List sách

11 sách hay về mùa thu, đọc trong mùa thu

11 sách hay về mùa thu. Khuyên đọc quyển Mùa thu của cây dương, Chuyện kể tối mùa thu và Ruy băng vàng phơ phất.

Chuyện Kể Tối Mùa Thu

Chuyện Kể Tối Mùa Thu

Bé có biết:

  • Mùa thu tiết trời mát mẻ, nắng vàng, nhiều loài cây lá ngả màu vàng hoặc đỏ, và đến cuối thu thì những lá này rụng xuống.
  • Mùa thu có ngày khai trường, tất cả trẻ em đều được đến trường.
  • Mùa thu cũng có ngày Tết rất đặc biệt, nhất là với trẻ em – Đó là tết Trung thu.

Còn bây giờ, hãy đọc những mẩu chuyện này để làm quen với những người bạn dịu dàng, trong sáng như mùa thu vậy nhé!

Ruy Băng Vàng Phơ Phất

Ruy Băng Vàng Phơ Phất

Mùa thu là mùa của nhung nhớ, cũng là mùa của lãng quên. Mùa thu là mùa của vấn vương, cũng là mùa của buông bỏ.

Ruy băng vàng phơ phất bắt nguồn chính từ những xúc cảm như thế. Đây là tập truyện ngắn – tản văn mới nhất của Lax, một cây bút quen thuộc của báo Hoa Học Trò. Những câu chuyện, nghĩ suy trong cuốn sách là những điều nhẹ nhàng nhất, lãng đãng nhất nhưng cũng vô cùng sâu lắng, với hi vọng gửi đến bạn một chút không khí của thứ mùa rất đỗi dịu dàng này.

Mùa thu bạn gặp trong cuốn sách này, không chỉ là những buổi sớm gió rất trong, những làn sương chùng chình, ánh trăng bàng bạc, (và tất nhiên) chẳng thể nào thiếu mùi hoa sữa được rồi. Mùa thu còn là những cảm xúc chưa kịp nói, những điều tưởng chừng đã ngủ quên và lắng yên, bỗng một ngày thức dậy trong lòng mình…

“Mỗi năm sẽ có một lần để đất trời lãng đãng chìm trong hoa, trong gió, trong sương, trong trăng – thì cũng có nghĩa là mỗi năm sẽ có một lần, để những điều tưởng yên ắng trong lòng bấy lâu, bỗng trở nên nhộn nhạo.”

Với Lax, “chỉ cần sống thôi, đã là một hành trình đầy rẫy thú vị rồi”, trên hành trình đó, cô gái ấy quan sát, cảm nhận cuộc sống theo một cách rất riêng, từ những điều thật nhỏ bé và bình dị. Bạn chắc chắn sẽ vừa thấy mình đâu đó trong cuốn sách này, vừa thấy thật ngạc nhiên và thích thú về cách Lax nhìn cuộc sống.

Hi vọng rằng, dư vị của mùa thu trong cuốn sách sẽ đem lại cho bạn một điều thật dìu dịu dàng, như những dải ruy băng phơ phất trong gió. Để thấy rằng, dù cho thế nào đi nữa, bạn cũng có thể tự buộc một dải ruy băng hi vọng lên ô cửa sổ lòng mình.

Mùa Thu Của Cây Dương

Mùa Thu Của Cây Dương

Mùa hè năm lên sáu tuổi, gia đình mẹ con Chiaki lâm vào cảnh khốn cùng. Mẹ cô bé quá đỗi tiều tụy không thể chăm lo nổi cho Chiaki nhạy cảm và đang khủng hoảng bởi sự đi bất ngờ của bố. Nhưng, từ sau khi dọn đến khu căn hộ cho thuê có tên Cây Dương, Chiaki dần tìm lại hạnh phúc tuổi thơ tưởng chừng đã mất, nhờ có bà cụ chủ nhà – khó tính, nấu ăn dở, ưa sạch sẽ, hay dọa trẻ con… nhưng âm thầm tốt bụng. Thời gian thấm thoắt trôi, hai mươi năm sau Chiaki nhận được tin bà qua đời. Trên hành trình quay về dự đám tang bà, dòng ký ức ngọt ngào của những tháng ngày sống tại Cây Dương lặng lẽ ùa về. Nơi đây, cô đã tìm ra một sự thật, về chính bản thân cô, về mẹ cô, và nhất là về bà cụ, người dù đã mất đi nhưng sẽ mãi luôn còn ở đó. Và một mùa thu nữa lại trải lá vàng lên khu căn hộ Cây Dương.

Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo. Cô theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Trong khoảng thời gian đó, cô từng viết lời cho các vở opera, kịch nói trên sóng phát thanh và truyền hình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi – Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Tác phẩm tiếp theo của cô – Mùa thu của cây dương (Popura no Aki) cũng nhận được rất nhiều chú ý từ dư luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Hành Trình Mùa Thu

Hành Trình Mùa Thu

Heo Củn bị vứt ra đồng cỏ chỉ vài tiếng sau khi chào đời, nó phải tự mình xoay xở giữa đồng cỏ mênh mông. Cuộc sống ở đồng cỏ thật thú vị, các loài thú chung sống hòa thuận với nhau, thương mến nhau như thành viên trong gia đình. Đến một ngày, khu đồng cỏ đối diện với nguy cơ bị san bằng, tụi thú nhỏ quyết định đây là thời điểm phải ra đi để nhìn thế giới và khám phá nhiều điều thú vị bên ngoài đồng cỏ quen thuộc, chúng gọi đó là hành trình mùa thu.

