17 sách hay về Đà Lạt nên đọc
17 sách hay về Đà Lạt. Khuyên đọc quyển Đà Lạt một thời hương xa và Miền sương khói giai phẩm về Đà Lạt.
Đà Lạt, Những Cuộc Gặp Gỡ – Con Người Và Đô Thị Đà Lạt 1899 – 1975 – Biên Khảo
Đây là cuốn sách thứ năm, là công trình khảo cứu độc lập thứ ba của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt. Cuốn sách này kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Những cuộc gặp gỡ là cơ duyên làm nên Đà Lạt yêu dấu của bao người, làm nên một phần văn hóa, cốt cách, căn tính của một đô thị đúng nghĩa.
Cuộc gặp của hai người Pháp có công khai sinh thành phố, của những nông dân Pháp -Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp những tao nhân mặc khách, những chính khách, quý tộc thượng lưu, những bác sĩ quốc tế, những nhà môi trường học, dân tộc học… Những câu chuyện này mang tới một hình ảnh khác, một hình dung mới, “những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả” của thành phố cao nguyên mộng mơ.
Luôn luôn làm việc rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các sử liệu được đưa ra khách quan từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 tại TP Hồ Chí Minh và 4- tại Đà Lạt, bên cạnh tư liệu từ những cuốn sách và văn bản đã công bố, cùng những nghiên cứu cá nhân không bị những định kiến “hôm qua – hôm nay” chi phối, Nguyễn Vĩnh Nguyên thực sự thành công trong bộ 3 biên khảo có giá trị..
Đà Lạt Một Thời Hương Xa (Du Khảo Văn Hóa Đà Lạt 1954 – 1975)
Đà Lạt được kiến tạo từ những cuộc du hành văn hóa trong quá khứ. Đà Lạt từng là không gian văn hóa đô thị có sức hấp dẫn riêng, nơi gặp gỡ của những khát vọng tri thức lớn, điểm đến của những hành trình sáng tạo đầy lý tưởng. Tất cả đặc biệt cô đọng trong giai đoạn hai mươi năm mà tác giả cuốn sách này chọn khảo sát – một quá khứ gần – nhưng dường như đang đứng trước nguy cơ bị phủ lấp, xóa nhòa bởi bụi thời gian…
Nhân vật, sự kiện, hiện tượng văn hóa được phục dựng lại bằng ghi chép điền dã khảo cứu, kết nối tư liệu và những kiến giải riêng. Quá khứ được đồng hiện trên nền văn phong vừa bay bổng vừa giàu chiêm nghiệm, định hình một lối văn với Đà Lạt, của riêng Đà Lạt.
Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không còn là người lữ khách của vùng trời sương khói riêng tư nữa, mà là một nhà du hành, tri hành đường dài, dấn bước trong đơn độc về miền quá khứ với khát khao được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thời hoàng kim.
Món quà dành cho những người yêu và thực lòng muốn hiểu giá trị Đà Lạt!
Đà Lạt – Bản Đồ Sáng Lập Thành Phố
Cuốn sách là công trình sưu tầm, sao lục trong thời gian dài của hai chuyên gia người Pháp là Olivier Tessier và Pascal Bourdeaux tại 4 quốc gia là Việt Nam, Pháp, Nhật và Thụy Sĩ. Bên cạnh đó còn có nhiều hình ảnh trong bộ sưu tập cá nhân của tác giả Tam Thái.
Mục đích của cuốn sách là phác ra mối liên hệ giữa vấn đề bảo tồn di sản và triển vọng quy hoạch đô thiị bằng cách cung cấp cho người đọc cái nhìn về lịch sử thành phố qua bản đồ. Góc tiếp cận này nhanh chóng thể hiện sự phù hợp và độc đáo của mình trong việc làm sáng rõ cả một mảng trong lịch sử của vùng, nhất là những điểm còn đang được tranh luận hiện nay về những thách thức và phương pháp cần áp dụng vào mục đích giữ gìn di sản đô thị.
