List sách

12 sách hay về Trịnh Công Sơn nên đọc

12 sách hay về Trịnh Công Sơn. Khuyên đọc quyển Đằng Sau Những Nụ Cười, Trịnh Công Sơn và Bob Dylan và Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai.

Trịnh Công Sơn Và Cây Đàn Lyre Của Hoàng Tử Bé

Trịnh Công Sơn Và Cây Đàn Lyre Của Hoàng Tử Bé

Là cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn, do một người bạn từ thời thiếu niên của nhạc sĩ họ Trịnh viết.

Thông qua tập sách, người đọc sẽ được biết về Trịnh Công Sơn tuổi ấu thơ, những tư tưởng ảnh hưởng đến quan niệm triết học của nhạc sĩ họ Trịnh, tuổi thanh niên với nghề gõ đầu trẻ ở Bảo Lộc và những năm tháng trốn lính lao đao hết Huế đến Sài Gòn, những nghi ngại đến từ hai phía và con người Trịnh Công Sơn trong những năm tháng hòa bình.

Cuốn sách được viết dưới nhiều thể loại văn học như truyện ngắn, tản văn, hồi ức, chuyện kể… hình thành nên một tác phẩm về một con người – con người Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan

Bằng phương pháp đối chiếu văn hóa và sử dụng chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng, tác giả John C.Schafer đặt Trịnh Công Sơn bên cạnh Bob Dylan để giải quyết các câu hỏi: Liệu Trịnh Công Sơn có phải là một Bob Dylan của Việt Nam hay không?; có những tương đồng, dị biệt nào giữa họ trong tư cách nghệ sĩ và con người xã hội?

Một “sân khấu” được dựng lên với những cuộc khảo sát thú vị trên các phương diện: tôn giáo, chính trị, chiến tranh, tình yêu và chung quy là hai bối cảnh văn hóa đã hun đúc nên hai tài năng này. Từ đó, không chỉ vấn đề tiểu sử cá nhân, tiểu sử nghệ thuật, cá tính sáng tạo, vai trò trí thức của Trịnh Công Sơn và Bob Dylan được trình bày cụ thể, lý tính, mà cuốn sách này còn tái hiện một bức tranh thời đại biến động qua những tương đồng, dị biệt của hai nhân vật lớn thuộc về hai nền văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh xung đột, chiến tranh những năm 1960-1970.

Cuốn sách không dừng lại ở những vấn đề thuộc phạm vi âm nhạc, mà xa hơn, soi tỏ một phông nền thời cuộc. Từ đó, có thể lý giải vì sao Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đã trở thành hai tượng đài vượt ra khỏi khuôn khổ nền văn hóa của mình.

Chiều Kích Tâm Linh Trong Nhạc Trịnh Công Sơn

Chiều Kích Tâm Linh Trong Nhạc Trịnh Công Sơn

Trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn đã, đang và chắc chắn sẽ là một ngôi sao sáng mãi. Những bài hát bất tử về “quê hương, tình yêu và thân phận” của “người hát rong qua nhiều thế hệ” này vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn yêu thích chiều sâu triết lý nhân sinh, muốn tìm được ý nghĩa và mục đích sống đích thực.

Khi nói đến “quê hương”, ngoài tiếng khóc, tiếng cười dành cho sự trầm thăng của đất nước, chúng ta còn thấy một “quê quán”, “quê nhà” rất lạ nơi nhạc của ông. Về “tình yêu” cũng vậy, dễ hiểu, dễ cảm như “tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” nhưng cũng rất độc đáo với những câu hát lạ như “ ru em là cánh nhạn miệng ngọt hạt từ tâm” hay “yêu em yêu thêm tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”, v.v.. Về “thân phận”, nếu là “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” thì không có gì phức tạp, nhưng “ôi cát bụi tuyệt vời mặt trời soi một kiếp rong chơi” hay “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về” thì quả tình không đơn giản. Phải chăng những điều lạ kỳ “không giống ai” này chính là nỗi niềm riêng suốt một đời trăn trở trong trái tim của Trịnh? Vẫn tự tại ung dung khi “thanh thản trong sự cô đơn của chính mình”, nhưng đồng thời cũng đầy khắc khoải trên bước độc hành, khoác trên vai “một điều giấu kín”.

Điều giấu kín là điều gì? Tại sao phải giấu kín? Có giấu kín hoàn toàn không? Có thể nói dù Nhạc sĩ muốn giấu nhưng đồng thời cũng muốn mở, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rất rõ phần nào tâm sự đó khi nương theo một số “đầu mối” nơi ca từ, cùng tùy bút đã để lại của ông . Từ đó, “bí mật” đã được “bật mí” một phần. Tập sách này được soạn như một cố gắng nhỏ đi vào những đầu mối như vậy.