Thư Gửi Mùa Thu

Thư Gửi Mùa Thu

Chúng ta ai rồi cũng đi qua những tháng ngày như thế. Những ngày mà dù thuộc về nhau hay không thì vẫn cất giữ một điều gì đó trong lòng. Những ngày dốc lòng sống vì một người xứng đáng rồi lặng lẽ quay lưng, lặng lẽ buông tay, lặng lẽ mỉm cười, lặng lẽ khóc.

Thư gửi mùa thu là một bức vẽ bằng màu nỗi nhớ, không hình hài cụ thể nhưng vẫn khiến người ta chợt thấy một điều gì đó thân thuộc nhất. Ở đó có nỗi nhớ của một người thứ ba khóc cạn nước mắt cho một cuộc tình có bắt đầu nhưng muôn đời không tìm ra kết thúc. Có nỗi nhớ của hai người yêu nhau ở hai nơi cách biệt cả đại dương mênh mông. Hay đôi khi đơn thuần là nỗi nhớ cho một thành phố giấu đi cả khoảng trời ký ức. Ở đó, mùa thu chạm ngõ cùng một chiều mưa như để phố thỏa cơn khát sau chuỗi ngày gánh gồng hạt nắng. Ở đó có những lời hẹn ước của mùa xuân, có những vấn vương của mùa đông, có những tâm tình của mùa hạ gửi mùa thu xa nhớ…

Mượn vay ấm áp và đau thương từ những khoảng trời khác biệt, Thư gửi mùa thu không chỉ là câu chuyện riêng của Lệ Thu Huyền, September Rain, Mùa Đông, Petit Prince mà sẽ rất nhiều người thảng hoặc thấy mình ở một tự sự nào đó, những câu chuyện bỏ ngỏ không của riêng ai…

Mùa Thu Rơi Mênh Mông

Mùa Thu Rơi Mênh Mông

Thời gian cứ thế trôi đi, xuân rồi hạ, thu rồi đông, bàn tay mẹ đã nhăn nheo những nếp tháng năm sần sùi và tần tảo. Bàn chân cha đã in hằn trên những khúc quanh, ngã rẽ, ruộng cạn ruộng sâu biết bao năm nuôi con khôn lớn, tỉ mẩn và yêu thương. Người anh cao hơn, biết nhường nhịn hơn, và chiều chiều xoa đầu em nhỏ dỗ dành, chị gái ngoan hiền ngồi tự mình gỡ những hạt nắng vương trên tóc, mái tóc ngắn cũn cỡn ngày nào giờ đã dài thơm mùi hoa bưởi… Ngoài kia có chàng trai thập thò đầu ngõ dấm dúi sau lưng chùm hoa sữa. Hương hoa sữa vấn vương theo giấc ngủ em sâu…

Ôi, mùa thu, mùa thu dịu dàng quá đỗi để trong lòng em lại ngân lên điệu nhạc xao xuyến, bâng khuâng. Em cùng chúng bạn rủ nhau nhặt từng chiếc lá, viết vu vơ câu thơ nhớ nhung…

“Mùa thu rơi mênh mông” – là tập hợp các bài viết nhỏ viết về mùa thu như từng chiếc lá kí ức vô tình đọng lên tháng năm, vô tình rơi chạm khẽ vào cảm xúc bạn đọc để gửi gắm thông điệp của mùa, gửi gắm thông điệp của cuộc sống, kỉ niệm, tình yêu và nỗi nhớ.

Nắp Biển

Nắp Biển

Trước biển, hai cô gái trẻ gặp nhau khi hè sang. Mari đưa Hajime đi khắp thị trấn biển mà chính mình cũng vừa trở lại. Đêm dạ quang, mũi đất hoàng hôn, gốc liễu già, vương quốc thủy tề nơi hõm đá – ngày nối ngày họ thăm lại những nơi đã một thời tưng bừng rực rỡ, nay ngấp nghé tàn phai. Đế hiểu hơn cuộc đời mình qua ký ức, để chữa lành những vết thương ẩn sâu, để khi mùa hè đi dần về kết thúc, cố gắng đóng lại nắp biển còn bỏ ngỏ …

Vẫn phong vị thuần khiết và thành thật đã lôi cuốn bao lứa độc giả vào thế giới của cô, nhưng Banana ở tuổi trưởng thành đã nương bớt mỹ học của cái lạ lùng để kể về chiêm nghiệm của người sống đời giản dị, về ý nghĩa sâu xa từ cái thường ngày. Nắp biển như một bài thơ mỏng nhẹ nhưng đầy ắp cảm giác, rằng cuộc sống đã là phép lạ, rằng linh hồn thế giới ngụ trong từng vốc nước nhành cây, và rằng năng lực của những con người bé nhỏ nơi góc biển cũng có thể vì tình yêu với một không gian mà khiến nó nở đầy hoa đẹp.

