thoại. Đúng như sử gia Kha Thiệu Mân đánh giá: “Quân của Thành Cát Tư Hãn đi vạn dặm mà cứ như ra vào cửa ngõ, từ thời Tam đại về sau chưa từng có”.
Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại
Ở phương Tây, ta thường nghĩ Hy Lạp và La Mã là hai đế chế giúp dẫn đến sự phát triển của thế giới hiện đại. Mặt khác, đế chế Mông Cổ và Thành Cát Tư Hãn không được các sử gia phương Tây chú ý nhiều. Mỗi khi được nhắc đến, chủ đề này đều bị đặt trong một bối cảnh tiêu cực, với những câu chuyện về sự tàn bạo và hiếu chiến.
Tuy nhiên, câu chuyện về Thành Cát Tư Hãn và đế chế của ông rất thú vị và đáng để kể lại. Từ thời thơ ấu gian khó của Thành Cát Tư Hãn đến quá trình xây dựng đế chế thương mại đầu tiên, cho đến sự kết nối chặt chẽ với các lục địa châu Âu và châu Á, quyển sách Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại sẽ kể lại câu chuyện có thật về vị hoàng đế này.
Lược Sử Thế Giới Bằng Tranh – Đế Chế Mông Cổ
Đây là bộ sách lược sử thế giới bằng tranh gồm 11 tập kể về các thời kì lịch sử của thế giới từ xã hội nguyên thủy, xã hội phong kiến, các cuộc chiến tranh thế giới tới thời hiện đại.
Tô Tem Sói
Tiểu thuyết Tôtem sói hoàn toàn không theo một bố cục tiểu thuyết kinh điển. Đây như thể là câu chuyện cố tình làm ra vẻ “biết đâu kể đó” của một nhân vật như thể là nhân vật chính – một thanh niên trí thức Bắc Kinh tên là Trần Trận, cùng các thanh niên trí thức khác đi về đất Nội Mông “lao động thực tế”. Câu chuyện được kể lại qua cái nhìn của Trần Trận, một trong bốn thanh niên trí thức Bắc Kinh, những người bị quy kết là con em của bọn “xã hội đen đi theo con đường chủ nghĩa tư bản”, bọn “độc quyền học thuật phản động” trong những ngày tháng “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc. Do cảnh ngộ, và do ác cảm với bọn “Hồng vệ binh ngu si dốt nát”, nên đầu mùa đông năm 1967 họ đã tạm biệt Bắc Kinh ồn ào, cùng nhau đi tìm cuộc sống yên bình trên thảo nguyên Nội Mông. Ở đây, Trần Trận đã được ông già Pilich nhận làm con nuôi. Và từ ông – một người sinh ra và lớn lên trên thảo nguyên Ơlôn, mang trong mình mọi tri thức sống và văn hóa của thảo nguyên – Trần Trận bắt đầu có tình cảm với sói, yêu sói và tôn thờ sói… Thậm chí Trần Trận còn chui vào hang sói bắt sói con về nuôi để tìm hiểu về cuộc sống của loài sói…
Vị trí của sói đối với thảo nguyên thật quan trọng. Nói như ông già Pilich “Sói chết sạch thì thảo nguyên cũng hết sống. Thảo nguyên mà chết, người và gia súc sống nổi không?”. Tình cảm của người dân thảo nguyên với sói cũng hết sức phức tạp. Họ giết sói nhưng đồng thời họ tôn thờ sói và “học tập từ sói”. Trong con mắt của người dân thảo nguyên, sói không phải là kẻ thù của họ. Sói chính là người bảo vệ thảo nguyên. Thảo nguyên có bốn đại họa: chuột, thỏ, rái cá cạn và dê vàng vì chúng là những động vật tận diệt đồng cỏ. Sói bắt chuột, bắt thỏ, bắt rái cá, đuổi dê vàng. Mùa đông trên thảo nguyên, súc vật chết bị đóng băng, đến mùa xuân khi băng tan, thịt súc vật bắt đầu thối rữa, chính sói lại là người dọn sạch những mầm dịch đó cho thảo nguyên. Chính vì vậy người dân thảo nguyên giết sói nhưng vẫn chung sống cùng sói. Họ học tập từ sói “chiến thuật” vây bắt con mồi, học từ sói tính kiên nhẫn và lòng quả cảm…
Điểm nhấn tạo sự lôi cuốn nhất của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ tác giả thông qua thế giới sói đã tìm cách lý giải điều bí ẩn lớn của lịch sử: “Tại sao Thành Cát Tư Hãn lại có đủ sức mạnh tung hoành, xâm chiếm từ Á sang u, chỉ với một đội quân không lấy gì làm đông đảo?”. Thành Cát Tư Hãn đã học được sự hung bạo, kiên nhẫn, mưu trí, chiến thuậ từ sói chăng? Vì sao dân tộc Mông Cổ suốt đời sống trên lưng ngựa lại sùng bái sói, thờ tôtem sói?
Cuốn sách dạy cho chúng ta cách ứng xử với tự nhiên. Sự săn bắt tận diệt của con người là một đại họa. Người dân thảo nguyên Nội Mông săn bắn bao giờ cũng chừa những con cái đang bận đàn con, chừa những con nhỏ chỉ săn bắt những con đực. Vì họ quan niệm rằng nếu tận diệt thì sau này sẽ không còn nguồn thức ăn, cũng đồng nghĩa với việc tuyệt đường sống của chính họ…
Vòng Quanh Thế Giới – Mông Cổ
Mỗi đất nước trên thế giới đều có rất nhiều điều thú vị để khám phá. Với chuyến du hành Vòng quanh thế giới, bạn sẽ được ghé thăm rất nhiều quốc gia, địa điểm nổi tiếng, biết thêm nhiều truyền thống văn hóa, lễ hội lí thú của con người khắp mọi nơi.