Cuốn sách được thực hiện trên góc nhìn đa ngành, phương pháp luận liên ngành qua đó cho thấy các chuyên ngành khác nhau về lịch sử, bản đồ và quy hoạch đô thị cũng như cách tiếp cận lịch sử và tương lai có thể đối thoại với nhau như thế nào.
Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù
Một Đà Lạt thời vàng son trong đời sống văn hóa đã từng được Nguyễn Vĩnh Nguyên tái hiện qua cuốn du khảo Đà Lạt, một thời hương xa.
Lần này, là một cách tiếp cận khác, hành trình khác. Phần chìm, phần bị phủ đậy cùng những bí mật sâu kín trong một giai đoạn lịch sử Đà Lạt (1950 – 1975) được tác giả cho đồng hiện bằng một lối viết biên khảo chỉn chu và cuốn hút.
Hai năm trôi qua, người viết cuốn sách này đã lật dở hàng ngàn trang văn bản cùng hàng trăm tài liệu qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để chỉ làm một cuộc ghi nhận cô đọng, giúp người đọc hình dung về những gì chìm dưới sương mù.
Đà Lạt Và Những Bí Ẩn Nam Tây Nguyên
Bằng những chuyến điền dã đầy hứng khởi, sự giúp đỡ nhiệt thành của các nhà khoa học, những nhà quản lý văn hóa, của cộng đồng, những con người tham gia cụ thể ở thực địa cùng với sự nỗ lực tự thân, niềm đam mê không ngưng nghỉ, làm việc nghiêm túc, kết hợp với nguồn tư liệu phong phú quý hiếm từ công việc đã giúp Đoàn Bích Ngọ hình thành nên những bài viết gợi mở, súc tích, mang đến cho người đọc một nguồn cảm hứng thú vị khi tìm hiểu về thành phố Đà Lạt đầy huyền ảo, mộng mơ, thi vị và một vùng đất Nam Tây Nguyên đầy bí ẩn, ma mị nhưng quyến rũ.
Cuốn sách phần nào đã giải tỏa được những khao khát kiếm tìm của người trong cuộc và du khách khi đến với xứ sở ngàn hoa này. Cuốn sách xứng đáng được nằm trong kệ sách gia đình của những người thích khám phá những điều mới lạ của thế giới xung quanh.
Miền Sương Khói – Giai phẩm về Đà Lạt
Thà làm ăn mày ở Đà Lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài Gòn. Thà làm ăn mày ở Ba-lê còn hơn làm triệu phú ở Nữu-ước.”, Phạm Công Thiện từng viết như vậy.
Đà Lạt là thành phố hiếm hoi tạo ra một lực hút mãnh liệt đối với những tâm hồn lãng mạn.
Đà Lạt trong mỗi người – chính là nội dung của phần Tản văn trong cuốn sách này. Đây là phần tập hợp những ghi chép, cảm nhận về không gian sống, ký ức đô thị của người Đà Lạt và lữ khách yêu Đà Lạt thuộc nhiều thời kỳ.
Đà Lạt Năm Xưa (Lược Khảo)
Nhìn từ phương diện lịch sử quy hoạch các đô thị Việt Nam, thì Đà Lạt là một hiện tượng đô thị đặc biệt. Đó là một đô thị mang hình mẫu châu Âu trong lòng Việt Nam. Điều này thể hiện qua thiết kế hệ thống giao thông, hình thái kiến trúc, phân khu chức năng, triết lý bảo tồn cảnh trí tự nhiên và cuối cùng là lối sống cư dân… Đến nay, vẫn còn nhiều khoảng trống để xây dựng một chân dung hoàn chỉnh của Đà Lạt.
