List sách

19 sách hay về Sài Gòn nên đọc

19 sách hay về Sài Gòn. Khuyên đọc quyển Sài Gòn những biểu tượng, Vọng Sài Gòn, và Đất Gia Định Bến Nghé Xưa & Người Sài Gòn.

Đất Gia Định – Bến Nghé Xưa & Người Sài Gòn

Đất Gia Định – Bến Nghé Xưa & Người Sài Gòn

Tập sách là tập hợp của 3 tác phẩm đã xuất bản: Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn.

Thông qua tập sách, người đọc sẽ có điều kiện để hiểu biết thêm về vùng đất gọi là Gia Định xưa (cụ thể là cả Nam Bộ), từ đó hiểu thêm sự hình thành của Bến Nghé (vùng đất Sài Gòn, Gia Định nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và tính cách của người Sài Gòn – gần như là đại diện tính cách của người Nam Bộ trong quá trình phát triền, xây dựng từ khi mở đất đến nay.

Một tác phẩm dày và bổ ích cho cả người Sài Gòn nay và xưa.

Vọng Sài Gòn

Vọng Sài Gòn

“Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến xây xát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào.”

– Liêu Hà Trinh, MC, diễn viên

“Người viết cuốn sách có tình yêu nồng nàn đến dữ dội đối với vùng đất Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.”

– Phạm Công Luận

Chuyện Nhỏ Sài Gòn Bao Nhớ

Chuyện Nhỏ Sài Gòn Bao Nhớ

Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, không giống bất cứ nơi đâu, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc… mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.

Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này. Tất cả đều có thể nhận mình là người Sài Gòn, hoặc không nhận cũng không sao, Sài Gòn không so đo xuất xứ của bạn, cơ hội và rủi ro chia đều cho mỗi người.

Từ Chuyện Nhỏ Sài Gòn Bao Nhớ…, Đàm Hà Phú không ngừng dẫn chúng ta đi “tua” vòng quanh Sài Gòn, Sài Gòn của anh, Sài Gòn của chúng ta, một hành trình mà ở đó trang bị duy nhất của chúng ta là tình yêu đối với thành phố này, đối với tất cả những vẻ đẹp của nó.

Cảnh Sắc Phố Thị Sài Gòn – Chợ Lớn (Tranh & Ký họa)

Cảnh Sắc Phố Thị Sài Gòn – Chợ Lớn (Tranh & Ký họa)

Cuốn sách là tuyển tập những bức tranh và ký họa đa sắc về Sài Gòn – Chợ Lớn hôm nay với nhiều di sản kiến trúc, những tòa nhà đẹp mới xây, những con đường, góc phố hay khu dân cư đông đúc với đa dạng kiểu mưu sinh, họa sĩ Phạm Công Tâm đã dành rất nhiều thời gian qua lại, quan sát vùng đất này để có thể lưu giữ và tái hiện lại sống động một đô thị hiện đại đang chuyển mình, phát triển.

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Không Gian Gia Vị Sài Gòn (Tái Bản) là tập tùy bút thứ hai của tác giả Trần Tiến Dũng sau tập Món ngon và gia vị cảm xúc. Hàng ngày ở Sài Gòn và miền Nam, khi đứng trước tổng hòa các mùi hương của đời sống đang từng giây, từng phút hiện hữu trong không gian, tác giả luôn cảm nhận thấy mình đang thụ hưởng một đặc ân được bao bọc, hàm dưỡng trong nguồn hương Sài Gòn với toàn bộ sự phong phú vô ngần của nền văn hóa ẩm thực đa bản sắc, đa dân tộc vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ.

Sài Gòn Khâu Lại Mảnh Thời Gian

Sài Gòn Khâu Lại Mảnh Thời Gian

Quyển sách tập hợp những bài viết ngắn nhìn lại Sài Gòn ngày hôm qua, không phải bằng cặp mắt của nhà nghiên cứu mà của một người tha thiết yêu Sài Gòn, gắn bó với mảnh đất này từ bé và kể lại các câu chuyện thông qua những mảnh kỷ niệm; đó có thể là những câu chuyện hết sức sống động về chuyện ăn, uống, giải trí, thói quen sinh hoạt… cho đến những nhận định sâu sắc hơn về lịch sử, dấu tích cha ông trên một vùng đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.