Nào, còn chần chừ gì nữa, lên đường thôi!
- Thành Cát Tư Hãn là ai?
- Cung điện Mùa Đông có gì đặc biệt?
- Làm sao để nghe sa mạc hát?
- Chiến binh Mông Cổ được gọi là gì?
Đất nước được mệnh danh vùng đất của bầu trời, người dân sống theo lối du mục, gắn bó với lưng ngựa suốt cuộc đời.
Tớ là Khan! Mời bạn đến thăm đất nước thảo nguyên hùng vĩ của tớ: Mông Cổ!
Lịch Sử Thế Giới 5 – Thập Tự Chinh Và Đế Quốc Mông Cổ
Tập 5 của bộ truyện LỊCH SỬ THẾ GIỚI nói về những sự kiện lịch sử trên thế giới từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Ở phương Tây, các cuộc Thập tự chinh được tổ chức, tạo ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội châu Âu. Trong khi đó, ở phương Đông người du mục Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn nổi lên trở thành một thế lực vô cùng to lớn.
Với sự bành trướng nhanh chóng, Hồi giáo trở thành một mối đe dọa cho sự tồn vong của châu Âu. Trước sự xâm lăng mạnh mẽ của người Hồi giáo, Giáo hoàng La Mã đã phát động những cuộc thập tự chinh nhằm đẩy lùi người Hồi giáo khỏi châu Âu đồng thời chiếm lại những vùng đất vốn thuộc về người Cơ Đốc giáo, đặc biệt là vùng đất thánh (Israel – Palestine ngày nay). Các cuộc thập tự chinh tuy cuối cùng không đạt được thành quả như mong muốn nhưng đã tạo ra những con đường giao thương ảnh hưởng lớn tới Tây Âu sau này, và khiến cho người Hồi giáo không thể thực hiện dã tâm chinh phục châu Âu.
Sau những cuộc thập tự chinh, giai cấp nông nô bị xóa bỏ, xã hội phong kiến châu Âu ngày càng suy yếu, quyền lực của Giáo hoàng La Mã cũng không còn lớn như trước. Anh và Pháp trở thành các quốc gia mạnh ở châu Âu. Hai quốc gia này liên tục có những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ cũng như tầm ảnh hưởng với các quốc gia khác. Trong cuộc chiến tranh Trăm Năm, Jeanne d’Arc – một thiếu nữ 17 tuổi trở thành người lãnh đạo quân đội Pháp giành được nhiều chiến thắng trước quân đội Anh, góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng cho nước Pháp sau này.
Trong khi đó, ở phương Đông, các bộ tộc du mục Mông Cổ được thống nhất dưới tay Thiết Mộc Chân – một thủ lĩnh trẻ. Ông được tôn phong là Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) và trở thành nỗi kinh hoàng ở bất cứ đâu mà vó ngựa Mông Cổ đi qua. Vào lúc mạnh nhất, đế quốc Mông Cổ từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn từ đông Âu cho tới hết lãnh thổ Trung Hoa ngày nay. Cháu của Thành Cát Tư Hãn – đại hãn Hốt Tất Liệt thành lập nhà Nguyên với việc dời đô về Khanbaliq (Bắc Kinh).
Dưới triều Nguyên, với lãnh thổ rộng lớn, việc giao thương giữa phương Đông và phương Tây trở nên thông suốt hơn. Hốt Tất Liệt có đặt một số chức quan là người tây phương, trong đó có Marco Polo. Ông là một trong những người đầu tiên đi bằng đường bộ từ châu Âu sang tới phương Đông, và được đại hãn Hốt Tất Liệt rất nể trọng. Những ghi chép của ông trong 17 năm ở châu Á được ghi lại trong cuốn “Mô tả về thế giới”, trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho những người yêu thích khám phá sau này.
Thành Cát Tư Hãn – Du Trí Tiên, Chu Diệu Đình
Suốt bao thế kỷ nay cả thế giới đều coi Thành Cát Tư Hãn là một đại họa giáng xuống nhân loại. Cuộc đời của ông là một hình ảnh thu gọn lại mười hai thế kỷ mà dân du mục miền đồng cỏ đã tràn ra bốn phương tàn phá các dân tộc định cư có nền văn minh vững chãi. Trước ông không có nhà chinh phục nào gây được uy vu làm kinh hoàng cả thiên hạ, đến nỗi riêng dân Âu Châu khi nghe đến tên Thành Cát Tư Hãn đều hãi hùng cho là “Ngày tận thế đã tới rồi”….
Nhưng các sử gia gần đây khi nghiên cứu tỉ mỉ cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn đều nhận thấy rằng tính tàn bạo của ông là do hoàn cảnh sống gay go khốc liệt ở miền đồng cỏ hoang mà ra – một thứ tàn bạo của thiên nhiên… Bên cạnh cái tính tàn bạo đến khủng khiếp, người ta thấy ông có một khía cạnh cao thượng, quý phái không thể phủ nhận được.