Cuốn sách Đà Lạt năm xưa của Nguyễn Hữu Tranh, một người Đà Lạt viết về thành phố của mình, bằng sự biên khảo tỉ mỉ, cẩn trọng, đã kết nối các tài liệu hơn một thế kỷ qua để như một nhà xây dựng, tạo nên một khuôn hình tương đối rõ nét về giai đoạn hình thành và phát triển của Đà Lạt từ cuối TK 19 và nửa đầu TK 20. Sự gọn gàng, mạch lạc của cấu trúc cuốn sách trước hết là nhờ sự chọn lựa các tài liệu hấp dẫn, từ dạng hồi ký của các nhà khoa học, chính khách Pháp như Gabrielle M. Vassal, Étienne Tardif hay bác sĩ Alexandre Yersin…, đến các bài vở trên các tờ báo Pháp thời Đông Dương đề cập đến các vấn đề đầu tư xây dựng Đà Lạt và nhất là các bản đồ, công trình dân tộc học, đồ án quy hoạch thành phố…
Ngày Xưa, Langbian…Đà Lạt
Ngày Xưa, Langbian…Đà Lạt lần đầu, công bố trên 200 bức ảnh sưu tập từ phim gốc chụp về cao nguyên Langbian từ thập niên 1950 cùng 50 tác phẩm nhiếp ảnh của Tam Thái chụp ở Lâm đồng với nhiều biên khảo, bút ký…
“Phát hành tập sách hình ảnh và tư liệu Ngày Xưa, Langbian…Đà Lạt, tôi cũng mong ước được góp thêm một chút gì đó cho những người yêu thiên nhiên cao nguyên, người yêu du lịch, người yêu nghệ thuật kiến trúc, người yêu ảnh… Và nhà quản lý có dịp nhìn về quá khứ: Đà Lạt đã từng có một thời như thế. Qua đó cùng nhau góp phần tu bổ, chỉnh trang, phát triển và gìn giữ thành phố cao nguyên này, không chỉ xứng danh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng số một của cả nước, mà còn phải được “xếp hạng” ở Đông Nam Á, như mong đợi của nhiều người”
(Tam Thái)
Ký Ức Của Ký Ức
Bằng một lối viết pha trộn biên khảo, hồi ức và các bản điều tra, một tiểu thuyết thấm đẫm hoài niệm về thành phố Đà Lạt đã được viết xuống.
Những ngõ hẻm quanh co, những khoảng đồi mù sương, những khúc quanh của biến thiên mất mát, những nhân dạng thoát ẩn thoắt hiện và cả những cuộc tình chóng vánh, vùi trong sương khói tịch mị đưa người đọc đi vào một Đà Lạt của hoang phế, u hoài. Thành phố của những cuộc đến và đi, kiếm tìm và trốn chạy.
Ký ức của ký ức là một tiểu thuyết tối giản, với sức hàm chứa sâu rộng, phong cách lịch duyệt và hướng nội. Được sinh ra để dành riêng cho Đà Lạt và người yêu Đà Lạt.
Đỉnh Cao Quốc Tế – Đà Lạt Và Sự Hưng Vong Của Đông Dương Thuộc Pháp
Đà Lạt được tạo dựng vào cuối thế kỷ 19 từ những dự định trái ngược và tranh chấp nhau: nó sẽ là một vườn ươm, một pháo đài chống bệnh tật, một trung tâm của quyền lực thực dân, một căn cứ quân sự, một đỉnh cao để từ đó thống lĩnh Đông Dương.
Các nhà qui hoạch thành phố này tìm cảm hứng ở nhiều nơi: tham khảo rất nhiều đến Petropolis ở Brazil, đến Baguio ở Philippines, đến Pháp và dãy Alps Thụy Sĩ, đến Côte d’Azur và đến những thị trấn đồi núi ở Hòa Lan mà lúc bấy giờ còn gọi là Hòa – Ấn (Netherland Indies). Nói cách khác, Đà Lạt hiện đại và hoàn cầu từ trong tinh chất. Vậy mà nó cũng là tỉnh lẻ: khu nghỉ dưỡng này nổi tiếng vì các phong cách vùng Basque, Bretagne, Normandie và Provence, chẳng hạn. Cuốn sách này khám phá những nguồn gốc và tiến hóa của Đà Lạt trong kỷ nguyên thuộc địa, khảo sát nhiều căng thẳng và nghịch lý trên đường đi của nó.