Sài Gòn, Chuyện Tập Tàng

Sài Gòn, Chuyện Tập Tàng

1. La-de Trái Thơm đi kèm một câu chuyện vui được truyền tụng về sau. Số là hãng muốn làm mới nhãn bia, và muốn đỡ chi phí nên chọn họa sĩ bổn xứ để vẽ. Nhãn mới có vẽ thêm vào nhãn Con Cọp hình bông houblon hay còn gọi là bông bia, được dùng để tạo vị đắng. Bông này còn tươi coi bộ giống bông atiso nhưng nhìn khô khác quá hay sao mà ông họa sĩ vẽ giống y trái thơm, rồi đem đi in cả lố lố. Khi nhãn in ra thì mới phát hiện hình trật lất, nhưng chẳng lẽ bỏ phí đi? Chữa cháy, hãng vẫn cho dán và nhét vào mỗi két một chai, đinh ninh dân nhậu đã dòm quen quá chai Con Cọp, xăm soi cái nhãn mà chi. Nhưng sự cố “chữa cháy” lại thành ra cái hay. Những người Hoa ở Chợ Lớn nhanh nhạy đánh hơi thấy cơ hội liền. Các chú đặt tên và tung tin nhãn la-de Trái Thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có một chai, ai mua nhiều thì tặng thêm chai Trái Thơm. Vậy là Trái Thơm đường đường được xếp vào ngôi vị “đàn anh”. Ngồi chung một mâm nhậu, người lớn hoặc uy tín luôn được dành cho chai này. Ôi! Trái thơm chỉ thơm tâm lý thôi cũng quá xá đã.

2. Người xưa có nói rằng: “Vô tửu bất thành lễ”. Hầu hết trong lễ nghi nào cũng có rượu, truyền thống đó kéo dài cho tới tận bây giờ. Trên bàn thờ lễ đường, bàn thờ gia đình… phải tôn kính rót rượu mời đất trời, thánh thần, ông bà tổ tiên, vong linh và cả âm binh thiên tướng rồi mới bắt đầu nghi lễ. Ngày xưa, trước khi xuất quân ra chiến trận, nghi lễ sẽ là tế rượu, thắng trận sẽ có lễ rượu khao quân. Trong nghi lễ đời thường, tôn kính, trân trọng rót rượu mời nhau, chúc tụng, rồi mới mở lời bắt đầu câu chuyện.

3. Cà phê “sanh sau đẻ muộn” khá lâu so với trà và rượu, vào thế kỷ thứ IX, đến nay chỉ độ hơn một ngàn năm thôi. Trước tiên “bà mụ đỡ đẻ” là… một đàn dê chứ không phải con người. Sự tình là vầy: Những người chăn dê nhận thấy một đàn dê ăn những trái chín đỏ của một loài cây có bông màu trắng, sau đó “tung tăng” chạy nhảy suốt cho tới đêm khuya. Một người ăn thử, người tỉnh táo ra, tan biến uể oải, lâng lâng muốn tung tăng như đàn dê. Họ thưa chuyện với những thầy tu trong vùng, những thầy tu ép lấy nước uống thử, quả là tỉnh táo hẳn như anh chàng chăn dê nọ, cầu nguyện suốt đêm không buồn ngủ. Vậy là từ đó họ lấy trái đó mà sử dụng. Chuyện xảy ra ở vùng đất Kaffa, Ethiopia, châu Phi. Và đó chính là cây cà phê ngày nay. Vậy vùng đất này là thủy tổ của cây cà phê, và dê để lại nhiều chuyện cho người đời, thêm chuyện này nữa thì quả là lợi hại. Nhớ người trồng cây ta nhớ luôn những “chàng” be he he…

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai.

Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm.

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Yêu Hà Nội Thích Sài Gòn

Yêu Hà Nội thích Sài Gòn là một tựa đề cảm xúc, và toàn bộ cuốn sách là những cảm nhận tinh tế của một nữ nhà báo có cái nhìn sâu sắc, nhân văn và nhiều trăn trở về cuộc sống, giá trị, văn hóa, xã hội và kinh tế ở Hà Nội và Sài Gòn. Những kỷ niệm và suy tư về hai thành phố này được chắt lọc từ cái nhìn vừa khách quan vừa cởi mở, tạo thành một bức khảm sinh động về hình ảnh hai thành phố này.