Đằng Sau Những Nụ Cười

Đằng Sau Những Nụ Cười

“Một hôm tôi hỏi Sơn: “Sống trong đời mình cần phải có gì? Làm gì?” Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: “Cần có một tấm lòng”. Tôi nhìn Sơn: “Một tấm lòng?”, ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn… Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. “Sống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để… gió cuốn đi”. Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gầy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu dội vào cõi u tối, ngu muội.”

(Khánh Ly)

Nhắc đến cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, người ta lập tức nhắc đến Khánh Ly, người mà đến giờ chưa ai có thể thay thế trong dòng nhạc Trịnh. Lần đầu tiên, một quãng đời được chị chia sẻ cùng độc giả, khán giả của mình qua cuốn sách Đằng sau những nụ cười. Đó là cả một quãng thời gian 50 năm đi hát cũng như bôn ba khắp bốn phương của chị, thấp thoáng bóng dáng những người đàn ông mà theo chị “nợ cả cuộc đời”. Và dù đi đâu, làm gì, trong tim chị vẫn thiết tha cháy bỏng ước muốn “mãi mãi làm một người Việt Nam nguyên vẹn hình hài”:

“Tôi muốn được mãi mãi làm một người VIỆT NAM… NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI… trong cái cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Một cộng đồng biết thương nhau bằng trái tim Việt Nam, thì tôi cũng sẽ không phải, không đến nỗi phải yêu thương cuộc đời bằng chính trái tim… của tôi. “MỖI NGÀY TÔI CHỌN NGỒI THẬT YÊN. NHÌN RÕ QUÊ HƯƠNG, NGỒI NGHĨ LẠI MÌNH. TÔI CHỢT BIẾT RẰNG VÌ SAO TÔI SỐNG, VÌ ĐẤT NƯỚC CẦN MỘT TRÁI TIM”. Tôi ở đây và tôi cũng cần một trái tim.”

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai gồm những bài viết dưới dạng kỷ niệm, hồi ức, cảm tưởng, nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông, phần lớn đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ trước và sau ngày ông mất, của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, ở trong và ngoài nước.

Mỗi người dưới góc nhìn riêng đã bày tỏ tình cảm, suy tư và nhận thức của mình về cuộc đời và những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ cảm nhận được qua cuốn sách Trịnh Công Sơn, Tôi là ai, là ai … những thông tin và nhiều điều hữu ích về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa mà chúng ta vô cùng yêu quý.

Trịnh Công Sơn – Một Nhạc Sĩ Thiên Tài

Trịnh Công Sơn – Một Nhạc Sĩ Thiên Tài

Ngay cả với người đã cống hiến rất nhiều cho đời như Trịnh Công Sơn, thì vẫn nguyên khối dở dang còn lại giữa người ra đi và người ở lại. Lòng càng lớn, tài càng cao thì ý nguyện càng nhiều. Làm sao chẳng dở dang? Bao nhiêu biểu hiện tiếc thương mến mộ của người sống là bấy nhiêu sự níu kéo bất lực, bấy nhiêu mối giao tình sửa soạn chùng xuống.

Cái dở dang ấy là một ẩn số, suốt đời là một con số chưa biết và sẽ không bao giờ biết. Đời sống chúng ta ngày một ngày hai sẽ cộm lên những số chưa biết như thế này để cho từng dòng người, từng thế hệ nương theo, truy tìm.

Trịnh Công Sơn – Ánh Nến Và Bạn Bè

Trịnh Công Sơn – Ánh Nến Và Bạn Bè

Trịnh Công Sơn

Mười năm là một thời gian ngắn ngủi cho người này nhưng cũng thật là dài cho người khác, những danh xưng, những bài viết, những lời tuyên dương dành cho anh, có lẻ không còn cần thiết nữa, cuốn tuyển tập này không hề là một cuốn sách, chỉ là những ghi chép tưởng nhớ anh của những người thân thiết và bạn bè, là một nén nhang thắp lên trong những ngày này.

Mười năm mà hằng đêm, giữa phố thị, các làng mạc vang lên các ca khúc của anh như một lời thì thầm, nhắc nhở về một tình yêu con người, một khát vọng của dân tộc…

Ánh nến

Có thể hình dung Trịnh Công Sơn là người dung dị và thân thiện, chúng ta nghe anh qua ánh nến ở một quán cà phê hay ở một mái lá đầm ấm, giữa anh và chúng ta không là ánh đèn chói chang, mà là ánh sáng thật sự vừa đủ soi mặt nhau và soi rõ mặt người khác. Anh đã không hề ra đi, mỗi ngày một tăng lên những người hiểu anh, hiểu nỗi lòng của một kẻ hát rong, hát về thân phận mình và dân tộc mình. Càng nghe anh, chúng ta lại càng hy vọng vào một ngày tốt đẹp hơn qua nỗi lòng của một tên tuyệt vọng.

và bạn bè

Những bài viết trong tập này không ghi hết xuất xứ, chỉ sưu tầm và ghi lại những gì là tấm lòng của anh em, bè bạn để nhớ đến anh. Người anh mà mỗi khi nhắc đến mọi người đều thương mến.

