List sách

22 sách hay về báo chí nên đọc

22 sách hay về báo chí. Khuyên đọc quyển Cẩm Nang Báo Chí Trực Tuyến, Giáo Trình Lịch Sử Báo Chí và Báo Chí Truyền Thông Hiện Đại.

Giáo Trình Lịch Sử Báo Chí

Giáo Trình Lịch Sử Báo Chí

Cuốn sách đề cập đến tổng quan lịch sử ra đời và phát triển của báo chí thế giới và Việt Nam; Sự phát triển của báo chí ở các Châu lục; Sự phát triển của báo chí Việt Nam qua các thời kỳ.

Cẩm Nang Báo Chí Trực Tuyến

Cẩm Nang Báo Chí Trực Tuyến

Cẩm nang Báo chí Trực tuyến đã khẳng định được mình trên toàn cầu như hướng dẫn quan trọng cho thế giới biến đổi không ngừng của báo chí kỹ thuật số, cho ta thấy nhiều khả năng nghiên cứu, viết và kể chuyện mà các nhà báo có thể được nhận thông qua công nghệ mới.

Trong ấn bản mới này, Paul Bradshaw trình bày một sự hòa trộn hấp dẫn giữa chuyên môn công nghệ với hướng dẫn thực hành trong thế giới thực, để minh họa cách mà những người được đào tạo và làm nghề báo chí có thể cải thiện việc khai triển, trình bày, cũng như khả năng đưa bài viết của mình vươn ra toàn cầu thông qua các công nghệ dựa trên web.

Kinh Tế Báo Chí (Sách Chuyên Khảo)

Kinh Tế Báo Chí (Sách Chuyên Khảo)

Cuốn sách tập trung vào những vấn đề chính của kinh tế báo chí như: các mô hình kinh doanh, kinh tế báo chí trên nền tảng kỹ thuật số, hội tụ đa phương tiện; kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược kinh doanh, những vấn đề cơ bản trong kinh doanh báo chí, Cùng với những lý thuyết cơ bản, cuốn sách đồng thời hướng đến cả những vấn đề thực tiễn trong hoạt động kinh tế báo chí hiện nay ở Việt Nam.

Báo Chí, Truyền Thông Việt Nam: Một Số Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn

Báo Chí, Truyền Thông Việt Nam: Một Số Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn

Trong suốt chặng đường 95 năm qua, từ sự ra đời của Báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo (21/6/1925 – 21/6/2020), báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về đội ngũ, loại hình, số lượng, phạm vi ảnh hưởng và chất lượng nội dung, hình thức. Tính đến đầu năm 2020, cả nước đã có hơn 850 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 5 kênh truyền hình của cơ quan báo chí; 23 cơ quan báo chí điện tử và hàng trăm trang thông tin điện tử tổng hợp…

Để giúp các cơ quan báo chí, nhà báo, nhà nghiên cứu và bạn đọc có được góc nhìn rộng, đầy đủ và sâu sắc về bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam 95 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu cuốn sách “Báo chí, truyền thông Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ – một nhà báo, nhà văn có gần 40 năm cầm bút, trải qua các cương vị khác nhau trong nghề làm báo. Cuốn sách gồm có hai mảng nội dung hấp dẫn và bổ ích:

Cơ Sở Lý Luận Báo Chí

Cơ Sở Lý Luận Báo Chí

Nền kinh tế – xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và chuyển đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên nền kỹ thuật và công nghệ số, đang hình thành môi trường truyền thông số với khả năng siêu kết nối, có thể có thêm nhiều cơ hội khơi thức và phát triển nguồn tài nguyên mềm, sức mạnh mềm quốc gia đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Báo chí – truyền thông, với thuộc tính bản chất của mình, không chỉ là phương tiện và phương thức thông tin – giao tiếp xã hội, kết nối và can thiệp xã hội, mà còn là phương tiện và phương thức thể hiện quyền lực chính trị.

Nền báo chí – truyền thông của một đất nước đang phát triển và chuyển đổi mô hình phát triển, chắc chắn rất cần một nền giáo dục – đào tạo phát triển tương thích; đồng thời đã và đang đặt ra yêu cầu cho việc phát triển nền giáo dục – đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong đó có nhân lực báo chí – truyền thông..

Pháp Luật Và Đạo Đức Báo Chí

Pháp Luật Và Đạo Đức Báo Chí

Giới thiệu tổng quan về pháp luật và luật báo chí, đạo đức báo chí, những vấn đề cơ bản của pháp luật trong hoạt động báo chí, các quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới và Việt Nam.

