15 sách hay về nỗi cô đơn nên đọc
15 sách hay về nỗi cô đơn. Khuyên đọc quyển Trăm năm cô đơn, Câu lạc bộ cô đơn và Robinson Crusoe lạc trên hoang đảo.
Câu Lạc Bộ Cô Đơn
Sách Câu lạc bộ cô đơn có nội dung chẳng một ai cô độc trên cõi đời này, nhưng người cô đơn thì không sao đếm xuể. Nỗi cô đơn cứ len lỏi qua mỗi người rồi đi vào các mối quan hệ, dù là với bản thân, gia đình hay cả người thương.
Người ta khó định nghĩa được thế nào là cô đơn, nhưng bất cứ ai cũng ít nhất một lần cảm nhận nó. Với tập hợp những câu chuyện viết về nỗi cô đơn của con người dưới muôn hình vạn trạng, sách Câu lạc bộ Cô đơn sẽ mang đến cho chúng ta góc nhìn rộng hơn để có thể san sẻ, đồng cảm với nhau hơn trong nhịp sống hối hả ngày nay.
Nhật Ký Kẻ Cô Đơn
Một câu chuyện giả tưởng đầy điên loạn của những kẻ bất thường!
Câu chuyện kể về một chàng trai mười tám tuổi tên là Shidou, mặc dù chẳng nợ nần chồng chất, chẳng thất tình cũng chẳng hề bị bắt nạt, mặc dù đang sống một cuộc đời rất vui vẻ, nhưng … cậu lại muốn chết. Bởi vì cậu cảm thấy bản thân đã hoàn thành rồi, giống như chuỗi domino đã hoàn chỉnh, chỉ còn công đoạn cuối là kéo đổ mà thôi.
Tình cờ tìm được một dòng quảng cáo trên mạng về cửa tiệm tự sát, và sau khi đồng ý bỏ ra hai mươi nghìn yên để được giúp đỡ tự sát, cậu có khoảng thời gian một tuần để suy nghĩ lại cũng như chuẩn bị cho cái chết của mình.
Rốt cuộc đến cuối cùng, Shidou có được hạnh phúc theo cách bản thân cậu mong muốn?
Tôi Thích Một Mình Nhưng Ghét Cô Đơn
Dành tặng cho những người dẫu bị bủa vây trong cô độc và bi thảm mang tên Một Mình vẫn luôn và sẽ tiếp tục sống một cuộc đời thật tươi đẹp!
Nữ nhà văn kiêm nhân viên văn phòng Hye-rin Lee đã giãi bày toàn bộ những trải nghiệm về cuộc sống độc thân của mình trong cuốn sách mới nhất “Tôi thích một mình nhưng ghét cô đơn”. Trong đó, bất kì ai còn đang “một mình” đều có thể nhìn thấy hình ảnh của chính bản thân trong đó.
Hye-rin Lee thẳng thắn chỉ ra rất nhiều những mâu thuẫn bên trong mỗi người chúng ta mà không phải ai cũng dám thừa nhận.
- Chúng ta chúc mừng bạn mình kết hôn nhưng trong lòng còn thoáng chút ghen tị về hạnh phúc của họ.
- Chúng ta cảm thấy khó chịu khi người yêu cũ có người yêu mới trong khi bản thân vẫn còn chưa quên được người đó.
- Chúng ta muốn vứt bỏ công việc nhàm chán nhưng vẫn cần lương tháng để tiếp tục duy trì cuộc sống.
Tất cả những trăn trở và thắc mắc của bạn đều được tác giả đề cập trong cuốn sách này. Hye-rin Lee hay chúng ta đều không phải là những người xấu tính hay lười biếng, chỉ là những suy nghĩ mâu thuẫn ấy vẫn luôn tồn tại trong những con người “thích một mình nhưng lại cũng không thích vì chỉ có một mình”.
- Một mình, sự xa xỉ cao nhất khi bạn chấp nhận và ôm vào lòng nỗi cô đơn.
- Tôi cần có thời gian một mình thực sự và tuyệt đối.