Đà Lạt sẽ còn quyến rũ mọi người lâu dài. Dường như nó gieo niềm hoài nhớ cho ngay cả một thế hệ trẻ Việt Nam, những người xem nó như một nơi chốn lãng mạn và thoát ly. Cảm nhận đương đại này, về nhiều mặt, là sự đứt đoạn với cảm nhận thực dân Pháp về Đà Lạt như một sự thay thế cho nước Pháp, một bản sao thu nhỏ của mẫu quốc.
Tình Phố Bên Đồi
Đà Lạt, xứ lạnh độc đáo giữa cao nguyên nóng ấm, nơi du khách tìm về tạm lánh khỏi ồn ào phố thị, khơi dậy cảm hứng cho tao nhân mặc khách, và được biết đến nhiều hơn cả, là thành phố lãng mạn của tình yêu.
Cần những trang viết để ta hiểu. Về vẻ đẹp dịu dàng của cơn mưa mùa hạ, những ngày thành phố vắng bóng mặt trời. Về những cung đường trong mây, những con đèo ẩn hiện giữa rừng thông. Về những câu chuyện đặc sắc ẩn giấu sau mỗi địa điểm, công trình, mỗi góc đường, con dốc dù nổi danh hay vô danh.
Bằng tình yêu của người con Đà Lạt, Nguyên An không chỉ giới thiệu mà còn khắc họa linh hồn thành phố. Tình phố bên đồi mời bạn ghé thăm Đà Lạt với những nét đặc sắc rất riêng. Cảnh sắc thiên nhiên hút hồn, các địa danh với thông tin lí thú, cả những trải nghiệm chân thành gần gũi tuổi đôi mươi. Để cuối cùng, điều bạn tìm thấy là nỗi thôi thúc được tự mình ghé thăm phố núi trong sương, nghe thành phố kể, những ngọn đồi hát và hỏi lòng đã yêu nơi đây từ bao giờ.
Với Đà Lạt Ai Cũng Là Lữ Khách
Tập tản văn gồm 23 tản văn là những hoài niệm và cảm nhận về Đà Lạt. Đà Lạt là sương mù, là rong rêu, là những phận người lặng lẽ nhưng không kém phần mãnh liệt. Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm hồn tác giả như một ám ảnh không thể trục xuất ra khỏi đầu và ra khỏi trái tim.
“Có những ngày như thế, đồng tử thèm bức xạ, thèm mù sương, thèm cái quạnh quẽ của cảnh sắc. Cơn thèm muốn quắt quay của tên nghiện thâm niên buông thả cuộc đời, có lẽ cũng chỉ đến mức như vậy.
Bắt đầu từ việc ánh nhìn đờ đẫn mỏi mệt vươn ra, dõi tìm trong ngõ ngách đời sống một chút bàng bạc, một chút sương khói hẫng hiu hư vô và tự lừa mị rằng đó là sương khói thật, đó là khung cảnh núi đồi thật, để chỉ cần khép mắt lại thôi, là Đà Lạt ùa về, ngập tràn khắp nẻo mộng”.
Đà Lạt Xưa – Nhiều tác giả
Đà Lạt là tên gọi của thành phố trên cao nguyên Langbian nay là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, tự nó đã chứa đựng những khát vọng của người đã từng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng trên ý tưởng hướng đến một thành phố nghỉ dưỡng cho con người.
Người đặt những viên đá ấy lại là một tiến sĩ đến từ phương xa, bác sĩ Alexander Yersin danh tiếng. Ý tưởng về một thiên đường trên địa giới nhờ vào cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và một cộng đồng cư dân đồng cảm đã là những khởi đầu cho một nỗ lực xây dựng thành phố cách đây 120 năm.