Báo Chí Truyền Thông Hiện Đại

Báo Chí Truyền Thông Hiện Đại

Cuốn sách tổng hợp các bài viết về báo chí, truyền thông từ thuở sơ khai đến hiện đại, đồng thời gắn báo chí, truyền thông với các vấn đề về kinh tế – xã hội, chính trị, đời sống xã hội; với trách nhiệm và công tác chuyên môn, nghiệp vụ của người làm báo.

Cuốn sách được chia thành 5 phần với 35 bài viết: Hồ Chí Minh – Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam; Sự phát triển báo chí, truyền thông hiện đại; Báo chí truyền thông và chính trị; Báo chí, truyền thông và đời sống xã hội; Nhà báo và nghề nghiệp.

Báo Chí Và Mạng Xã Hội

Báo Chí Và Mạng Xã Hội

Trong cuốn sách này, bạn sẽ gặp lại tác giả Đỗ Đình Tấn với một phong cách viết đầy tỉnh táo, lập luận nhưng vô cùng khách quan, công bằng. Bạn sẽ hiểu rõ hơn mạng xã hội, từ một khái niệm xã hội học đến một dịch vụ, tính hai mặt và lý do thu hút của mạng xã hội; đồng thời, hiểu rõ hơn báo chí truyền thống đã và đang định hình lại hoạt động của mình như thế nào, mạng xã hội đang rộng mở không gian và công việc của nhà báo ra sao.

Cuối cùng, “công” và “tội” hay mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội vốn phụ thuộc vào chính chúng ta: nhận thức, mức độ trưởng thành và cách chúng ta sử dụng công cụ truyền thông này.

Phóng Sự Báo Chí – Lý Thuyết, Kỹ Năng Và Kinh Nghiệm

Phóng Sự Báo Chí – Lý Thuyết, Kỹ Năng Và Kinh Nghiệm

Học nghề báo không thể chỉ nghe, đọc tài liệu mà rất quan trọng phần trao đổi, hướng dẫn của những người giàu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài cụ thể.

Bởi vậy, cuốn sách này ngoài cung cấp nhũng kiến thức cơ bản về thể loại Phóng Sự Báo Chí như: Hoàn cảnh lịch sử ra đời và phát triển của phóng sự, các dạng phóng sự, các quan niệm khác nhau về thể loại phóng sự cũng như các đặc điểm của thể loại này; những tố chất cần có của người viết..

Sách còn dành nhiều trang đề cập tới cách vượt qua những khó khăn khi tác nghiệp trong thực tế và cách thể hiện để bài viết sinh động, cuốn hút; cả những vấp váp của tác giả và những đồng nghiệp để bạn đọc tham khảo, sau này tránh lặp lại.

Báo Chí Lương Tâm

Báo Chí Lương Tâm

Người viết giới thiệu và cung cấp một cái nhìn chung về thông tin và đạo đức trong thông tin, đưa ra những phân tích, lý giải, những cách giải quyết xoay quanh cuộc tranh luận về đạo đức truyền thông.

Cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề đạo đức của các phương tiện truyền thông và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội, nhất là đối với các cư dân mạng thường vào facebook, những người giờ đây đang cùng các nhà báo tạo ra thông tin và truyền tải thông tin.

Biên Tập Báo Chí

Biên Tập Báo Chí

Cuốn sách Biên Tập Báo Chí được viết để phục vụ đối tượng chính là sinh viên báo chí, những người đã trở thành phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong tương lai.

Nội dung cuốn sách sẽ trả lới cho bạn đọc các câu hỏi như:

Những ai biên tập báo chí?; Vị trí và đặc điểm của công tác biên tập là gì?; Những loại lỗi phổ biến trên báo và các lỗi hi hữu, xảy ra trong các hoàn cảnh đặc biệt; Những nguyên tắc khi biên tập; Người biên tập cần những tố chất gì để hoàn thành tốt công việc trong các tòa soạn đa phương tiện? Những loại kiến thức biên tập viên phải có để phục vụ cho công việc; Những điều cần chú ý khi biên tập các chuyên đề Xây dựng Đảng, Kinh tế, Văn hóa xã hội, Pháp luật, Thể thao…

Đồng thời, cuốn sách cũng nói rõ quy trình xuất bản ở các tòa soạn, hay nói cách khác là con đường đi của một bài viết, từ bản thảo của phóng viên tới tờ báo trên tay bạn đọc (hoặc các trang điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình).