- Thời gian chỉ có một mình tôi mà không hề cảm thấy bất an, một mình mà vẫn vui vẻ..
Trăm Năm Cô Đơn
Cho đến nay Trăm Năm Cô Đơn vẫn là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Gabriel Garcia Márquez, nhà văn Columbia, người được giải Nobel về văn học năm 1982. Trăm Năm Cô Đơn ra đời (1967) đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn Mỹ Latinh và lập tức được cả thế giới hâm mộ. Sau gần hai mươi năm, Trăm Năm Cô Đơn đã có mặt ở khắp nơi trên hành tinh chúng ta để đến với mọi người và mọi nhà.
Trăm Năm Cô Đơn là lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người – tổng hòa các mối quan hệ xã hội – của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân mình tự hòa đồng với gia đình, với cộng đồng xã hội.
Vì lẽ đó Garcia Márquez từng tuyên bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là cuốn sách về cái cô đơn và thông qua cái cô đơn ông kêu gọi mọi người đoàn kết, đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để chiến thắng tình trạng chậm phát triển của Mỹ Latinh, đoàn kết để sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này.
Biên Niên Cô Đơn
“Mất bao lâu để quên một người?!
Sau khi chia tay người cũ, mình mất hết một năm loay hoay trong mớ bòng bong cảm xúc trong lòng. Lúc đó không buồn, cũng chẳng quá đau khổ dằn vặt gì, vẫn cứ sống và làm việc bình thường, thậm chí làm việc còn nhiều hơn trước và thành công hơn trước.
Nhưng vết xước trong lòng chưa bao giờ lành lặn.
Mỗi khi đi ngang một con đường cũ, một quán ăn quen, một điều gì đó cứ nhói lên, rồi lại mất hút. Rõ ràng không thể gọi đó là cơn đau, chỉ là cái khẽ rùng mình của dĩ vãng.
Có người nói cần một phần ba thời gian bên nhau để quên. Ví dụ yêu ba năm thì cần mất một năm mới có thể quên đi người đó. Xưa quen nhau ba năm, lúc hết một năm thì bắt đầu đi vào quỹ đạo cuộc sống bình thường, cơn lạnh dĩ vãng ít xuất hiện lại.
Chỉ có trái tim là chưa sẵn sàng cho một chuyến phiêu lưu ái tình mới.
Mà thử hỏi, khi chưa sẵn sàng, thì có chắc là lòng đã quên?”
Cuốn sách này là cái khẽ rùng mình của dĩ vãng đó, khi ghi lại một năm sau khi chia tay người cũ, người đã trao cho nhau nhẫn đính hôn và dự định chuyện tương lai lâu dài.
Phải Lòng Với Cô Đơn
Cô đơn ơi, lại đây chơi !
Từ cổ chí kim, con người ta sinh ra vốn đã một mình, có người bầu bạn thì tốt mà không có cũng chẳng sao.
Ai cũng có thể tự kiếm tiền, tự lo cho bản thân, tự đứng dậy sau những vấp ngã. Buồn thì vui chơi với bạn bè, chán thì đi shopping, rảnh rỗi thì xem dăm ba bộ phim hà biết bao thú vui có thể tự mình tận hưởng, không có người yêu thì đã làm sao?
Nếu cả thế giới cho ta biết có người yêu hạnh phúc thế nào, ta cũng chẳng ngần ngại gì mà cho cả thế giới biết mình cô đơn vui vẻ ra làm sao.
Cô đơn hay có người kề cạnh, cũng chỉ là một trạng thái. Ai cũng có lúc này, lúc kia. Và nếu như bạn đang cô đơn, thì đừng lo, bởi tình yêu luôn khó nói. Một ngày đẹp trời nọ, rất có thể nó sẽ ập vào đời bạn mà chẳng cần lý do.