Xuyên suốt cuốn sách còn là một hình ảnh về đất nước qua hai thành phố. Cuốn sách là bản bút ký về cuộc sống, từ những nét đẹp văn hóa, từ những ứng xử tử tế, từ tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến những vấn đề vĩ mô về văn hóa, kinh tế. Trên tất cả và trong tất cả là một tâm hồn nhạy cảm, một trí tuệ sắc sảo, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

Đây là một cuốn sách được viết nên bởi “một người di cư”, sống tuổi trẻ ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn. Di chuyển giữa hai không gian đô thị đối lập ấy lại là một tâm hồn sâu sắc, tinh tế. Nói cách khác, đây là cuốn sách của một linh hồn đô thị nhạy cảm.

Sài Gòn Những Biểu Tượng

Sài Gòn Những Biểu Tượng

Khởi đi từ ý tưởng bài viết trong phần Biên khảo của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng về biểu tượng kiến trúc và điêu khắc trên các công trình mang hình thái Đông Dương, chúng tôi mạo muội đặt tựa cho tập sách này là Sài Gòn, những biểu tượng. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề, mà là gợi mở, mời gọi những cuộc tìm tòi, khảo cứu, khai quật, khám phá và ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn.

Góp vào ý hướng chủ đạo đó, còn có bài nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp – “Thương mại người Việt đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn và Chợ Lớn”. Bài viết điểm lại những đóng góp của làn sóng thương nghiệp, sự trỗi vượt của một số thương hiệu đầu tiên trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn, bước đầu xác lập vị thế kinh tế cho một đô thị, mà về sau, chúng ta gọi là “đầu tàu kinh tế”, “trung tâm kinh tế” quan trọng của đất nước.

Biểu tượng, từ đây không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những dấu chỉ nội tại để nhận diện/nhận biết Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, nhân văn, bao gồm những chuyển động trong giáo dục, văn chương, nghệ thuật mang tính đặc thù của thị dân, theo đó, là sự tỏa sáng của những nhân vật, cả nổi tiếng và vô danh, phát lộ những gì được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn..

Sài Gòn Quán Xá Và Thương Yêu

Sài Gòn Quán Xá Và Thương Yêu

“Dường như không kịp chuẩn bị, những dòng tản văn mạnh mẽ đậm mùi phố phường quán xá Sài Gòn xộc thẳng vào giác quan, để rồi lại được chìm trong thứ cảm xúc dịu nhẹ, tinh tế.

Dường như lâu lắm mới tìm ra hương vị tuổi trẻ xao xác, níu giữ, ồn ã đấy mà đầy chứng nghiệm từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai.

Chàng và Nàng. Hai bóng hình vảng vất trên những con đường, đậu chụm trong những Đo Đo quán, Trà đào dầm, Ốc lề đường, Sủi cảo ngày xưa, Kem xôi dừa, Lẩu bò hẻm …

Sài Gòn Quán Xá Thương Yêu tiếp nối mạch cảm xúc từ Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi, Sài Gòn Café Ngọt Đắng … mà Lưu Quang Minh “viết về những hàng quán của Sài Gòn – nơi các cặp đôi đang yêu có thể đến, khám phá, thưởng thức, lưu giữ kỷ niệm…”

Sài Gòn, Ruổi Rong Nỗi Nhớ

Sài Gòn, Ruổi Rong Nỗi Nhớ

Một người, dù có đi bao xa, đi bao lâu cũng luôn có một nơi để trở về. Nơi được tác giả xem như là quê hương thứ hai của mình, đó chính là Sài Gòn. Vậy thì ở Sài Gòn có gì hay mà để tác giả đặt nhiều tình cảm đến thế?

Sài Gòn có những quán cà phê cóc ven sông để ngắm cảnh sông nước, để chụp hình, đôi khi cũng là để nhâm nhi một thứ thức uống quen thuộc nhưng rất đặc trưng của Sài Gòn.

Sài Gòn có những con người hiền hòa, những nơi chốn thanh bình mà chỉ khi đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi lên một tuyến xe buýt nào đó là có thể gặp, có thể nghe, có thể tận hưởng hết được.