Biên Tập Ngôn Ngữ Sách Và Báo Chí

Biên Tập Ngôn Ngữ Sách Và Báo Chí

Biên tập ngôn ngữ sách và báo chí là cuốn sách biên soạn theo chương trình cho sinh viên Khoa xuất bản và Báo chí, đã được bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua.

Cuốn sách là cơ sở chung có tính lý luận và thực tiễn về những vấn đề biên tập, về những điều chuẩn mực trong công việc biên tập, đồng thời đi sâu vào nghiệp vụ, trang bị những kiến thức và những kinh nghiệm cần thiết để biên tập viên, phóng viên và cả tác giả… tiến hành công việc phân tích, xem xét đánh giá và sửa chữa văn bản bản thảo một cách khoa học, logic, nghệ thuật… nhằm nâng cao chất lượng bản thảo được tốt hơn.

Đường Vào Phóng Sự Báo Chí

Đường Vào Phóng Sự Báo Chí

Dành cho bạn trẻ muốn trở thành câu bút viết lách chính xác, sâu sắc, hấp dẫn.

Với phần phỏng vấn các nhà văn, nhà báo Dương Thụy, Nguyên Tập, Quốc Việt, Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy, Trung Nghĩa về viết lách.

Làm Báo – Mực Mài Nước Mắt

Làm Báo – Mực Mài Nước Mắt

“Lê Khắc Hoan là nhà báo kì cựu, giỏi toàn diện. Trong tác phẩm “Làm báo – Mực mài nước mắt” có nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc; những “bếp núc” của nghề báo được tái hiện rất sống động. Nhưng cao hơn nữa, ông có tầm nhìn rộng ra cả quá trình nửa thế kỷ báo chí Giáo dục, cả thời cuộc, do vậy tác phẩm có tầm khái quát cao khi kể về sự hình thành, phát triển của một tờ báo trong cơ chế thị trường mới mẻ; tích cực và tiêu cực đan xen, giành giật giằng co, đấu tranh quyết liệt… Tờ báo phát triển mạnh mẽ đến đỉnh cao chói lọi và bất ngờ… diệt vong!

Ẩn hiện trong đó là những suy ngẫm chiêm nghiệm về nghề báo trong những bối cảnh lịch sử… Người am hiểu về báo chí có thể nhìn ra những điều sâu sắc và lý thú liên quan đến Triết lý báo chí.”

(Nguyễn Vũ Tiềm – Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam)

Thuật Làm Báo – Sách Thực Hành

Thuật Làm Báo – Sách Thực Hành

Mặc dù, hiện nay các sách nghiệp vụ báo chí khá phong phú, ngoài các giáo trình của các trường báo chí thì còn nhiều sách dịch từ tiếng nước ngoài và các sách tham khảo khác. Song, những dạng sách này còn nặng về lý thuyết chung chung, các cuốn giáo trình thường dài dòng về lịch sử ngành báo, đôi khi xa rời cuộc sống thực tại mà những nhà báo rất cần khi hành nghề.

Thuật làm báo – Sách thực hành gồm 35 bài đề cập đến những kinh nghiệm và thủ thuật tác nghiệp. Những bài viết này được tác giả thể hiện sự độc lập trong tư duy, hay trăn trở, tìm tòi và đầu óc sáng tạo của tác giả, chứ không câu nệ vào những lý thuyết có sẵn. Sau mỗi bài viết là những câu chuyện hài hước lấy đề tài là nghề báo vừa để minh họa, bổ sung cho bài viết, vừa có tác dụng giải trí, thư giãn. Ngoài những kiến thức và kinh nghiệm quý báu, bạn đọc còn tìm thấy những trao đổi về những điều cao cả cũng như trách nhiệm xã hội hoặc đạo đức của người làm báo trong thời đại hiện nay.

Với những nét độc đáo riêng đó, cuốn sách không chỉ giúp ích các cho sinh viên đang theo ngành báo chí, những người mới chập chững bước vào nghề mà còn là tài liệu tham khảo cho những người giảng dạy ở các trường báo chí.

Viết Báo & Theo Đuổi Sự Kiện

Viết Báo & Theo Đuổi Sự Kiện

Trong cuốn Viết báo và theo đuổi sự kiện, tác giả hướng dẫn về cách sử dụng văn phong trong báo chí, kỹ thuật lấy thông tin chọn đề tài vào đúng điểm rơi thời sự và kỹ thuật “viết và lách” cho nhà báo mà không vi phạm pháp luật.