Tới lúc đó, bạn sẽ có cả hàng trăm việc để giải quyết, lo người yêu giận, nghĩ xem ngày kỷ niệm nên làm gì, đi hẹn hò thì ăn gì, mặc như thế nà Chắc chắn lúc đó, bạn sẽ vô cùng bối rối và vô cùng lo lắng. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ, bạn là người vô cùng tự do. Trong lúc đám bạn đang mải mê nghĩ cách dỗ dành người yêu thì bạn có thể đi bất cứ đâu, làm mọi việc mình thích và thả thính bất cứ ai mình muốn. Cô đơn cũng có nhiều điểm tốt đấy thôi !
Chuyện Về Những Người Cô Đơn
“Cứ mở lòng với một người, bước vào một cuộc tình là xảy ra chuyện. Dù biết rằng không hạnh phúc nào dễ có, không bình yên nào là êm đềm, chẳng đánh đổi bao xót xa, nhưng dù họ có đánh đổi, cố gắng thế nào thì kết cục vẫn là sự chia ly và trở về với sự cô đơn. Thật đáng buồn!
Vậy nên câu chuyện về những người cô đơn sẽ còn nữa…
Vì trên thế giới này có rất nhiều những người cô đơn…”
Cô Đơn Để Trưởng Thành
Bốn năm du học Mỹ của tôi đọng lại trong những trang văn này, những ghi chép về sự va chạm văn hóa ngay từ tuần đầu tiên, về sự khác biệt giữa các mối quan hệ ở Việt Nam và Mỹ, về cách nói chuyện của sinh viên bản xứ, cách họ ăn uống, tiệc tùng, về những gì tôi được dạy ở trường và cả những điều tôi phải tự học bằng trải nghiệm.
Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi sống một mình ở một đất nước xa lạ, tôi vẫn biết ơn vô cùng bốn năm vừa qua. Quãng thời gian ấy có đủ cung bậc của tiếng cười và cũng đủ sắc thái của sự cô đơn. Chính trong sự cô đơn ấy mà tôi thật sự trưởng thành.
Vào Trong Hoang Dã
Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…
Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ.
Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.
Bắt Trẻ Đồng Xanh
Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.
Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.
Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.
Nỗi Cô Đơn Của Các Số Nguyên Tố
Cô bé bảy tuổi Alice Della Rocca bị lạc trong màn sương mù dày đặc trong một buổi đi trượt băng. Trong nỗ lực tìm đường về nhà, cô bé bị thương nặng và đôi chân bị tàn tật vĩnh viễn. Trong khi đó, Mattia Balossino – một cậu bé thông minh – đã vô tình bỏ quên đứa em gái sinh đôi bị thiểu năng trí tuệ tại công viên. Khi cậu quay lại tìm em, cô bé đã biến mất. Hai linh hồn bị tổn thương và dày vò đó đã tồn tại trong cô đơn suốt nhiều năm – họ bị tách xa khỏi đám bạn bè ở trường học, bị cầm tù trong tình yêu thương quá mức của cha mẹ, không một ai thấu hiểu, không biết chia sẻ với ai điều gì…Thế giới cô đơn của hai người tưởng chừng khép lại khi họ gặp nhau.
Nhưng, những nỗ lực của Alice để đưa Mattia về với cuộc sống bình thường dần đi tới vô vọng. Mattia – người trở thành nhà toán học khi đã trưởng thành – nói rằng họ chỉ như những con số nguyên tố – là 11, 13 hay 17, 19 – luôn luôn cô đơn, và luôn luôn bị tách rời. Alice và Mattia đều cố kiếm tìm một cuộc sống khác, bắt đầu một tình yêu khác, nhưng rồi họ trở về bên nhau để lại rời xa…
Chuyện gì sẽ xảy ra khi con người ta thực sự cô đơn? Rất có thể là sẽ giống như mô hình “cặp số nguyên tố sinh đôi” trong số học mà Paolo Giordano dựa vào để xây dựng câu chuyện đẹp và buồn này. Trong tập hợp các số nguyên tố (cho đến nay hiểu biết về chúng vẫn còn tương đối hữu hạn), có những số đi thành cặp, nghĩa là rất gần nhau, nhưng dù có gần đến đâu thì cũng phải cách nhau một số chẵn. Quy định của tự nhiên và của toán học tước bỏ sẵn mọi tiếp xúc thực tế và, qua đó, quy định nỗi cô đơn. Alice và Mattia, mỗi người một nỗi đau riêng mang trong mình, mãi mãi là các số nguyên tố dù cho mọi nỗ lực tìm cách thoát khỏi quy luật.