Sài Gòn này cũng gợi lại một nỗi nhớ da diết về một thời tuổi thơ đơn thuần đẹp nhất của tác giả.

Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ không chỉ là về một Sài Gòn hoa lệ mà còn về những vùng đất, đất nước mà tác giả cũng từ Sài Gòn này “xách ba lô lên và đi” khám phá, gặp gỡ để rồi cuối cùng trở về với quê hương thứ hai này – Sài Gòn.

Loanh Quanh Sài Gòn

Loanh Quanh Sài Gòn

“Ai lại không yêu mảnh đất mà mình đã trưởng thành, đã vui sống ổn định mỗi ngày? Chính vì yêu lấy nó nên bao giờ ta cũng mong muốn nơi ấy ngày càng hoàn thiện hơn, đáng sống hơn. Với trách nhiệm công dân và cũng nhằm thể hiện về nơi chốn nghĩa hiệp đã cưu mang từ ngày anh từ vùng quê Quế Sơn (Quảng Nam) – mảnh đất xứ Ngũ phụng tề phi vào phương Nam lập nghiệp, nhà báo Lê Công Sơn đã có được Loanh quanh Sài Gòn. Qua tập sách này, càng đọc cũng là dịp chúng ta càng yêu thêm Sài Gòn-TP.HCM khi biết thêm những vấn đề thuộc về lịch sử của một mảnh “đất lành” mà anh đã nặng tình, chăm chút qua từng trang viết…”

(Trích “Tựa” của nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc)

Sài Gòn – Dòng Sông Tuổi Thơ

Sài Gòn – Dòng Sông Tuổi Thơ

Sài Gòn – Dòng sông tuổi thơ là tập tạp văn của Lê Văn Nghĩa viết về hình ảnh Sài Gòn trong quá khứ và hiện tại với cái nhìn của một người đã thấm đẫm tuổi thơ bởi một Sài Gòn dày trong ký ức và trong nỗi lo và nỗi đau về những hình ảnh sẽ mất đi cùng năm tháng.

Hầu hết tạp văn đã được lần lượt công bố trên báo, nay tập hợp lại như một hồi ức không quên.

Sài Gòn – Nhịp Sống Bình Dân

Sài Gòn – Nhịp Sống Bình Dân

Thêm một cuốn sách về Sài Gòn, lần này là của một tác giả không hề xa lạ với người đọc, một người nổi tiếng: nhà thơ Trần Tiến Dũng. Thơ ông gần đây cũng chất chứa dằn vặt nhiều sự tình, hình ảnh của Sài Gòn. Dùng cả thơ lẫn văn xuôi lẫn báo chí để “chuyển tải” Sài Gòn, bằng những chuyến xe ngày đêm không mệt mỏi, chắc chắn Trần Tiến Dũng có ý muốn tát cạn Sài Gòn cho riêng mình. Và dĩ nhiên tác giả biết rõ Sài Gòn là một hiện thực to lớn.

Cuốn sách thực chất là tập hợp những bài viết nhỏ như những mảnh kim loại châu tuần quanh khối nam châm Sài Gòn. Chiếm lĩnh những trang sách là dòng chảy thân thương của đời sống mà tác giả gọi là nhịp sống bình dân – cái nhịp điệu mà vô thức hay ý thức tác giả đã chọn để hòa cùng vừa với tư cách một cư dân vô danh, vừa với tư cách một nghệ sĩ, một trí thức. Người đọc sẽ nhận ra có rất nhiều sắc thái tình cảm đi kèm với mỗi bài viết dành cho Sài Gòn trong cuốn sách này. Ai cũng biết Sài Gòn là một thành phố lớn, hiện đại bậc nhất của Việt Nam. Nhưng nếu chỉ biết vậy, thì cũng như thấy một bầu trời đầy sao, thấy một đại dương xa tận chân trời, thấy một tấm địa đồ mờ ảo. Một cái biết vô tư tưởng, vô tâm hồn.

Nhớ Sao Xe Cộ Sài Gòn

Nhớ Sao Xe Cộ Sài Gòn

Sài Gòn tuy là một thành phố trẻ nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều dấu ấn văn hoá, lịch sử mà càng tìm hiểu càng thấy dường như không bao giờ tường hết được. Mỗi góc phố, hàng cây, viên gạch cũng có thể trở thành chứng nhân lịch sử. Chọn đề tài xe cộ Sài Gòn, Ngô Kế Tựu đã khai thác một khía cạnh thú vị để người yêu Sài Gòn hiểu thêm về vùng đất này.