Làng Báo Sài Gòn 1916 – 1930

Làng Báo Sài Gòn 1916 – 1930

Làng báo Sài Gòn tái hiện một thời kỳ làm báo sôi nổi của trí thức Sài Gòn và Việt Nam, với những tờ báo có số phận chỉ vài tháng hay vài số báo, thậm chí một số báo duy nhất, trong bối cảnh bi thương mà hào hùng của một dân tộc bị mất nước nhưng quyết không cam chịu làm nô lệ.

Nhận định

“Cuốn sách là một biên niên sử báo chí thực sự công phu, hấp dẫn.Công trình miêu tả sinh động của Philippe M. F. Peycam tạo ra một đóng góp độc đáo vào lịch sử Việt Nam đương đại và các nhà nghiên cứu về thuộc địa. Cho đến nay, chưa có công trình nào như vậy bằng tiếng Anh. Những nghiên cứu trước đó về báo chí Việt Nam tập trung vào nhật báo cộng sản La Lutte và ít lấy mẫu một cách hệ thống về các ấn bản được người Pháp ủng hộ. Peycam cho chúng ta chân dung về các nhà báo, chủ bút, biên tập – những người, thường là cung cấp tài chính để duy trì, đưa các tờ báo ra với công chúng để thách thức hiện trạng. Ông thận trọng sử dụng các báo cáo của mật vụ Pháp và làm sống lại những con người này cùng sự pha trộn khác thường của về chủ nghĩa lý tưởng Pháp và đạo đức giả thực dân.”

(Sophie Quinn-judge, Temple University)

Ba Nhà Báo Sài Gòn

Ba Nhà Báo Sài Gòn

BA NHÀ BÁO SÀI GÒN là cuốn sách kể sơ lược về cuộc đời và hoạt động báo chí của các nhà báo Dương Tử Giang (Nguyễn Tấn Sĩ), Trần Tấn Quốc (Trần Chí Thanh) và bà Bút Trà Nguyên Đức Nhuận (Tô Thị Thân).

Cuộc đời của mỗi người không phải là một cuốn sách, một cuộn phim chỉ cần coi, đọc qua là “biết hết”. Mỗi con người, dù nghèo hay giàu sang, dù tiếng tăm nổi như cồn hay ở dưới đáy xã hội không ai biết tới, vẫn có nhiều điều riêng tư mà chỉ bản thân họ mới biết, mới hiểu. Làm sao phim, sách có thể nói được niềm sung sướng, hạnh phúc, sự đau khổ đến tận cùng bởi nhiều thứ trong cuộc sống đưa tới? Làm sao có thể nói hết, viết hết, ghi nhận hết sự lo lắng trong canh thâu, niềm vui trào nước mắt của mỗi người?…

Nhà Báo Điều Tra

Nhà Báo Điều Tra

“Tôi vẫn dự định sẽ viết một cuốn sách về nghề báo. Trong hơn hai mươi năm từ ngày tập tễnh học nghề, với những bài báo đã viết, những con người tôi đã gặp, có biết bao nhiêu câu chuyện muốn kể.

Nhiều năm trước tôi nói với một người bạn của mình rằng sẽ viết sách về nghề, một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết thì tôi không viết được, nhưng dự định viết sách về chuyện nghề thì còn đó.

Thỉnh thoảng về nhà ngồi một mình sau ca trực xuất bản, khó ngủ sau một ngày nạp quá nhiều thông tin và suy nghĩ, tôi ngồi lại kiểm đếm xem những xử lý trong ngày của mình, đồng nghiệp đã tốt chưa, khi đó tôi hay liên tưởng đến những tình huống tương tự trước đây. Và trong những lần như thế, những bài học cũ hiện về.

Tôi viết về BÁO CHÍ ĐIỀU TRA, từ những kỷ niệm, những bài học của mình và đồng nghiệp xung quanh, những khó khăn, chút ít thành công, và cả những thất bại mình đã từng trải qua hoặc chứng kiến. Vì thế, bạn sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này những trào lưu báo chí, những quan điểm to tát. Chỉ là những câu chuyện nghề của một nhà báo khi thực hiện các bài điều tra.

Tôi không có tham vọng đưa ra những nhận định về báo chí điều tra của cả làng báo. Hơn nữa, tôi không đủ thông tin về công tác tòa soạn, công tác phóng viên của các đồng nghiệp ở các tờ báo khác phía sau các bài điều tra của họ. Tôi viết về những điều mình biết, lần giở ký ức của mình, những ghi chép, tư liệu, những biên bản các cuộc họp trong gần hai thập niên lại đây mà tôi còn lưu giữ được và kể cho các bạn nghe những câu chuyện.
Tôi cố gắng để mỗi bài viết đều có thể trở thành một kinh nghiệm, một gợi ý cho các đồng nghiệp trẻ và các em sinh viên chập chững bước vào nghề báo.