Xứ Mộng Hồn Hoa
Xứ mộng hồn hoa, là cuốn sách đẹp như những giấc mơ. Giấc mơ đó được tạo nên từ những màu nhiệm đơn sơ nhất, giản dị nhất. Xa Đà Lạt từ tuổi 12 để bước vào cuộc sống gần như trong bệnh viên Nhi Đồng 2 suốt thời thơ ấu, Nam đã không thể trở về lại phố núi vì lý do sức khỏe, anh đã viết về Đà Lạt mộng mơ với những thước phim rực rỡ nhất trong cuộc đời mình, nơi anh tự nhận mình vừa là cố nhân, vừa là lữ khách, dù giờ đây Đà Lạt với anh chỉ còn là nỗi nhớ nhung luôn chực tuôn như tiếng thở dài.
Với anh, hiện tại là Sài Gòn. Sài Gòn bao dung nhân hậu và đầy yêu thương; Sài Gòn là nơi đã ôm anh, giúp anh có đủ niềm tin, có đủ tình yêu, mang đến cho anh những giấc mơ bỏng cháy và cùng anh lớn lên.
Đọc những tác phẩm của anh, người ta không khỏi ngạc nhiên trước sức sống, sức viết mãnh liệt của một người mang bệnh tim bẩm sinh mà chính bác sĩ cũng thừa nhận “được sống đã là một điều kỳ diệu”.
Chuyến Đi Của Thanh Xuân
Ở lưng chừng thanh xuân đột nhiên ta tự hỏi có nhận ra đâu là những gì ta thực sự muốn làm, đâu là những tình cảm đáng cho ta trân trọng, đâu là những cơ hội ta không muốn bỏ qua? Hay ta chỉ tự gò ép bản thân vào những kì vọng của cha mẹ, thầy cô, thậm chí là ánh mắt phán xét của những người mà ta chẳng quen mặt biết tên?
Chuyến đi của Thanh Xuân là cuốn sách Nguyễn Ngọc Thạch viết cho những câu hỏi bỏ ngỏ đó. Chuyến đi của Thanh Xuân – Một chuyến đi tới Đà Lạt, một hành trình tự phát đầy bồng bột hay một chuyến tàu đưa những cô cậu đôi mươi ấy đến với câu trả lời cho ước mơ, cho tuổi trẻ, cho chính bản thân mình.
Cùng với An, Miên, Thịnh, Vũ là những cô cậu đang học năm cuối cấp, với những hàng loạt những vấn đề của học sinh cuối cấp – học hành, tình cảm tuổi học trò, gia đình, bạn bè. Năm cuối rồi học đi chứ yêu đương gì… Đi du học hay ở nhà… Đây là ước mơ của ba mẹ hay của con?
Và cả một nỗi niềm rất hiện đại: khi đột nhiên nổi tiếng sau một đêm và trở thành đối tượng buôn chuyện của cả ngàn người trên Facebook.
Tác giả khéo léo đưa vào những thông điệp rất sâu sắc, và giá tôi cũng biết được điều đó từ trước thì chắc tuổi thanh xuân của mình sẽ trôi qua một cách cool ngầu hơn.