Robinson Crusoe Lạc Trên Hoang Đảo
Robinson Crusoe lạc trên hoang đảo là một trong những câu chuyện thuộc tủ sách văn học kinh điển Thế Giới. Tác giả Daniel Defoe đã dùng ngòi bút của chủ nghĩa hiện thực để kể về câu chuyện chàng thủy thủ Robinson bị đắm tàu, lưu lạc đến đảo hoang và trải qua một cuộc sống rất gian khổ trong sự cô đơn; nhưng bằng nghị lực và lòng quyết tâm của mình Robinson đã trở về được với quê hương của mình.
Câu chuyện gồm 9 chương được kể lại qua lời văn chân thực, giàu sức biểu cảm cùng những tranh vẽ minh họa sinh động tái hiện lại cuộc sống hoang dã trên đảo của Robinson sẽ hấp dẫn các độc giả nhỏ tuổi qua từng trang truyện. Đằng sau câu chuyện là bài học ý nghĩa về cuộc sống, bài học về cách sống bằng chính đôi tay mình làm ra.
Quả Chuông Ác Mộng
Câu chuyện kể về Esther Greenwood, một cô gái trẻ dường như đang đứng trước tương lai trải hoa hồng với công việc thực tập tại một tạp chí danh giá ở New York (Mỹ).
Tuy nhiên với bao nỗi lo lắng sợ hãi về vai trò được đòi hỏi ở bản thân đối với gia đình và sự nghiệp, Esther ngày càng cảm thấy bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài và dần đánh mất mọi hứng thú và hi vọng, cũng như khả năng thực hiện những nhiệm vụ đơn giản trong cuộc sống thường ngày. Cô bỏ học, bắt đầu tìm cách tự sát, và bị đưa đi chữa trị ở nhiều nhà thương điên..
Người Xa Lạ
Người xa lạ của Albert Camus được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942.
Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần dành cho người già cho đến gần cái chết của chính anh ta.
Cuốn sách được chia thành 2 phần với 11 chương, với kiểu tự thuật về cuộc đời của nhân vật tôi – Meursault, một nhân viên thư ký lãnh việc gửi hàng hóa.
Rừng Na Uy
Cùng thoát thai từ nỗi buồn thương trong sáng về tồn tại, Rừng Na Uy, bài hát năm nào của Beatles, đã được lấy làm tên gọi cho cuốn tiểu thuyết tình yêu ngọt ngào và u sầu của Haruki Murakami.
Bước vào cõi sống của Rừng Na Uy, qua sự sớm cô đơn như định mệnh của những người trẻ tuổi, qua mối tình tay ba vừa quấn quýt xác thân vừa u mặc sầu bi của Naoko-Toru-Midori, người ta cảm thấy ngỡ ngàng trước tình yêu như là nơi trú ngụ duy nhất của người đàn ông và người đàn bà trên thế gian này, và khám phá ra một nỗi buồn mênh mang, trống vắng rất Nhật Bản của thời hiện đại.
Trong nỗi ưu tư và cô đơn như một định mệnh đã cài đặt nơi những người mới lớn, trong sự tuyệt vọng của những tâm hồn trong sáng sẵn sàng hy sinh thân mình để khỏi thỏa hiệp với cuộc sống thế gian. Và tình yêu đã là nơi trú ngụ duy nhất. tình yêu và sự giải phóng của xác thân bao bọc lấy nó, làm cho người đàn ông và người đàn bà có thể yêu nhau với tất cả những gì có thể trước cuộc đời ngắn ngủi và quý giá. Với ý nghĩa đó, mối tình tay ba Naoko-Toru-Midori đã lay động hàng chục triệu độc giả trên toàn thề giới trong một tác phẩm được coi là tuyệt bút của Murakami..