Tôi cố gắng sắp xếp và diễn đạt thật giản dị, dễ hiểu. Tôi cấu trúc nó theo cách đã lĩnh hội được từ các khóa nghiệp vụ và sư phạm báo chí mà tôi được học và sau một quá trình hơn 10 năm tham gia đào tạo báo chí.

Vì sao cuốn sách này lại viết về báo chí điều tra mà không là thể loại khác? Báo chí điều tra là thể loại đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng từ giao tiếp, phân tích, đánh giá, diễn đạt và xử lý các mối quan hệ. Gần như mọi kỹ năng sống và viết đều ứng dụng được vào nó.

Với tôi, cuốn sách này như một sự đúc kết những bài học của một chặng đường đầu tiên làm báo, vất vả nhưng hạnh phúc. Mong rằng nó sẽ có ích đối với bạn, và sẽ vui hơn nếu bạn tìm thấy trong đó chút gì thú vị. Được thế, với tôi, đã là điều quá hạnh phúc.”

(Đức Hiển)

Hơn Cả Tin Tức – Tương Lai Của Báo Chí

Hơn Cả Tin Tức – Tương Lai Của Báo Chí

Cuốn sách là một nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài mạng internet, và tìm thấy niềm hứng khởi cho một sự thấu hiểu hiệu quả và đầy khát vọng về nghề báo trong những ví dụ từ các bài báo và blog thế kỷ 21, đồng thời trong những hiểu biết chọn lọc về nghề báo thế kỷ 20 và các tác phẩm viết lách của Benjamin Franklin thế kỷ 18.

Hầu hết nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng báo chí hiện nay nhấn mạnh vào công nghệ. Stephens nhấn mạnh vào tư duy và nhu cầu tư duy lại về báo chí đã từng là và có thể trở thành công việc gì.

Nhanh, Đúng, Trúng, Hay – Những Tản Mạn Về Nghề Báo

Nhanh, Đúng, Trúng, Hay – Những Tản Mạn Về Nghề Báo

Tiểu luận này gồm 22 bài, nói về kinh nghiệm & kỹ thuật viết báo của nhà báo Hải Đường, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, chủ biên báo Nhân dân cuối tuần; tuy các bài viết của ông mang phong cách chính luận, nhưng đó chính là những bài học cần thiết cho các nhà báo đi theo “lề phải” cho đúng định hướng của Đảng.

Các tiểu luận đều ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm, có thể làm tài liệu tham khảo tốt cho học viên các lớp báo chí.

100 Bản Quy Tắc Đạo Đức Nghề Báo Trên Thế Giới

100 Bản Quy Tắc Đạo Đức Nghề Báo Trên Thế Giới

Cuốn sách được hình thành trên cơ sở sưu tầm và biên dịch nhiều quy tắc đạo đức từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau trên thế giới.

– Phần thứ nhất: Những vấn đề cơ bản của các quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới và Việt Nam. Phần này tập trung phân tích về hoàn cảnh ra đời; những nguyên tắc, tiêu chuẩn chung cũng như phân tích những điểm riêng biệt trong các bản quy tắc đạo đức nghề báo; so sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam với các bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới.

– Phần thứ hai: Các bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới. Phần này giới thiệu điểm đặc trưng của 100 bản quy tắc đạo đức nghề báo của các quốc gia, vùng lãnh thổ, các cơ quan báo chí, các tổ chức và hội nghề nghiệp của nhà báo được lưu hành rộng rãi trên thế giới, đó là: (1) Ra đời sớm nhất, (2) Ra đời muộn nhất, (3) Ngắn nhất, (4) Dài và chi tiết nhất, (5) Có thời gian xây dựng lâu nhất, (6) Có sức ảnh hưởng và sự tham gia xây dựng của nhiều tổ chức thành viên nhất, (7) Mang tính địa phương và dấu ấn quốc gia nhất, (8) Có khoảng cách từ bản đầu tiên đến bản sửa đổi dài nhất, (9) Có khoảng cách từ bản đầu tiên đến bản sửa đổi ngắn nhất, (10) Có số lần sửa đổi nhiều nhất.

Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành báo chí, truyền thông; giảng viên các trường đại học, học viện có liên quan đến lĩnh vực báo chí; các nhà nghiên cứu, các phóng viên, biên tập viên, những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và những ai quan tâm đến vấn đề này.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button