Mối Tình Như Sương Khói
Trước năm 1975, thời còn chiến tranh, Sài Gòn và Đà Lạt cách nhau khoảng 300 km đường bộ nhưng sự đi lại rất khó khăn. Thuở ấy tôi còn rất trẻ, luôn bận rộn với công việc nên ít đi đâu ra khỏi Sài Gòn. Mong ước của một chàng trai chỉ mới trên 20 tuổi là được một lần tới Đà Lạt, một thành phố du lịch rất đẹp và thơ mộng mà tôi chỉ mới được biết qua sách, báo, trong những bài thơ, những ca khúc viết về Đà Lạt và một số phim ảnh. Càng háo hức hơn khi Đà Lạt được khoác lên nhiều cái tên biểu tượng khác như “Thành phố hoa đào”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố ngàn hoa”…
Rồi dịp ấy cũng đến, đó là mùa Giáng sinh năm 1972, tôi được một người bạn mời đi Đà Lạt. Người bạn đề nghị đi máy bay nhưng tôi không chịu, vì đi máy bay từ phi trường Tân Sơn Nhất tới phi trường Liên Khương Đà Lạt chỉ mất 15-20 phút, ngồi trên máy bay lướt trên chín tầng mây chút xíu là tới, mà từ trên cao 9.000 mét nhìn xuống phía dưới thì hầu như chẳng thấy gì trừ lúc máy bay hạ độ cao để xuống phi trường Liên Khương cũng chỉ thấy rừng núi, đèo dốc và sương mù. Tôi muốn đi đường bộ để được ngắm cảnh, thưởng lãm cho hết sự tuyệt vời của con đường dài 300 km dẫn đến Đà Lạt bằng cách ngồi trên chiếc xe đò nhỏ của hãng Minh Trung từ bến xe Petrus Ký (bây giờ là đường Lê Hồng Phong, quận 10) từ lúc 8 giờ sáng, để tới Đà Lạt vào lúc 3 giờ chiều trong ngày 24-12, vừa kịp đi chơi đêm Giáng sinh đầu tiên ở Đà Lạt.
Trước đó tôi đã quen với Em, người con gái, nhân vật chính trong toàn bộ truyện dài này… ở Sài Gòn, vì Em là một cộng tác viên của tôi, Em có làm thơ, viết những bài viết ngắn gửi về tòa soạn báo tôi làm việc, và tôi đã chọn đăng cho Em vài bài trong số đó. Em là nữ sinh trường trung học nữ Bùi Thị Xuân, một ngôi trường nữ nổi tiếng ở Đà Lạt. Từ mối quen biết với Em và sự nôn nóng muốn tới được “Thành phố sương mù” ngay trong mùa Giáng sinh năm đó đã khiến tôi rất hào hứng thực hiện ước mơ của mình. Và đây là một sự kiện trong đời, ghi lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi, dù rằng về sau này tôi đã thường xuyên lên Đà Lạt, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh cuối tháng 12 mỗi năm..
Đà Lạt Xưa (Sách Ảnh)
Sách ảnh “Đà Lạt xưa” là tập hợp những ký ức của một thành phố được mệnh danh như thành phố của ngàn hoa hay còn gọi là “thành phố sương mù”, là điểm đến lý tưởng mà ít thành phố du lịch nào có được. Là miền đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; yên tĩnh với những rừng thông xanh ngút ngàn, những thác nước hùng vĩ, hoa trái bốn mùa rực rỡ…
Người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng trên ý tưởng hướng tới một không gian sống lý tưởng cho con người ấy lại là một người đến từ phương xa, bác sĩ Alexandre Yersin danh tiếng. Ý tưởng về một thiên đường trên địa giới nhờ vào cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và một cộng đồng cư dân đồng cảm với ý tưởng đó đã là những khởi đầu cho một nỗ lực xây dựng thành phố cách đây đúng 120 năm (1893-2013).
Sách Đà Lạt xưa gồm 120 ảnh tiêu biểu cho 120 năm Đà Lạt, hy vọng sẽ là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ yêu mến Đà Lạt và xem đây là quà tặng có ý nghĩa gửi đến đồng bào và chính quyền thành phố Đà Lạt nhân những ngày vui trọng thể này. Bởi đó không chỉ là kí ức của quá khứ mà còn là một di sản của hiện tại mà chúng ta đang kế thừa để tiếp tục phát triển phù hợp với vị thế hôm nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, mà còn là một nét trội tiêu biểu cho cả không gian Tây Nguyên hùng vĩ và cũng xứng đáng với một địa điểm du lịch hiếm hoi với một khí hậu lí tưởng nằm giữa một không gian nhiệt đới của khu vực Đông Nam Á.