Viết về những thứ quá gần gũi, quá quen thuộc thì dễ nhàm, nhưng Nhớ sao xe cộ Sài Gòn, một cuốn sách mới của Ngô Kế Tựu do Phương Nam Book liên kết xuất bản thì lại cuốn hút và vô cùng đồng cảm, bởi anh viết bằng trái, tim, bằng tình cảm của một người thích lang thang phố thị, nhiều khi thui thủi một mình trên đường chỉ có xe làm bạn, hoặc đã từng trông chiếc xe đò về quê như trông một người tình.

Sài Gòn Còn Chút Gì Để Nhớ

Sài Gòn Còn Chút Gì Để Nhớ

Nếu Nhớ sao xe cộ Sài Gòn của Ngô Kế Tựu là những phương tiện giao thông một thời hằn sâu trong hoài niệm của người Sài Gòn, thì Sài Gòn còn chút gì để nhớ của anh là gói ghém rất nhiều những mảng ký ức về một Sài Gòn thập niên 60 – 70.

Có người nhớ tiếng rao trên đường phố, nhớ tiếng ồn ào trong khu xóm lao động, nhớ cảnh nhộn nhịp Sài Gòn dịp Tết những ngày còn thơ, những cuộc tình lang thang dưới vòm me xanh lá trên con đường Duy Tân đầy bóng mát… Có người nhớ những món ăn vặt, từ bánh tráng khoai mì tròn như bàn tay con nít đến cuốn bò bía bằng ngón tay cái người lớn…

Tựa cuốn sách là một câu hỏi hay là một truy vấn ký ức của người Sài Gòn tha hương?

Sài Gòn Một Sợi Tơ Lòng

Sài Gòn Một Sợi Tơ Lòng

Sài Gòn – một sợi tơ lòng là tập tạp bút của một dân thường Sài Gòn đã kinh qua giai đoạn tuổi thơ trong thập niên 70 của thế kỷ 20, vẫn đi loanh quanh đâu đó rồi trở lại Sài Gòn trong nỗi nhớ thương về giai đoạn Sài Gòn trước và sau năm 1975.

Đọc Sài Gòn – một sợi tơ lòng để thấy những hình ảnh thân thương của thành phố mình yêu mới gần đây thôi mà như là kỷ niệm, sống trong nỗi hoài nhớ cận kề với cư dân thành phố. Sài Gòn rồi sẽ phát triển và hiện đại không ngừng, nhưng bên cạnh sự phát triển là một nỗi nhớ về những năm tháng chưa xa, nó như là sợi tơ lòng mà tác giả muốn trải cùng bạn đọc.

Sài Gòn – Tình Yêu Của Tôi

Sài Gòn – Tình Yêu Của Tôi

Sài Gòn – Tình Yêu Của Tôi là tác phẩm viết về Sài Gòn của Nguyễn Ngọc Hà.

Tác phẩm gồm những tản văn từng được đăng trên Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, Người Lao Động, Sài Gòn Tiếp Thị (cũ), Nguyệt San Pháp Luật, Phụ Nữ TPHCM, Tạp San Áo Trắng và tuần san Công Giáo Và Dân Tộc.

Sài Gòn – Tình Yêu Của Tôi vẫn là quà tặng đầy ý nghĩa cho những cư dân Sài Gòn thế hệ 4X – 5X thế kỷ 20, những ai từng được Sài Gòn cưu mang, những người một lần ghé Sài Gòn và cả những người bỏ Sài Gòn ra đi ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hãy đọc để thêm yêu Sài Gòn. Thật là một thiếu sót nếu chỉ có trên tay Sài Gòn – Tình Yêu Của Tôi, mà không tìm mua Sài Gòn – Tuổi Thơ Hoa Bướm/Sài Gòn – Ký Ức Vượt Thời Gian và Sài Gòn – Tháng Ngày Không Quên để hiểu thêm trọn vẹn về một Sài Gòn từng là danh từ riêng không dễ quên, không hề muốn quên của rất nhiều người trên hành tinh này.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button