Tâm Tình với Trịnh Công Sơn

Tâm Tình với Trịnh Công Sơn

Là người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và là một học giả uyên thâm, một nhà ‘Huế học’ với giọng văn giàu chất trí tuệ, suy tưởng mà vẫn mềm mại, những trang sách của ông có một sức hút riêng và làm người đọc tin cậy.

Trong Tâm Tình Với Trịnh Công Sơn, nhờ sự tinh lọc của tác giả, chúng ta có thể ‘gặp lại’ Trịnh Công Sơn với đầy đủ chi tiết đời sống, tính cách, tâm trạng cùng những giá trị mà Trịnh Công Sơn để lại cho đời.

Trịnh Công Sơn – Thư Tình Gửi Một Người

Trịnh Công Sơn – Thư Tình Gửi Một Người

Tập sách gồm toàn bộ thư từ và hình ảnh liên quan mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi cho Ngô Vũ Dao Ánh – người con gái đã là nhân vật trong nhiều khúc tình ca của nhạc sĩ từ năm 1964 đến năm 1989.

Có thể nói qua tập sách người đọc sẽ hiểu hơn con người và hoàn cảnh ra đời của những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là sự chuyển hóa trong nhận thức của nhạc sĩ.

Trịnh Công Sơn – Có Một Thời Như Thế

Trịnh Công Sơn – Có Một Thời Như Thế

“Trịnh Công Sơn hô hào mọi người “phải sống, phải thấy, phải nói” và chính anh đã sống, dâng hiến trọn đời mình cho tình tự quê hương…

Một số bài viết trong cuốn sách này đã được công bố trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, báo Lao động, báo Sài Gòn tiếp thị hoặc được đưa vào một số cuốn sách về Trịnh Công Sơn mới xuất bản.”

(Nguyễn Đắc Xuân)

Trịnh Công Sơn – Cho Đời Chút Ơn

Trịnh Công Sơn – Cho Đời Chút Ơn

“Trịnh Công Sơn không những mang lại cho đời một kho tàng âm nhạc vĩ đại mà còn rất nhiều tác phẩm thơ, tranh vẽ vô cùng giá trị. Và hơn cả, ông đã đi vào lòng người hâm mộ bằng tất cả tấm lòng của một người con xứ Huế, một tư tưởng thuần định trong sáng, đồng hành với những lời ca chân tình mộc mạc nhưng đầy nghệ thuật và giá trị nhân văn.

… Bằng tất cả sự chân tình đối với độc giả và lòng biết ơn đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người viết mạo muội nghiên cứu, thu thập và biên soạn cuốn sách này. Không phải là một tiểu luận văn học, không đóng vai trò là một bài nghiên cứu, mà qua quyển sách này, tôi muốn cùng với bạn đọc hiểu biết thêm về Trịnh Công Sơn, những điều đã biết và chưa biết, nhằm để khai thác những khía cạnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng của một nhạc sĩ tài hoa.”

Trịnh Công Sơn – Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật

Trịnh Công Sơn – Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật

… Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, điều đó đã hẳn. Nhưng, trên và trước, người nhạc sĩ đó lại là một thi sĩ tự trong bản chất và trong cách thế sai sử ngôn ngữ của mình. Và chính là từ những dòng ca từ tuyệt đẹp pha lẫn những nét đau đớn xót xa và rất lạ lùng của Trịnh Công Sơn mà cuộc đời này đã mở ra chứa chan những điều tuyệt mộng và bi thiết trước mắt nhìn của chúng ta, những người nghe anh.

Chính vì thế, cho dù đây là một nhạc sĩ tài hoa, điểm nổi bật và đáng nói hơn hết trong nghệ thuật của Trịnh Công Sơn lại nằm trong những hình ảnh mà anh đã nhìn thấy hoặc khám phá ra cũng như trong cái ngôn ngữ mà anh dùng để cất giấu, hé lộ, bật mở, hoặc nâng đỡ những hình ảnh ấy và làm cho chúng ta cất cánh bay lên. Trong nhân thức đó, tập chuyên luận nhỏ này muốn đưa ra một nỗ lực phát hiện và phân tích một số ám ảnh nghệ thuật, cũng như phân tích cung cách sai sử ngôn ngữ một cách rất đặc thù của Trịnh Công Sơn… (trích Tựa của Bùi Vĩnh Phúc)

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button