Gió Lạnh Đầu Mùa

Gió Lạnh Đầu Mùa

Gió lạnh đầu mùa tập hợp toàn bộ những tác phẩm trong tập truyện ngắn Gió đầu mùa của nhà văn Thạch Lam, cuốn sách bao gồm các truyện: Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Trở về…Trong những truyện ngắn của ông người ta thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng.

Khi giới thiệu về tập truyện ngắn Gió đầu mùa, Thạch Lam viết rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Quả thực Thạch Lam đã rất trung thành với triết lý viết văn này và từng trang truyện của ông đều hướng về lớp người lao động bần cùng trong những khung cảnh ảm đạm, heo hút. Một mẹ Lê góa bụa, nghèo khổ phải nuôi một đàn con đông đúc, một bác Dư làm phu xe ở phố hàng Bột, cô Tâm hàng xén trong buổi hoàng hôn… Thạch Lam không gắn nhân vật với những sự kiện bi thảm hóa hoàn cảnh của họ nhưng cũng không khoác lên họ “một thứ ánh trăng lừa dối”. Chính vì vậy, tác phẩm của Thạch Lam giữ được chất hiện thực nhưng không quá bi kịch như Lão Hạc, Chí Phèo… của Nam Cao.

Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù

Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù

Một Đà Lạt thời vàng son trong đời sống văn hóa đã từng được Nguyễn Vĩnh Nguyên tái hiện qua cuốn du khảo Đà Lạt, một thời hương xa.

Lần này, là một cách tiếp cận khác, hành trình khác. Phần chìm, phần bị phủ đậy cùng những bí mật sâu kín trong một giai đoạn lịch sử Đà Lạt (1950 – 1975) được tác giả cho đồng hiện bằng một lối viết biên khảo chỉn chu và cuốn hút.

Hai năm trôi qua, người viết cuốn sách này đã lật dở hàng ngàn trang văn bản cùng hàng trăm tài liệu qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để chỉ làm một cuộc ghi nhận cô đọng, giúp người đọc hình dung về những gì chìm dưới sương mù.

Có những văn bản bị cháy sém một góc.

Có những bó hồ sơ ẩm mốc, những chiếc đinh ghim vụn nát khi có tay người chạm vào.

Có những trang văn bản vương vết máu.

Và có những sự việc treo lơ lửng không rõ đầu đuôi.

Quá nhiều những thăng trầm đi qua trên những trang sử liệu và đời sống một thành phố…

Thành phố của những uẩn khúc, ẩn mật dần được soi rọi trên những trang viết công phu.

Bên dưới sương mù là những nỗ lực minh định. Nhưng bên dưới sương mù, có thể vẫn là mù sương vô phương giải ảo.

Và Mùa Thu Chầm Chậm Đi Qua

Và Mùa Thu Chầm Chậm Đi Qua

Cuốn sách là những trang nhật ký tỏ bày về hành trình từ làng ra phố và rong chơi trên những cánh đồng của cô gái nhỏ qua thu đông xuân hạ.

Dịu dàng, khoan thai như cái tên được đặt, Và mùa thu chầm chậm đi qua dù thuộc thể loại du ký nhưng mỗi điểm đến được tác giả miêu tả luôn mang nỗi niềm sâu lắng, cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp mà không xô bồ, ồn ào như đặc điểm thường thấy ở những cuốn du ký khác.

Hành trình của nữ tác giả sẽ đưa bạn đọc đến với những vùng đất châu Âu, Nam Mỹ đầy mê hoặc.

Những Venice, Paris, London hay Milan,… thì vẫn luôn là châu Âu người ta từng biết, nhưng điều sẽ níu giữ họ đến trang cuối cùng của cuốn sách là thứ cảm xúc mát lành, là những mến yêu, những gắn bó của kẻ lữ hành với những vùng đất vừa đi qua. Một châu Âu vì thế sẽ lại khác đi rất nhiều trong mắt, trong tim người đọc, đẹp hơn một cách rất tình. Và những trải nghiệm ở thành phố của đất nước Nam Mỹ Brazil cũng mang đến cho độc giả yêu thích khám phá lịch sử, văn hóa nhiều điều thú vị.

Trà Hoa Nữ

Trà Hoa Nữ

Trà hoa nữ là một câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier.

Nội dung Trà hoa nữ kể về mối tình bất thành của anh nhà giàu Duval với cô kỹ nữ Marguerite, một đề tài tưởng đâu là quen thuộc, nhưng bằng ngòi bút sắc sảo cộng với tình cảm bao dung mà tác giả muốn truyền tải, truyện được độc giả đón nhận không ngần ngại, dù là giới quý tộc, cái giới bị hạ thấp hơn cả cô kỹ nữ trong truyện.

Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite là người có tâm hồn và cá tính; nàng có lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Marguerite Gautier trong chuyện được viết dựa trên hình mẫu của Marie Duplessis, người yêu của chính tác giả.

Cùng danh mục

Leave a Reply / Feedback

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button